Góp ý các nội dung về nông nghiệp và kinh tế cửa khẩu
- Qua nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, bà Lê Thị Thanh Nhàn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015), nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã góp ý một số nội dung liên quan đến phát triển nông nghiệp và kinh tế cửa khẩu.

Theo bà Lê Thị Thanh Nhàn, dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 – 2030 đã được chuẩn bị công phu, nội dung đầy đặn, số liệu phong phú, bố cục logic, ngôn ngữ trang trọng, phản ánh trung thực kết quả lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng thời, phương châm và chủ đề của báo cáo dựa trên đặc điểm, tình hình phát triển của Lạng Sơn trong giai đoạn vừa qua và các mục tiêu, định hướng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để báo cáo rõ nét, có tính thuyết phục cao hơn và định hướng hành động rõ ràng hơn, theo bà báo cáo cần bổ sung và làm sâu sắc thêm những nội dung đã đạt được và những nội dung chưa đạt được.
Về phát triển nông nghiệp, nông thôn, với Lạng Sơn đây là lĩnh vực quan trọng, nhưng dự thảo báo cáo chưa đề cập nhiều. Báo cáo cần bổ sung định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao; cần có giải pháp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm); các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục duy trì và phát huy kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.
Bên cạnh đó, cần định lượng rõ ràng các nội dung trên thành chỉ tiêu, nhiệm vụ để có nguồn lực đầu tư trong nhiệm kỳ 2025 - 2030. Báo cáo nên bổ sung thêm các số liệu cụ thể, để minh họa cho các thành tựu và mục tiêu trong báo cáo, bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về kinh tế số, xã hội số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; các chỉ tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Về ngôn từ, ngoài sự trang trọng, theo bà báo cáo nên có những đoạn văn mạnh mẽ, truyền cảm hứng để cán bộ, đảng viên và Nhân dân thêm tin tưởng, đồng lòng thực hiện nghị quyết. Trong đó, tại dòng thứ 4 phần (3), trang 23 đề nghị đưa thêm nội dung phát triển bền vững và sửa thành: “Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững…” để thể hiện rõ quan điểm trong phát triển nông nghiệp.
Đối với phát triển kinh tế cửa khẩu, mặc dù báo cáo đã đề cập định hướng phát triển cửa khẩu, nhưng chưa phân tích về hiệu quả khai thác kinh tế cửa khẩu trong giai đoạn vừa qua. Về phương hướng, mục tiêu, giải pháp trong nhiệm kỳ mới, theo bà Lê Thị Thanh Nhàn, báo cáo cần nêu rõ hơn về lộ trình và nguồn lực để mục tiêu xây dựng “cửa khẩu kiểu mẫu ứng dụng công nghệ cao, cửa khẩu thông minh” thành hiện thực, quan tâm đầu tư công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác quốc tế. Đồng thời, cần có định hướng về đa dạng hóa các loại hình dịch vụ logistics tại Ga đường sắt Đồng Đăng. Đối với cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm, ngoài phát triển kho bãi và logistics cho thương mại điện tử, cần nhấn mạnh đến việc xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi thuế, thủ tục hải quan đơn giản, kết nối sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cùng đó, cần có giải pháp cụ thể để quản lý hiệu quả các hoạt động thương mại qua cửa khẩu, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; định hướng rõ hơn về mô hình “kinh tế cửa khẩu số – logistics thông minh – thương mại biên giới xanh”. Ngoài ra, báo cáo cũng cần bổ sung các chỉ tiêu phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, công nghiệp xanh; xem xét xây dựng trung tâm logistics và chợ đầu mối vùng Đông Bắc tại khu vực Đồng Đăng – Hữu Nghị.
Để báo cáo thực sự là kim chỉ nam cho sự phát triển của Lạng Sơn trong nhiệm kỳ 2025 - 2030, ngoài các nội dung trên, theo bà Lê Thị Thanh Nhàn, Đảng bộ tỉnh xem xét bổ sung và làm sâu sắc hơn các nội dung về kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là các giải pháp cụ thể, mang tính đột phá cho từng lĩnh vực. Việc cung cấp đầy đủ số liệu đánh giá, phân tích sâu về nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sẽ giúp báo cáo có tính thuyết phục cao hơn và là cơ sở vững chắc để xây dựng các chương trình hành động trong nhiệm kỳ tới.
Ý kiến ()