Mưa lớn, triều cường gây thiệt hại ở một số tỉnh Nam Bộ
Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn T.Ư cho biết, thời tiết ở Nam Bộ có xu hướng tốt lên, trời nắng với nền nhiệt độ tăng nhẹ. Chiều và tối nay (11-10) có mưa rào và dông trên khoảng một phần ba diện tích khu vực.
Tại TP Hồ Chí Minh cần đề phòng tình trạng ngập nặng và ngập sâu trên các tuyến đường, nhất là các vùng ven kênh rạch và trũng thấp. Do hiện nay mực nước trên các sông và kênh rạch đang khá cao và còn tiếp tục tăng lên trong những ngày tới, với mực nước lên theo triều sẽ đạt đỉnh vào tầm sáng sớm và chiều tối, dao động trong khoảng từ 1,55 đến 1,60 m, vượt mức báo động 3.
Ngày 10-10, triều cường trên sông Hậu dâng cao nhất từ đầu mùa lũ đến nay đã làm ngập nhiều tuyến đường nội ô TP Cần Thơ. Các tuyến đường chính như: 30-4, Hòa Bình, Lý Tự Trọng, Phan Ðình Phùng, Nguyễn Thị Minh Khai ngập từ 20 đến 40cm. Ngập nặng nhất là khu vực Trung tâm thương mại Cái Khế, nhiều nơi ngập sâu hơn 50cm… Ðợt triều cường vừa qua cũng làm hơn 40 đoạn đê bao có tổng chiều dài hơn 150 m ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) bị vỡ. Triều cường còn làm ngập đê bao tả hữu cù lao với chiều dài hơn 40 m, ảnh hưởng nhiều diện tích hoa màu, mía của bà con tại các xã: Ðại Ân 1, An Thạnh 3, An Thạnh Nam… Theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh Bình Thuận, những ngày qua trên địa bàn huyện Ðức Linh đã xảy ra mưa lớn gây ngập úng cục bộ tại khu vực các xã: Nam Chính, Ðức Chính, Ðức Tài và Ðức Tín, làm ngập 385 ha lúa và 30 ha diện tích nuôi trồng thủy sản.
Tại tỉnh Lâm Ðồng, tình trạng sạt lở đất gần khu vực thủy điện Ðồng Nai 2 gần đây đã ảnh hưởng lớn đến 60 gia đình đang sinh sống, sản xuất nông nghiệp gần hồ thủy điện thuộc địa bàn huyện Lâm Hà và huyện Di Linh. Ngày 10-10, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản chỉ đạo huyện Nghĩa Hành khẩn trương khắc phục sạt lở bờ bắc sông Vệ nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông dọc tuyến đường huyện ÐH35, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho 250 hộ dân và các công trình thiết yếu chung quanh khu vực.
Nhiều diện tích lúa mùa của huyện Gia Bình (Bắc Ninh) chuẩn bị đến kỳ thu hoạch đã xuất hiện tình trạng rầy nâu lây lan nhanh với mật độ từ 10 nghìn đến 15 nghìn con/m2 và đã xuất hiện cháy rầy trên diện rộng, chủ yếu trên các giống lúa Q5, Khang Dân. Nhiều diện tích chỉ thu hoạch được từ 40 đến 50%. Tại tỉnh Ðác Lắc, tình trạng sâu bệnh gây hại cho cây tiêu đang diễn ra trên diện rộng. Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện có hơn 1.000 ha tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó có 150 ha tiêu đã bị chết.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()