Làng mới giữa đại ngàn
Từ năm 2008, trước khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết 06 của Huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã như một ngọn lửa nhen lên giữa những bản làng heo hút nơi thăm thẳm đại ngàn Trường Sơn. Ngọn lửa ấy làm bùng lên khát vọng và cơ hội đổi đời của hàng nghìn hộ đồng bào Cơ Tu. Từ đó, hiệu quả của chương trình nông thôn mới hiển hiện ngày càng rõ nét trong từng bữa ăn, giấc ngủ của người dân vùng cao biên giới.
Từ năm 2008, trước khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết 06 của Huyện ủy Tây Giang (Quảng Nam) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã như một ngọn lửa nhen lên giữa những bản làng heo hút nơi thăm thẳm đại ngàn Trường Sơn. Ngọn lửa ấy làm bùng lên khát vọng và cơ hội đổi đời của hàng nghìn hộ đồng bào Cơ Tu. Từ đó, hiệu quả của chương trình nông thôn mới hiển hiện ngày càng rõ nét trong từng bữa ăn, giấc ngủ của người dân vùng cao biên giới.
“Tam nông” thay đổi đại ngàn
Dưới mái Gươl, già Clâu Nâm (thôn Prơ Ning, xã Lăng) nhớ lại hồi năm 2008, khi thôn được huyện chọn thí điểm thực hiện bố trí, sắp xếp lại dân cư. “Già cũng như bà con đâu có ưng. Mình sống gần rừng, gần suối quen rồi mà”. Không biết bao nhiêu đêm cán bộ huyện về giải thích, vận động, chụm đầu thâu đêm cùng các già làng. Họ lấy cục đá làm hình quả đồi, gạt đất vẽ hình bản mới, chỉ cho các già hiểu việc dời nhà cửa, dựng lại thôn mới được gì, mất gì. Cuối cùng các già cũng hiểu, rằng lập làng mới thì người Cơ Tu sẽ có rẫy, có ruộng, có nhà Gươl, đủ gạo ăn quanh năm. Hiểu ra, bà con thôn Prơ Ning đồng lòng góp sức, hiến đất ruộng, đất vườn, nương rẫy để huyện san ủi cả quả đồi thành nơi bằng phẳng. Từ nhiều nóc, cách nhau cả quả đồi gọi không nghe tiếng, bà con được về dựng nhà thành vòng tròn lớn, quay mặt vào nhau, chính giữa là một khoảng sân rộng và nhà Gươl lớn cho trẻ chơi đùa, đá bóng, đạp xe, cũng là nơi bà con tụ tập những ngày lễ hội, ngày Tết. Những khoảng đất trống nơi ở cũ gần nguồn nước được cải tạo thành ruộng trồng lúa. Rồi những rẫy sắn, nương ngô được quy hoạch thành những đồi cây cao-su. Khi người dân dựng nhà mới xong, cũng là lúc huyện “đưa” đường ô-tô về tận nơi, rồi lần lượt hệ thống điện chiếu sáng, nước tự chảy, trường học, trạm y tế… mọc lên.
Ðời sống người dân Prơ Ning khá hẳn lên. Tin vui như gió lành ào qua rừng thẳm đến với các bản làng. Nhiều thôn, bản cử già làng lên huyện xin được dời làng lên nơi mới. Già làng Clâu Blao ở bản Voòng, xã Trờ Hy tít tận biên giới Việt Lào hồ hởi: Làng mới rất hợp cái bụng của người Cơ Tu. Truyền thống người Cơ Tu là các tộc họ ở quây thành cụm trong thôn, cả thôn ở thành vòng tròn, chính giữa là nhà Gươl, nơi bà con họp hội, vui chơi. Từ khi dọn về bản mới, huyện lại san ủi nền bản cũ thành ruộng nước, có thêm đất sản xuất nên bốn năm lại đây ở bản Voòng không còn ai bị đói. Trẻ con không đứa nào bỏ học bởi trường ở ngay trong thôn, lại có đường đi thuận tiện, xe ô-tô vào đến nơi mua chuối, sắn, gà, lợn, bán vải vóc, muối, cá tươi cho bà con.
Ðồng chí Bhơriu Liếc, Ủy viên dự khuyết T.Ư Ðảng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết: Tây Giang có 70 thôn, chủ trương sẽ vừa tổ chức lại, vừa giãn dân ra thành 100 thôn mới. Ðến nay, huyện đã hoàn thành việc bố trí mặt bằng xây dựng 60 thôn, bản theo chương trình bố trí, sắp xếp lại dân cư mà Nghị quyết Huyện ủy đã đề ra từ năm 2008. Việc sắp xếp, bố trí lại dân cư một cách bài bản, khoa học là tiền đề quan trọng để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. “Việc bố trí, sắp xếp lại dân cư hợp lý là một bước đi trước rất thuận lợi để tạo nền tảng quan trọng thực hiện có hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới ở Tây Giang”, đồng chí Bhơriu Liếc nhấn mạnh.
Phương châm của Tây Giang trong quá trình sắp xếp lại dân cư là định cư luôn gắn chặt với định canh. Nếu không có điều kiện sản xuất tốt thì không thể nói đến việc xây dựng làng mới. Vậy nên Tây Giang tập trung thực hiện công tác dồn điền, khai hoang rồi phân chia đất để dân có ruộng, bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ. Tích tiểu thành đại, đến nay Tây Giang đã nâng tổng diện tích lúa nước trên địa bàn lên 456,4 ha. Bên cạnh đó, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện đã lồng ghép xây dựng nhiều mô hình khuyến nông, khuyến lâm mang lại hiệu quả. Trong đó có mô hình nuôi cá tầm Nga xứ lạnh, di thực sâm Ngọc Linh, phát triển cây ba kích, đẳng sâm, trồng thử nghiệm cây táo mèo, thảo quả… Nhiều hộ dân cũng đã ý thức được việc chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình, đến nay đã hình thành 29 khu gia trại chăn nuôi tập trung và tiếp tục nhân rộng mô hình này cho các hộ khác.
Thành công nhất ở Tây Giang là đã khẳng định vị thế của cây cao-su trên sườn núi, điều mà ở Việt Nam chưa địa phương nào làm, bởi thói quen truyền thống chỉ trồng cao-su ở những vùng có độ dốc không quá 25 độ. Với sự đỡ đầu chí tình, tận nghĩa của cán bộ, công nhân Tập đoàn Cao-su Việt Nam, đến năm 2009, Tây Giang mạnh dạn triển khai thử nghiệm đề án “Trồng cao-su trên đất dốc” tại xã A Nông. Những triền đồi dốc đến 30-45 độ, thậm chí gần 50 độ được cải tạo thành những hàng cao-su đồng mức viền quanh triền đồi. Sau một năm, cây sinh trưởng tốt không kém gì ở đất bằng, tỷ lệ cây chết dưới 3%. Thấy hiệu quả, huyện mở rộng diện tích quy hoạch ra sáu xã phía đông, tổng diện tích lên đến 8.000 ha. Công ty Cao-su Nam Giang đầu tư giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật theo phương thức “cầm tay chỉ việc” cho từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Và đến nay, sau hơn bốn năm, toàn huyện đã trồng hơn 1.333 ha cao-su, với gần 1.000 hộ ở sáu xã tham gia nhận khoán. Những vườn cao-su 3-4 năm tuổi đã bắt đầu khép tán, hửng một mầu xanh tươi mới giữa đại ngàn. Giám đốc Nông trường cao-su Tây Giang Vũ Văn Hoàn khẳng định: Chắc chắn cây cao-su trên đất dốc ở Tây Giang sẽ cho năng suất mủ và hiệu quả kinh tế không thua kém gì các nơi khác.
Sự táo bạo, quyết liệt của đội ngũ lãnh đạo và sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con dân tộc Cơ Tu đã mở ra cơ hội tuyệt vời để xóa đói, giảm nghèo, nhanh chóng nâng cao đời sống cho bà con Tây Giang. Và sự thành công của dự án cao-su trên đất dốc Tây Giang sẽ là hướng mở cho các vùng miền núi không chỉ ở Quảng Nam.
Mô hình ANông
Trên cơ sở hoàn thành sớm việc bố trí, sắp xếp lại dân cư, xã ANông được Huyện ủy Tây Giang chọn làm điểm triển khai xây dựng nông thôn mới. Chủ trương của Ðảng đã từng ngày đi vào đời sống một cách thiết thực, làm thay đổi diện mạo của cộng đồng, từ lối canh tác đến nếp sống. Ðồng chí Tăng Thượng Dưỡng, Phó Bí thư Ðảng ủy xã ANông cho biết: “Ðảng ủy xác định xây dựng nông thôn mới là phải gắn sản xuất với ba mũi đột phá. Ðó là trồng cao-su, khoanh vùng chăn nuôi tập trung và ổn định diện tích cây lúa nước”. Cách làm của ANông là đánh giá lại quỹ đất, quy hoạch chi tiết lại đất ở, đất sản xuất, đất rừng sản xuất, đất xây dựng công trình và quỹ đất dự phòng. Xã vận động đồng bào các thôn bản ở trong rừng sâu, xa đường giao thông dời ra gần hơn. Ðể có đất lập làng, bà con các thôn gần đường tự nguyện nhường một phần đất rẫy để huyện san ủi, tạo mặt bằng cho thôn mới. Sau đó huyện và xã khai hoang ruộng nước, đất gò đồi các khu vực lân cận trả lại cho bà con. Thôn mới xây dựng được đầu tư theo đúng tiêu chuẩn nông thôn mới, thuận lợi, khang trang và tiện nghi. Những diện tích đất có khả năng sản xuất nông, lâm nghiệp đều được bà con chuyển sang trồng cao-su. Những năm đầu khi cao-su chưa khép tán thì “lấy ngắn nuôi dài”, xen canh các loại cây khác như dứa, sắn, khoai môn, lúa rẫy… Ðến nay địa phương đã hoàn thiện hạ tầng và bố trí đồng bào sinh sống ổn định tại bảy cụm dân cư. Mỗi cụm đều bảo đảm có điện, nước sinh hoạt; trường học, trạm y tế, đường giao thông bê-tông. Ðồng thời, thực hiện dồn điền phân đất, mở rộng diện tích lúa nước. Ông Bling Bhlê, 55 tuổi, ở thôn A Cấp cho biết: “Mình trồng cao-su từ năm 2009, nay hơn bốn ha, nhiều nhất xã. Ðất hồi trước trồng quế, trồng sắn, lúa rẫy, làm quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Từ hồi làm cao-su, đủ tiền nuôi bốn đứa con đi học”. Anh Y Ðêl Pía, cán bộ khuyến nông xã phân tích thêm: Theo như thỏa thuận với Nông trường cao-su Tây Giang và Công ty TNHH Cao-su Nam Giang, đến năm 2015, khi những lứa cao-su trồng đầu tiên bắt đầu cho mủ, mỗi năm vợ chồng Bling Bhlê có thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng, vài năm sau đó, thu nhập lên đến cả hơn trăm triệu đồng.
Qua đánh giá sơ kết của huyện, ANông đang là xã dẫn đầu về xây dựng nông thôn mới ở Tây Giang, với mức độ hoàn thành 16/19 tiêu chí của Chính phủ. Các xã khác cũng đang tích cực phấn đấu, như A Lăng hoàn thành 11/19 tiêu chí, A Tiêng 9/19 và A Xan 7/19. Các xã đã tập trung khai hoang đất sản xuất, xây dựng nhiều công trình thủy lợi, bê-tông kênh mương nội đồng, nước sinh hoạt, bê-tông hóa giao thông nông thôn. Hiện tại, cả 10 xã và 67/70 thôn có đường ô-tô đến được trung tâm, hầu hết các thôn được sử dụng điện lưới quốc gia hoặc thủy điện nhỏ, 8/10 xã đã phủ sóng điện thoại di động. Tất cả các xã đều có trường học, trạm y tế khang trang. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn và phát huy, phong trào xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa được nhân dân hưởng ứng, đến nay huyện đã xây dựng 64 nhà Gươl, một làng truyền thống Cơ Tu tại huyện, 61 thôn đã phát động thôn văn hóa và có 29 thôn được công nhận thôn văn hóa.
Xây dựng nông thôn mới từ lòng dân
Với đặc điểm vùng núi cao, trước khi thực hiện chương trình sắp xếp, bố trí lại dân cư, làm tiền đề cho xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo huyện Tây Giang đã nghiên cứu, bàn bạc kỹ lưỡng, chi tiết. Phương châm đề ra là “lấy thôn làm đối tượng đầu tư, lấy dân làm đối tượng thụ hưởng”, “định canh rồi mới định cư” và “ở đâu có ruộng nước, ở đó có dân ở”. Sau khi khảo sát kỹ thực tế từng thôn bản, vận động nhân dân ủng hộ, huyện chọn những khu vực gần đường giao thông, gần nơi có thể khai hoang, mở rộng ruộng nước, tổ chức san ủi mặt bằng, hoàn thiện hệ thống điện, nước, giao thông, bố trí nhân dân vào ở theo nguyện vọng từng tộc họ. Trước đây, hầu hết các thôn bản định cư ở dọc các con suối, vì thế, sau khi dời dân về nơi ở mới, huyện cho cải tạo nền làng cũ thành ruộng nước, xây dựng hệ thống thủy lợi nhỏ để chủ động nước tưới, thâm canh tăng vụ. Ruộng nước và đất rẫy được chính quyền và các đoàn thể vận động bà con san sẻ chia đều theo nhân khẩu, bảo đảm nhà nào cũng có ruộng, có rẫy, đủ gạo ăn quanh năm. Với sáu xã vùng đông, mô hình chung các thôn mới bao gồm ruộng nước dọc khe suối; ở lưng chừng đồi, nơi gần đường giao thông là thôn bản với những nếp nhà mới xếp thành hình tròn quay mặt vào nhau, trên đồi là cao-su, những nơi không đủ rộng thì trồng sắn, ngô, dứa, keo tai tượng phân tán. Từ khi Nghị quyết của Huyện ủy được triển khai sâu rộng, bộ mặt nông thôn ở Tây Giang ngày càng thay đổi, nhận thức người dân được tiến bộ, nhiều hộ dân đã từng bước tiếp cận được với máy móc phục vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi có hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần ngày một nâng cao…
Ở hầu hết các địa phương trong cả nước đang tồn tại một nghịch lý khi triển khai định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số là: nhiều khu tái định cư được xây dựng rất khang trang, hiện đại, nhưng bà con không ở được bởi hai lý do. Một là, định cư nhưng không gắn với định canh, có nhà đẹp nhưng không có đất sản xuất. Hai là, khu dân cư tuy hiện đại nhưng bố trí không hợp lý, không phù hợp tập quán văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Với mô hình thôn, bản mới ở huyện miền núi Tây Giang của tỉnh Quảng Nam, trước hết là bảo đảm người dân có ruộng, có đất để ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đồng thời bảo tồn được không gian mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu. Như lời khẳng định của Bí thư Huyện ủy Bhơriu Liếc: “Ðất sản xuất và bảo đảm cấu trúc văn hóa thôn bản vùng cao là hai yếu tố quyết định sự sống còn của công cuộc tái định cư”.
Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, như lời Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bling Mia, thì vốn đầu tư vẫn là điểm thắt trong quá trình xây dựng. Nguồn lực chủ yếu là ngân sách cấp và các chương trình, dự án. Trong khi trình độ, hiểu biết của một bộ phận lớn người dân rất hạn chế, việc áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật phải cụ thể, kiên trì. Với tinh thần phát huy dân chủ, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên… chương trình xây dựng nông thôn mới của Trung ương được Huyện ủy Tây Giang cụ thể hóa một cách sinh động và thuyết phục, thật sự đi vào lòng dân và được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, từng bước ổn định và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Cơ Tu, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn và tập trung củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Dựng nhà trên vùng đất mới.
Già làng Clâu Nâm (đội mũ) vận động bà con thôn Prơ Ninh trồng cao-su để xóa nghèo, làm giàu.
Theo Nhandan

Ý kiến ()