Hiệu quả hoạt động giảm hại trong phòng chống HIV/AIDS ở Hữu Lũng
LSO-Đẩy mạnh các hoạt động giảm hại là một trong các giải pháp cơ bản để Hữu Lũng giảm thiểu cả 3 tiêu chí: số nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS, số người chết do AIDS và các bệnh có liên quan.
LSO-Đẩy mạnh các hoạt động giảm hại là một trong các giải pháp cơ bản để Hữu Lũng giảm thiểu cả 3 tiêu chí: số nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS, số người chết do AIDS và các bệnh có liên quan.
![]() |
Các đội tuyên truyền viên đồng đẳng trong hội thi phòng chống HIV/AIDS năm 2012 |
Tính từ trường hợp phát hiện đầu tiên vào năm 1996, đến hết tháng 5/2013, toàn huyện có 182 người nhiễm HIV được phát hiện, trong đó có 135 nam, 47 nữ (2 trẻ em dưới 15 tuổi) ở địa bàn 22/26 xã, thị trấn. Số bệnh nhân AIDS là 147 người, trong đó có 113 người đã tử vong. Nếu năm 2008 số phát hiện mới là 16 người, số người chuyển sang AIDS là 19 người và có 5 người tử vong; thì năm 2012, số phát hiện mới chỉ có 7 người, giảm 2,3 lần, số chuyển sang giai đoạn AIDS chỉ có 3 người, giảm 6,3 lần. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2013 chỉ phát hiện 1 trường hợp nhiễm mới, giảm 75% so với cùng kỳ năm 2012. Phân tích số liệu thống kê cho thấy, số người nhiễm HIV ở thị trấn Hữu Lũng và các xã ven quốc lộ 1A nhiều hơn các xã vùng nông thôn, vùng xa. Trong 182 người nhiễm HIV, thì ở thị trấn đã có 90 người, chiếm gần 50%, các xã Minh Sơn, Đồng Tân, Sơn Hà…có 37 người. Như vậy, số người nhiễm HIV/AIDS chủ yếu ở các địa bàn có nhiều người có hành vi “nguy cơ cao”, đặc biệt là tệ sử dụng các chất ma túy và tệ nạn mại dâm.
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, công tác phòng chống HIV/AIDS được xây dựng và củng cố từ huyện đến các xã, thị trấn, trong đó sự huy động nỗ lực của cả cộng đồng, mà ngành y tế đóng vai trò nòng cốt. Tuy vậy, các hoạt động can thiệp giảm hại tập trung vào các địa bàn “trọng điểm”, nhằm giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm và tạo cơ hội cho những người nhiễm HIV được chữa bệnh, được hòa nhập cộng đồng. Đến nay, Hữu Lũng vẫn duy trì phòng tư vấn xét nghiệm tự nguyện, các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng do các dự án tài trợ. Đặc biệt, các dự án như WB, Quỹ toàn cầu tài trợ đã duy trì tốt hoạt động của các đồng đẳng viên trong công tác tuyên truyền tác hại của ma túy, mại dâm, cung cấp bơm kim tiêm và vận động người nghiện chích ma túy không dùng chung bơm kim tiêm; cung cấp bao cao su và vận động gái mại dâm dùng bao cao su. Các đồng đẳng viên tích cực tham gia thu gom bơm kim tiêm bẩn, nhằm hạn chế tác hại cho môi trường. Bác sĩ Kim Ngọc Thủy, Đội trưởng đội Y tế dự phòng của Trung tâm Y tế Hữu Lũng cho chúng tôi biết: “Các hoạt động giảm hại được duy trì trong những năm qua đã mang lại hiệu quả tốt. Bằng chứng là số mắc mới và số người chuyển sang giai đoạn AIDS đã giảm mạnh trong 5 năm qua. Cao hơn nữa, các hoạt động này đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về những người nhiễm HIV; xác định trách nhiệm xã hội của những người còn tiêm chích ma túy đối với cộng đồng; tránh được HIV lây nhiễm ra diện rộng”. Mặt khác, chính hoạt động của những đồng đẳng viên trong khuôn khổ dự án đã góp phần làm giảm sự mặc cảm, tự ti của những người nhiễm HIV; giúp họ dũng cảm bước “từ bóng tối ra ánh sáng” để khẳng định mình, sống có ích hơn cho gia đình và xã hội. Và như vậy, có thêm nhiều người nghi nhiễm đến để được tư vấn và xét nghiệm tự nguyện để được phát hiện; tránh tình trạng giấu giếm để HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng. Bên cạnh hoạt động giảm hại, công tác chăm sóc những người nhiễm HIV được quan tâm. Đến nay với tổng số 44 người nhiễm HIV còn sống có mặt trên địa bàn, đã có 36 người được điều trị thường xuyên bằng thuốc ARV, trong đó có 33 người điều trị tại Trung tâm Y tế huyện, 2 người ở Cao Lộc và 1 người ở Bắc Giang.
Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Lăng Văn Định, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện khẳng định kết quả to lớn của công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn; đánh giá cao các hoạt động can thiệp giảm hại trong việc thực hiện “3 giảm”. Tuy nhiên, là địa bàn giáp ranh, phức tạp về các hoạt động ma túy, mại dâm, song song với công tác phòng chống ma túy, mại dâm, hoạt động can thiệp giảm hại trong phòng chống HIV/AIDS cần phải được duy trì nguồn lực tài chính thường xuyên và mở rộng hơn. Có như vậy, tính bền vững mới cao.
TRẦN KIM

Ý kiến ()