Tăng cường liên kết sản xuất
LSO-Lạng Sơn đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn từ sản xuất đông xuân 2012-2013. Mặc dù mới chỉ thí điểm đối với cây lúa, nhưng hiệu quả đã thấy rõ. Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình mẫu lớn thành cánh đồng lớn thực sự thì tăng cường các mối liên kết là một trong những yếu tố quyết định.
![]() |
Vùng nguyên liệu chè của Công ty Cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn |
Hiệu quả từ liên kết
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số vùng sản xuất nguyên liệu có thể coi là điển hình của cánh đồng lớn, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân – doanh nghiệp và giữa các hộ sản xuất với nhau.
Một trong số đó phải kể tới là vùng nguyên liệu chè ở Đình Lập. Từ 10 ha chè trồng thí điểm ban đầu (từ năm 1966) ở thôn Bình Giang, xã Lâm Ca, hiện nay diện tích của vùng nguyên liệu này đã lên đến khoảng 600 ha với hàng ngàn hộ gia đình tham gia. Ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc Nhà máy chè Lâm Ca (một trong hai nhà máy của Công ty Cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn) cho biết: riêng ở Lâm Ca, hiện nay, Nhà máy liên kết với hơn 400 hộ gia đình tạo vùng nguyên liệu ổn định với diện tích trên 200 ha.
Trong những năm qua, vùng nguyên liệu này luôn ổn định và được mở rộng bởi giữa doanh nghiệp, nông dân luôn có sự liên kết bền chặt. Doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, khoa học kỹ thuật và tiêu thụ, còn nhà nông đảm bảo thực hiện nghiêm quy trình, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy theo hợp đồng. Đồng thời từ quá trình trồng, chăm sóc, thu hái đều được tiến hành đồng loạt, đảm bảo độ đồng đều, năng suất và chất lượng tốt.
Trong năm 2014, Công ty Cổ phần chè Thái Bình Lạng Sơn đã thu mua được trên 1,1 nghìn tấn chè tươi, tăng 8,31% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá trị đạt gần 10 tỷ đồng, tăng tới 33,6% so với năm 2013, thu nhập bình quân của các hộ trồng chè đạt gần 21 triệu đồng/hộ/năm.
Ngoài vùng chè, vùng được coi là cánh đồng lớn của Lạng Sơn phải kể đến vùng nguyên liệu thuốc lá. Từ năm 2011 đến nay, Công ty Cổ phần thuốc lá Ngân Sơn đã đầu tư, liên kết với nhà nông mở rộng vùng trồng nguyên liệu trên địa bàn 43 xã của 7 huyện trên địa bàn tỉnh. Năm 2014 diện tích vùng nguyên liệu xấp xỉ 4.000 ha trên 7.000 tấn thuốc lá nguyên liệu. Xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển của cánh đồng thuốc lá, quan trọng nhất vẫn là tạo dựng được mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp với nhà nông, trong đó giữa các hộ sản xuất cũng liên kết cùng thực hiện và áp dụng đồng loạt các biện pháp canh tác.
Sức ì và tư duy nông hộ
Vụ đông xuân 2012-2013, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn đã triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn, chủ yếu đối với lúa. Việc đồng loạt đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật canh tác mới, triển khai đồng thời các biện pháp kỹ thuật đã mang lại hiệu quả khá cao. Năng suất trung bình của các mô hình cánh đồng mẫu đạt 77,46 tạ/ha, tăng tới trên 20% so với năng suất bình quân và hiệu quả kinh tế tăng thêm từ 7,5-9,5 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã bộc lộ nhiều hạn chế. Một trong số đó chính là tư duy sản xuất của người nông dân. Bà La Thị Huyền, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan bộc bạch: trên địa bàn huyện có thực tế là khi được hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình thì người dân tham gia, còn hết hỗ trợ thì sản xuất lại như cũ.
Ngoài “sức ì” vẫn lớn thì phương thức tổ chức sản xuất vẫn còn chậm đổi mới và tư duy sản xuất nông hộ vẫn còn quá nặng nề. Trong cánh đồng lớn quan trọng nhất là triển khai đồng loạt, đồng bộ các biện pháp canh tác. Thế nhưng hầu như nhà nông vẫn sản xuất theo kiểu riêng lẻ “mạnh ai nấy làm”. Trong khi đó, những mô hình thí điểm vừa qua chưa có sự tham gia của doanh nghiệp để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm.
Thực chất trong những năm qua đã có một số doanh nghiệp liên kết sản xuất để hình thành cánh đồng lớn sản xuất tập trung như cánh đồng khoai tây, ớt… Tuy nhiên, mối liên kết ấy không duy trì được lâu, bởi nhà nông chưa thực sự tuân thủ theo hợp đồng ký kết và một số doanh nghiệp nhỏ cũng chỉ đầu tư theo kiểu “ăn xổi” chứ chưa có sự đầu tư dài hơi như vùng thuốc lá hay vùng chè.
Cần những chính sách
Để các cánh đồng mẫu lớn thực sự trở thành cánh đồng lớn thì việc ban hành các chính sách và quy định tiêu chuẩn của cánh đồng lớn là quan trọng và cần thiết. Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: hiện nay ngành đang tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành “tiêu chí quy mô diện tích tối thiểu và mức hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng dự án cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh ”.
Về vấn đề này, ngày 3/12/2014, Văn phòng UBND tỉnh đã có thông báo kết luận của đồng chí Vy Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Trong đó khẳng định: việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và xây dựng dự án cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh là cần thiết và phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.
UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước mắt xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện về cánh đồng lớn, trình UBND tỉnh ban hành. Trong kế hoạch thể hiện được địa bàn, địa điểm, loại cây trồng điển hình phù hợp với thực tiễn của từng vùng, từng khu vực, diện tích tương ứng với mỗi cây trồng, thời gian triển khai… Sau đó sẽ lựa chọn xây dựng các mô hình, dự án cánh đồng lớn; xây dựng quy định về tiêu chí quy mô diện tích tối thiểu và mức hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản; hướng dẫn các tổ chức, hợp tác xã xây dựng mô hình, dự án cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh và triển khai thực hiện. Đây sẽ là động lực để thúc đẩy việc hình thành, nhân rộng cánh đồng lớn, cụ thể hóa một trong các nội dung của tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
VŨ NHƯ PHONG

Ý kiến ()