Trung tâm GDTX: Phát huy vai trò trong việc xây dựng xã hội học tập
LSO-Vừa thực hiện tốt công tác bổ túc văn hóa, vừa triển khai dạy nghề cho người học, loại hình giáo dục thường xuyên (GDTX) từng bước vươn lên là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.
![]() |
Học sinh của Trung tâm GDTX huyện Chi Lăng thực hành nghề điện dân dụng |
Ngành GD&ĐT có 11 trung tâm GDTX, trong đó có 2 trung tâm cấp tỉnh và 9 trung tâm cấp huyện với tổng số 116 phòng học, trong đó có 97 phòng kiên cố và các phòng chức năng, các trung tâm đã có đủ điều kiện về phòng học để thực hiện nhiệm vụ. Trang bị cho các trung tâm cũng tốt dần lên với phòng học vi tính được trang bị đồng bộ, mỗi trung tâm có từ 1-2 máy chiếu projecto, tỷ lệ kết nối Intenet đạt 100%; mỗi bộ môn được cấp 1 bộ thiết bị dạy học cho từng khối lớp. Đội ngũ cán bộ giáo viên cơ hữu và hợp đồng đáp ứng việc nâng cao chất lượng dạy văn hóa. Năm học 2012-2013, các trung tâm đã huy động được 1.193 học viên, chiếm tỷ lệ 10,41% số người trong độ tuổi 15-25 có bằng tốt nghiệp THCS vào học hệ bổ túc văn hóa THPT. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án 910 của UBND tỉnh về mở lớp bổ túc xã, cụm xã, các trung tâm đã mở được 75 lớp với 1.908 học sinh. Với đối tượng học sinh mang tính đặc thù, các trung tâm đã chỉ đạo việc dạy học tăng thời lượng, bổ trợ kiến thức cho học sinh lớp 10 nên tỷ lệ học lực khá giỏi tăng, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp bổ túc THPT năm học 2012-2013 đạt 86,35%, trong đó có những Trung tâm đạt cao như Trung tâm GDTX Đình Lập 100%, Cao Lộc 97,85%… Không chỉ dừng lại ở việc dạy kiến thức văn hóa, với chức năng nhiệm vụ của mình, các trung tâm đã năng động đa dạng hóa các loại hình hoạt động như phối hợp liên kết với các trường như Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Cao đẳng nghề Thái Nguyên, Trung cấp nghề Việt-Đức, Cao đẳng Nông-Lâm Đông Bắc, các cơ sở đào tạo lái xe… không chỉ ở trung tâm huyện mà còn vươn tới các lớp bổ túc xã và cụm xã để dạy nghề cho học viên. Trong năm học vừa qua, các trung tâm đã mở được 59 lớp với 1.686 học viên; dạy chuyên đề 116 lớp với trên 9.800 người tham gia; liên kết đào tạo chuyên nghiệp 23 lớp với 1.327 học viên; liên kết đào tạo lái xe ô tô, rèn luyện kỹ năng nói Ttiếng Anh, bồi dưỡng công tác đoàn, đội cho đội ngũ tổng phụ trách các nhà trường, đào tạo chuyên môn nấu ăn…với trên 4.300 lượt người.
Để thực hiện mục tiêu có ít nhất 30% học sinh sau tốt nghiệp THCS được học nghề, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trung tâm tăng cường phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy nghề cho học sinh theo Đề án 1956 và thực hiện chương trình dạy văn hóa kết hợp dạy nghề. Trong số 2.431 học sinh học tại các trung tâm GDTX đã có 1.713 em được học nghề (chiếm tỷ lệ 70,5%), trong đó có 809 em học trung cấp nghề (tỷ lệ 33,3%), 669 em học chương trình hướng nghiệp nghề và 235 em học chương trình nghề nông thôn.
Không thụ động “chờ người, chờ việc”, sự năng động của các trung tâm trong việc xây dựng xã hội học tập biểu hiện cụ thể ở vai trò vị trí của nó đối với các trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ). Trong tuần lễ “Hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2012, các trung tâm đã phối hợp với các phòng GD&ĐT, các cơ quan, đoàn thể tổ chức được 485 lớp với trên 26 ngàn người tham gia học 202 chuyên đề khác nhau; đưa tổng số học viên học tại 226 Trung tâm HTCĐ năm 2012 là 215.374 lượt người với 4.320 lớp. Thầy giáo Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc Trung tâm GDTX Chi Lăng cho chúng tôi biết, ngay trong tháng 9 này, ngoài việc tiếp tục liên kết với trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc tổ chức các lớp dạy nghề tại các xã Hữu Kiên, Chiến Thắng, trung tâm đang tham gia dạy các chuyên đề về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, chuyên đề biên giới biển đảo…tại các xã Gia Lộc, Nhân Lý…
Ông Cao Văn Đông, Trưởng Phòng GDTX- Sở GD&ĐT cho biết: tiên phong trong đổi mới cách thức dạy học, áp dụng các phương tiện dạy học hiện đại, hiệu quả như dạy học từ xa, liên kết đào tạo… hướng tới đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học, các trung tâm GDTX đã và đang là nòng cốt cung cấp tài liệu, kiến thức, phương tiện dạy học và đội ngũ giáo viên đáp ứng việc học tập suốt đời cho người dân. Thế kỷ XXI là “thế kỷ của GDTX”, nên đòi hỏi các trung tâm cần năng động, trách nhiệm để làm tròn sứ mệnh cao cả của mình là luôn cập nhật các kiến thức mới để người dân có thêm nhiều cơ hội nâng cao trình độ học vấn và kiến thức nghề nghiệp; từng bước hình thành xã hội học tập.

Ý kiến ()