Ngăn thuốc giả vào thị trường bằng quản lý kê đơn và bán thuốc theo đơn
Việc quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn cần được triển khai quyết liệt hơn nữa để thuốc giả không có cơ hội len vào thị trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Nhiều khe hở cho thuốc giả từ mua bán thuốc không cần đơn
Vừa qua, lực lượng công an đã phát hiện đường dây buôn bán hơn 20 loại thuốc giả, trong đó hơn 1/3 là thuốc kê đơn với tổng giá trị giao dịch hơn 200 tỷ đồng. Điều này đặt ra câu hỏi, thuốc giả được kê đơn ở đâu, liệu cơ sở bán lẻ thuốc có được bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc không và trách nhiệm của cơ quan quản lý y tế ở đâu?
Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có khoảng 93% giao dịch mua thuốc kê đơn là không có đơn thuốc. Việt Nam đang trong nhóm 10 quốc gia có tình trạng kháng thuốc cao nhất thế giới. Nguyên nhân kháng thuốc chủ yếu do người bệnh, dược sĩ tự kê đơn và bán thuốc mà không cần đơn dù luật không cho phép điều này.
Nhiều báo cáo về kháng thuốc và tử vong do kháng thuốc của các bệnh viện lớn trên toàn quốc cũng đang chỉ ra cho thấy nguyên nhân tử vong và số lượng bệnh nhân tử vong tại các viện tuyến cuối do kháng thuốc ngày một tăng lên (nhiễm trùng, nấm... gây tử vong cho người bệnh trong quá trình điều trị bệnh gốc)
Mới đây, chia sẻ với báo chí về khó khăn trong quản lý nguồn gốc, đường đi của viên thuốc, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho hay, việc cơ sở bán buôn, bán lẻ mua bán thuốc không có hóa đơn chứng từ, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ là nguyên nhân chính để thuốc giả có thể xâm nhập thị trường dược phẩm hợp pháp.
Đại diện Hội Tin học Y tế Việt Nam cho hay, nếu tiếp tục sử dụng đơn thuốc giấy, đơn kê trên máy tính nhưng không đạt chuẩn đơn thuốc điện tử như hiện nay, chúng ta vẫn gặp phải những vấn đề mãi mãi không thể giải quyết được như không xác minh được đơn thuốc có thật hay không; không xác minh được đơn thuốc đã bán rồi hay chưa, bán một phần hay tất cả. Vì thế, người dân có thể tái mua rất nhiều lần trên cùng một đơn thuốc; không cảnh báo đơn thuốc đã hết hạn.
Đẩy mạnh vận hành hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn
Từ năm 2019, Bộ Y tế đã bắt đầu thí điểm Hệ thống Thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn. Đến nay, 100% nhà thuốc bán lẻ đều có phần mềm được cung cấp miễn phí, quy trình kết nối đơn giản, không phát sinh chi phí trong liên thông đơn thuốc điện tử. Việc nhập mã đơn thuốc điện tử vào phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ đơn giản và tiết kiệm từ 3-6 phút khi bán.
Hiệu quả của liên thông đơn thuốc điện tử đã rất rõ ràng, giúp công tác quản lý nhà nước về quản lý kê đơn được minh bạch khi thông tin đầy đủ về người kê đơn, cơ sở khám bệnh và cơ sở bán lẻ thuốc. Mỗi đơn thuốc được cấp mã định danh riêng, giúp ngăn chặn tình trạng tái sử dụng đơn, làm giả đơn thuốc, và bảo đảm thuốc kê đơn chỉ được bán khi có đơn hợp lệ.
Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất được Hội Tin học Y tế Việt Nam cập nhật, Hệ thống mới ghi nhận có 11.213 cơ sở khám chữa bệnh các loại hình thực hiện liên thông đơn thuốc thường xuyên trên tổng số khoảng hơn 60.000 cơ sở đang hoạt động trên toàn quốc.
Rất nhiều bệnh viện lớn tuyến cuối vẫn chưa liên thông đơn thuốc hoặc chỉ liên thông đơn kê bảo hiểm còn đơn thuốc khám, chữa bệnh theo yêu cầu không liên thông. Đa phần các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân chưa thực hiện liên thông đơn thuốc.
Bên cạnh đó, rất nhiều cơ sở bán lẻ thuốc, kể các các nhà thuốc trong bệnh viện chưa thực hiện bán thuốc theo đơn bằng mã đơn thuốc điện tử theo quy định của Thông tư.
Tới thời điểm này rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh vẫn kê đơn thuốc bằng tay trên giấy, kê đơn trên phần mềm nhưng không đúng chuẩn quy định của Thông tư 04/2022/TT-BYT hoặc kê đơn trên phần mềm nhưng không liên thông về hệ thống.
"Hiện có gần 40.000 cơ sở y tế tư nhân chưa kết nối với hệ thống. Trong 218 triệu đơn thuốc đã được ghi nhận, chỉ có 3,6 triệu đơn ngoại trú được xác nhận đã bán thuốc tại nhà thuốc", thông tin từ Hội Tin học Y tế Việt Nam.
Vấn đề này đã được Hội Tin học Y tế Việt Nam gửi văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao việc triển khai đơn thuốc điện tử trên toàn quốc với các giải pháp: Yêu cầu tất cả nhà thuốc chỉ bán thuốc kê đơn khi có đơn điện tử hợp lệ. Có chế tài xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm; thường xuyên thanh kiểm tra bằng công nghệ thông tin; duy trì và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin ổn định, bền vững.
Ngày 9/5/2025, Văn phòng Chính phủ đã có có công văn số 4028/VPCP-KGVX gửi Bộ Y tế đề nghị về việc đẩy mạnh kê đơn thuốc điện tử, liên thông đơn thuốc điện tử trên “Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn” và chỉ đạo thực hiện nghiêm việc bán thuốc theo đơn.
Trước thực trạng các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả được phát hiện tại một số địa phương, trong công văn số 3700/VPCP-KGVX ngày 28/4/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long có ý kiến đề nghị Bộ Y tế đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả việc kết nối cơ sở cung ứng thuốc, bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử.
Việc liên thông đơn thuốc điện tử hiện nay đã quá chậm trễ và tỷ lệ liên thông mới đạt được con số rất khiêm tốn. Nếu không thúc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý việc kê đơn, quản lý bán thuốc theo đơn, người dân sẽ tiếp tục gặp nhiều hệ lụy về sức khỏe, không chỉ là kháng kháng sinh, mà có thể sử dụng thuốc giả như các vụ việc vừa được công an phát hiện vừa qua.

Ý kiến ()