Xóa nghèo ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Năm năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung mọi nguồn lực cho công tác xóa nghèo trên địa bàn với các chương trình được triển khai hiệu quả. Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ nghèo còn chăm chỉ làm ăn, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.Để Xóa nghèo bền vững'Kể về nỗi khổ của gia đình tôi trước đây thì không bút mực nào tả xiết' - chị Cao Thị Chính, ở khu phố 5, phường 5, TP Vũng Tàu, bắt đầu câu chuyện về nỗ lực thoát nghèo của gia đình mình như thế. Chồng chị là giáo viên, bị bệnh thần kinh, đã nghỉ mất sức từ năm 1991. Bốn đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, mẹ già lại mù lòa, mọi gánh nặng đều đè cả lên đôi vai gầy yếu của chị. Năm 2004, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo chuẩn quốc gia, được các cấp, các ngành tập trung giúp đỡ. Nhưng cũng chính trong năm ấy, một cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ nhà cửa và các vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Chị lại trắng tay một...
Năm năm qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung mọi nguồn lực cho công tác xóa nghèo trên địa bàn với các chương trình được triển khai hiệu quả. Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các hộ nghèo còn chăm chỉ làm ăn, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để Xóa nghèo bền vững
'Kể về nỗi khổ của gia đình tôi trước đây thì không bút mực nào tả xiết' – chị Cao Thị Chính, ở khu phố 5, phường 5, TP Vũng Tàu, bắt đầu câu chuyện về nỗ lực thoát nghèo của gia đình mình như thế. Chồng chị là giáo viên, bị bệnh thần kinh, đã nghỉ mất sức từ năm 1991. Bốn đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, mẹ già lại mù lòa, mọi gánh nặng đều đè cả lên đôi vai gầy yếu của chị. Năm 2004, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo chuẩn quốc gia, được các cấp, các ngành tập trung giúp đỡ. Nhưng cũng chính trong năm ấy, một cơn hỏa hoạn đã thiêu rụi toàn bộ nhà cửa và các vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Chị lại trắng tay một lần nữa. 'Tôi không nghĩ mình sẽ vượt qua cú sốc khủng khiếp ấy nếu không có các đoàn thể địa phương sát cánh, động viên,hỗ trợ gia đình tôi cả về vật chất lẫn tinh thần, làm vợi đi phần nào những mất mát, rủi ro mà gia đình phải gánh chịu' – chị Chính tâm sự. Năm 2006, chị được chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ và ban điều hành khu phố hướng dẫn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Chị vay Ngân hàng Chính sách xã hội bảy triệu đồng mua một xe bán sữa đậu nành dạo. Năm 2007, gia đình chị lại được vay tám triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ cho học sinh, sinh viên, giúp các con chị có điều kiện đến trường, yên tâm học tập. Chịu thương, chịu khó, tần tảo sớm hôm bên xe sữa đậu nành, chị đã nuôi dạy bốn con ăn học thành người, đến nay đều đã có việc làm ổn định. Gia đình chị từng bước thoát nghèo và có của ăn, của để. Gia đình anh Huỳnh Ngọc Ẩn, ở ấp Phước Nghĩa, xã Tam Phước, huyện Long Điền cũng gặp không ít khó khăn kể từ ngày rời quê hương Quảng Nam vào Bà Rịa – Vũng Tàu sinh sống. Anh chọn xã Tam Phước làm quê hương thứ hai của mình, làm đủ mọi nghề để mưu sinh nhưng đói nghèo cứ mãi đeo đẳng. Năm 2006, gia đình anh được ấp Phước Nghĩa và xã Tam Phước bình xét là hộ nghèo chuẩn quốc gia. 'Kể từ đó gia đình mình được chính quyền và các đoàn thể quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn. Được khám, chữa bệnh không phải mất tiền, tụi nhỏ được đi học miễn phí' – anh Ẩn cho biết. Gia đình anh được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 15 triệu đồng để nuôi bò phát triển kinh tế. Năm 2007, thấy nuôi bò hiệu quả không cao, vợ chồng anh bàn bạc thống nhất cùng nhau chuyển vốn chăn nuôi sang mở một xưởng mộc tại nhà. Hiệu quả thấy rõ. Ngay trong năm 2007, gia đình anh đã thoát nghèo. Đến nay, xưởng mộc của gia đình anh ngày càng phát triển. Máy móc, trang thiết bị được đầu tư hiện đại. Ngoài thoát nghèo và vươn lên khá giả, anh còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một số lao động địa phương.
Có thể kể đến nhiều dự án, chương trình với số vốn hàng tỷ đồng, được triển khai hiệu quả thời gian qua, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Thí dụ như thực hiện chương trình hỗ trợ đất ở, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo (Chương trình 134), tỉnh đầu tư xây dựng Làng định cư có diện tích 44 ha cho 59 hộ dân huyện Tân Thành với mức đầu tư 9,9 tỷ đồng; làng vượt nghèo ở Đá Bạc – Châu Đức có diện tích 17 ha cho 300 hộ nghèo. Ngoài ra còn có dự án xây dựng khu tái định canh, định cư ở Xuyên Mộc. Chương trình ổn định di cư tự do kinh phí 13 tỷ đồng; chương trình định canh, định cư đầu tư 15,5 tỷ đồng giúp đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình miễn giảm thuế nông nghiệp cho người nghèo; chương trình nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn… Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ khác như: dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nghèo nông thôn, hỗ trợ về y tế, giáo dục, vận động các nguồn lực xã hội xây dựng nhà đoàn kết… cũng đi vào nền nếp, được xã hội tích cực hưởng ứng và ngày càng mở rộng. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Sanh khẳng định: Một trong những điều kiện cần để giảm nghèo bền vững, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, là phải nhanh chóng triển khai các dự án khuyến nông, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các hộ nghèo, giúp cho người nghèo biết cách làm ăn, phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề. Đây là vấn đề không mới nhưng quyết định sự thành công của công tác xóa nghèo.
Vươn lên làm giàu
Đến thăm gia đình bác Phạm Văn Vinh, ấp Phước Lăng, xã Tam Phước (huyện Long Điền), ít ai nghĩ rằng, gia đình bác từng là hộ nghèo, từng được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Bác Vinh cho biết: Gia đình tôi trước nghèo lắm, chỉ có một mẫu ruộng nhưng có tới sáu miệng ăn, thiếu trước hụt sau, khó khăn trăm bề. Năm 2004, tôi được vay mười triệu đồng từ nguồn vốn xóa đói, giảm nghèo để mua hai con bò cái. Được các cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, đàn bò của tôi phát triển nhanh. Nhờ dành dụm tiết kiệm, gây dựng đàn bò, đàn lợn cho nên chỉ vài năm sau đã mua sắm máy cày, các vật dụng sản xuất khác. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình dành dụm được hơn 100 triệu đồng. 'Có tiền dư dả chút đỉnh, tôi sắm sửa ti-vi, tủ lạnh, máy vi tính cho mấy đứa con… Bốn đứa con đều đang đi học, hai đứa lớn học đại học, cao đẳng nhưng gia đình vẫn chu cấp đủ cả. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn dành cho người nghèo mà cuộc sống của gia đình tôi đã thay đổi nhiều. Giờ thoát nghèo rồi lại nghĩ đến chuyện phải làm giàu' – bác Vinh hào hứng cho biết. Tương tự, gia đình anh Nguyễn Thanh Long, ở ấp Bắc 1, xã Hòa Long, thị xã Bà Rịa, đã nhanh chóng thoát nghèo nhờ được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và sự tư vấn kỹ thuật của những cán bộ khuyến nông. Anh khoe, mình vừa bán bò, sửa nhà và mua sắm một số tiện nghi sinh hoạt của gia đình. Trong ngôi nhà mái bằng khang trang của gia đình anh hôm nay, ngoài những vật dụng sinh hoạt có giá trị như: tủ lạnh, máy thu hình, sa-lông…, còn có nhiều bằng khen, giấy khen mà hai con anh đã giành được trong quá trình học tập. Anh tâm sự: Mình phấn đấu, nỗ lực làm kinh tế nhưng cũng không quên giáo dục, dạy bảo con cái trong nhà. Các cháu được ăn học đầy đủ thì sớm muộn gì gia đình mình cũng sẽ khá giả – anh Long quả quyết.
Chủ tịch UBND thị xã Bà Rịa Phạm Chí Lợi cho biết: Ngoài các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương và của tỉnh, UBND thị xã cũng dành một nguồn vốn từ ngân sách hỗ trợ các hộ nghèo đã được vay vốn, làm ăn hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND phường Long Toàn Lý Thị Thanh Hà, một cán bộ sâu sát với công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương, cho biết: Sau khi vay vốn phát triển kinh tế gia đình, nếu hộ nào làm ăn hiệu quả, thật sự cần vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất, phường và các hội đoàn thể sẽ tiếp tục bình xét, đề xuất thị xã cho vay vốn 'bồi'. Riêng trên địa bàn xã Long Toàn thời gian qua, đã có rất nhiều hộ có của ăn, của để, kinh tế gia đình phát triển mạnh nhờ vào nguồn vốn 'bồi' này của thị xã.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, năm năm qua, tổng số nguồn vốn tín dụng cho vay tính đến sáu tháng đầu năm 2010 là hơn 603 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn trung ương hơn 524 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương gần 79 tỷ đồng. Phần lớn hộ nghèo đều được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, từ 25,65% năm 2006 xuống còn dưới 1% năm 2010 (về đích trước một năm so Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV đề ra). Tính đến cuối năm 2009, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 5.973 hộ, số hộ nghèo theo chuẩn quốc gia còn 2.143 hộ, chiếm tỷ lệ 0,93%. Sau khi đã tách riêng đối tượng bảo trợ xã hội là 3.248 hộ thì số hộ nghèo còn lại theo chuẩn của tỉnh là 2.725 hộ, chiếm tỷ lệ 1,18%.
Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xây dựng chuẩn nghèo mới. Theo đó, ở khu vực nông thôn, các hộ có thu nhập từ 700 nghìn đồng/người/tháng trở xuống, và 900 nghìn đồng/người/tháng trở xuống đối với các hộ ở khu vực thành thị (bao gồm các hộ dân thuộc phường, thị trấn và huyện Côn Đảo) sẽ là các hộ nghèo. Qua điều tra sơ bộ, sau khi áp dụng chuẩn nghèo mới, toàn tỉnh có khoảng 47.000 hộ nghèo, chiếm 21,69% tổng số hộ. Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Tuấn Minh cho biết: Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,35% vào năm 2015 (theo chuẩn nghèo mới) như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V đã đề ra là một nhiệm vụ rất nặng nề. Song Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tập trung mọi nguồn lực, triển khai hiệu quả các dự án, chương trình giảm nghèo, trợ giúp người dân không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu.
Theo Nhandan

Ý kiến ()