Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 cụm miền núi Đông Bắc Bộ
- Sáng 13/7, tại Lạng Sơn, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025, vòng đối thoại địa phương – Cụm miền núi Đông Bắc Bộ. Đây là một trong chuỗi đối thoại địa phương trên toàn quốc – một phần rất quan trọng trong quá trình chuẩn bị nội dung cho Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2025 phiên cấp cao.

Tham dự chương trình, về phía tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành trên địa bàn tỉnh; cùng các doanh nhân trẻ trong tỉnh.

Về phía Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có đồng chí Hoàng Bình Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ tịch danh dự Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; các Phó Chủ tịch hội; Đại diện Hội Doanh nhân trẻ các tỉnh trong và ngoài cụm

Phát biểu khai mạc diễn đàn, đồng chí La Giang Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Lạng Sơn – Cụm trưởng Cụm miền núi Đông Bắc Bộ, nhấn mạnh vai trò đặc biệt của khu vực miền núi Đông Bắc Bộ là vùng đất mang trong mình nhiều tiềm năng: từ kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp bản địa, đến du lịch văn hóa – sinh thái... Tuy nhiên, để phát triển, cần những cơ chế linh hoạt, cần doanh nhân dấn thân và cần các chính sách thực sự phù hợp với thực tiễn vùng miền.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 được thiết kế theo cấu trúc ba vòng liên thông: vòng đối thoại cấp địa phương; vòng đối thoại cấp bộ, ngành; vòng đối thoại cấp cao. Mô hình này giúp kết nối trực tiếp tiếng nói của doanh nghiệp tư nhân với hệ thống hoạch định chính sách, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái phản biện – đề xuất – hành động mang tính thực chất. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam có mạng lưới tổ chức hội tại 34 tỉnh, thành phố trên cả nước với hơn 20 nghìn hội viên. Đây chính là nền tảng để tổ chức đối thoại trên cả nước, lắng nghe đa chiều và phản ánh đúng thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

Tại diễn đàn, đại biểu của Hội Doanh nhân trẻ các tỉnh thành trong cụm đã tham luận tập trung vào các vấn đề như: Phát triển logistics cửa khẩu và công nghiệp chế biến gắn với tài nguyên bản địa; Chính sách tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ tại miền núi; Tận dụng chuyển đổi số để rút ngắn khoảng cách vùng sâu vùng xa; Liên kết phát triển du lịch sinh thái – văn hóa – cộng đồng… Các đại biểu đã có các ý kiến hiến kế để khu vực miền núi không bị “bỏ lại phía sau” trong tiến trình số hóa và hội nhập.

Trên tinh thần dân chủ, cởi mở, các đại biểu tham gia diễn đàn đã có trên 20 lượt ý kiến phát biểu, phản ánh liên quan đến các nội dung: tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các ngân hàng thương mại; những chính sách đặc thù cho doanh nghiệp nhỏ và vừa miền núi biên giới; nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; đổi mới mô hình kinh doanh gắn với tài nguyên bản địa; bài toán nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản...
Tại diễn đàn, các đồng chí lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, đại diện các cơ quan, đơn vị chuyên môn của tỉnh… đã giải đáp, làm rõ các ý kiến, kiến nghị mà doanh nghiệp quan tâm; đồng thời tiếp thu, xem xét trình cấp trên đối với những ý kiến vượt thẩm quyền.
Vòng đối thoại địa phương sẽ tiếp tục được tổ chức tại các cụm kinh tế trọng điểm trong thời gian tới. Các nội dung, sáng kiến và kiến nghị tại vòng đối thoại khu vực miền núi Đông Bắc Bộ sẽ được tổng hợp vào Sách trắng Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2025 và trình bày tại phiên toàn thể cấp Chính phủ, dự kiến diễn ra ngày 15-16/9/2025.

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn ghi nhận những đóng góp của của khu vực kinh tế tư nhân và Hội Doanh nhân trẻ Lạng Sơn cho sự phát triển chung của tỉnh trong thời gian qua (khoảng 63% GRDP và 15% nguồn thu ngân sách nhà nước hàng năm). Đồng chí cho biết, GRDP năm 2024 của tỉnh tăng 7,8%, ước 6 tháng đầu năm 2025 đạt 8,37%; tổng thu ngân sách nhà nước và kim ngạch xuất nhập khẩu luôn đạt mục tiêu; môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện rõ rệt, chỉ số PCI trong top 30/63 tỉnh, thành phố; hằng năm thành lập mới bình quân trên 500 doanh nghiệp. Việc triển khai Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, chính vì vậy tỉnh đã đặt mục tiêu đề ra đến năm 2030 có trên 18.000 doanh nghiệp; 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân (tăng gấp 5,6 lần); tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-11%/năm; kinh tế tư nhân đóng góp trên 70% vào GRDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm.
Đồng chí đề nghị: cộng đồng doanh nghiệp cần tích cực chia sẻ ý kiến, đề xuất; chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số, đổi mới mô hình sản xuất - kinh doanh, hướng đến phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội. Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, kết nối, hỗ trợ hội viên; kiến tạo không gian đối thoại hiệu quả với chính quyền; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lan tỏa tinh thần doanh nhân. Các cơ quan chức năng, chính quyền cấp cơ sở, tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực. Tăng cường đối thoại công - tư, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo trong thực thi công vụ; triển khai hiệu quả các kế hoạch của tỉnh về 4 Nghị quyết trụ cột của trung ương.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 cụm miền núi Đông Bắc Bộ đã khẳng định tầm quan trọng của các đối thoại thực chất giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Những ý kiến thẳng thắn, xây dựng từ cộng đồng doanh nhân trẻ Đông Bắc Bộ không chỉ phản ánh đúng thực tiễn mà còn là nền tảng cho việc hoạch định chính sách. Đây chính là động lực để kinh tế tư nhân Việt Nam, đặc biệt tại các vùng miền núi, tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ, đóng góp ngày càng sâu rộng vào sự phát triển chung của đất nước.
Ý kiến ()