Nở rộ nghề bóc gỗ
LSO-Trong khi nhiều huyện mới manh nha xuất hiện nghề bóc gỗ rừng trồng thì 4 năm trở lại đây, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, nghề bóc gỗ rừng trồng đã và đang góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các chủ xưởng bóc và hàng trăm lao động trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Hiện Hữu Lũng là huyện có nghề bóc gỗ phát triển mạnh nhất tỉnh.
![]() |
Người dân huyện Hữu Lũng phơi gỗ bóc rừng trồng |
TĂNG THU TỪ BÓC GỖ
Nghề bóc gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã có từ khoảng 10 năm nay, nhưng phong trào thực sự phát triển mạnh từ năm 2010 trở lại đây khi những cánh rừng bạch đàn của huyện cho khai thác ngày càng nhiều và nhu cầu thu mua gỗ bóc của các doanh nghiệp trong và ngoài nước khá lớn. Ông Lương Văn Bính, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: trước năm 2010, toàn huyện chỉ có khoảng 10 xưởng bóc gỗ thì đến nay đã tăng lên trên 30 xưởng. Trong đó, nhiều xưởng có từ 2-3 máy bóc gỗ. Một số xã phát triển mạnh nghề bóc gỗ rừng trồng như: Hòa Thắng, Đồng Tân, Minh Sơn, Tân Thành…
Từ khi phát triển nghề bóc gỗ rừng trồng đến nay, gỗ bóc đến đâu đều có doanh nghiệp đến đặt mua hết đến đó. Một xưởng bóc gỗ nếu có 1 máy bóc tạo thêm công ăn việc làm cho từ 8 đến 12 lao động. Một số xưởng có từ 2-3 máy bóc đã tạo công ăn việc làm cho trên 20 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/ tháng. Bà Hoàng Thị Tý, thôn Lót, xã Minh Sơn cho biết: gia đình chỉ có 2 sào ruộng nên đời sống rất khó khăn, trong khi thời gian nông nhàn nhiều. Hơn 2 năm nay, tôi đã xin làm việc ở xưởng bóc gỗ. Công việc tương đối nhẹ nhàng, chỉ việc mang gỗ đã bóc ra phơi khô rồi bó lại để xuất bán, mỗi tháng gia đình có thêm gần 4 triệu đồng.
Đối với các chủ xưởng bóc gỗ có 1 máy bóc hàng năm đạt mức thu nhập khoảng 100 triệu đồng, những xưởng có từ 2 đến 3 máy bóc đạt mức thu nhập từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Những năm qua, việc phát triển nghề bóc gỗ không chỉ tăng thu nhập cho các chủ xưởng bóc gỗ mà còn tạo công ăn việc làm cho gần 400 lao động của huyện. Ông Nông Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng cho biết: nghề bóc gỗ rừng trồng phát triển trên địa bàn xã từ năm 2010, hiện xã có 6 xưởng bóc gỗ, hàng năm tạo công ăn việc làm cho trên 50 lao động. Các chủ xưởng bóc đều có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
CẦN ĐỊNH HƯỚNG ĐỂ PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH
Hiện nhu cầu mua gỗ bạch đàn bóc của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn đang rất lớn. Các xưởng bóc gỗ ra đến đâu đều được thu mua hết đến đó. Tuy nhiên, là huyện có diện tích rừng bạch đàn lớn nhất tỉnh nhưng hiện nay không chỉ có chủ xưởng bóc trên địa bàn huyện thu mua gỗ của các xã mà còn có rất nhiều chủ xưởng bóc gỗ ở các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh… đến tìm mua rừng bạch đàn của huyện. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành chức năng của huyện, các xã, thị trấn cần làm tốt công tác định hướng phát triển nghề bóc gỗ rừng trồng đối với cả việc mở xưởng bóc gỗ và cả người trồng rừng. Bởi nếu không làm tốt công tác này sẽ xảy ra tình trạng, việc các xưởng bóc gỗ rừng trồng được mở ngày càng nhiều trong khi nguồn nguyên liệu (rừng bạch đàn đến tuổi cho khai thác) không đủ cung cấp. Từ đó, dẫn đến việc các xưởng bóc mở ra không có đủ nguyên liệu đầu vào. Còn đối với chủ rừng sẽ xảy ra tình trạng vì lợi ích trước mắt mà khai thác gỗ rừng trồng non, ảnh hưởng đến chất lượng rừng, thu nhập của người trồng rừng.
ĐỨC ANH

Ý kiến ()