Góp ý các nội dung liên quan đến quy hoạch và hạ tầng giao thông
- Với mong muốn đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh trong giai đoạn phát triển mới, ông Nghiêm Văn Hải, nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải; ông Lăng Văn Thạu, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh và ông La Giang Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Lạng Sơn đã tập trung nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị và có những góp ý tâm huyết vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030 liên quan đến lĩnh vực quy hoạch xây dựng và hạ tầng giao thông.
Ông Nghiêm Văn Hải, nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải:“Bổ sung nhiệm vụ quy hoạch đầu tư đường vành đai giao thông phía Tây và phía Đông tăng kết nối đô thị trung tâm”. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030, được các cơ quan tham mưu soạn thảo công phu, việc thực hiện các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ qua được đề cập sâu sắc, trong đó có lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, trong bối cảnh tỉnh thực hiện sắp xếp các phường, xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, dưới góc nhìn của một người đã từng quản lý lĩnh vực giao thông vận tải, tôi góp ý bổ sung nhiệm vụ quy hoạch, đầu tư đường vành đai giao thông kết nối các phường khu vực đô thị trung tâm tỉnh Lạng Sơn vào dự thảo báo cáo chính trị. Lý do cần bổ sung nhiệm vụ quy hoạch, đầu tư đường vành đai giao thông kết nối giữa các phường khu vực đô thị trung tâm của tỉnh Lạng Sơn với các xã giáp ranh nhằm tạo không gian phát triển mới, giải tỏa ách tắc giao thông khu vực nội thị do phương tiện cá nhân ngày càng tăng cao, trong khi khả năng mở rộng hạ tầng giao thông đô thị hiện hữu là rất khó khăn vì cần nguồn vốn đầu tư lớn. Bên cạnh đó, với việc quy hoạch, đầu tư đường vành đai khu vực phía Tây và phía Đông, kết hợp với tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng, tuyến đường quốc lộ 1 đang khai thác sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, cụm công nghiệp, cảng cạn, dịch vụ logistic, từ đó tạo không gian kết nối tốt, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững đô thị trung tâm của tỉnh biên giới có tốc độ giao thương sôi động bậc nhất trong các tỉnh biên giới phía Bắc. |
Ông Lăng Văn Thạu, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Lạng Sơn: “Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái và công viên địa chất toàn cầu” Giai đoạn 2020-2025 là thời kỳ tỉnh Lạng Sơn đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông lớn nhất từ trước tới nay. Hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia, của tỉnh được triển khai, tạo cho Lạng Sơn một diện mạo mới. Bước sang giai đoạn 2025-2030, dư địa phát triển có nhiều khác biệt so với giai đoạn 2020-2025. Cụ thể, tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư các khu du lịch sinh thái, khu du lịch cộng đồng; triển khai các giải pháp khai thác tiềm năng công viên địa chất toàn cầu để phát triển du lịch và nghiên cứu khoa học… Từ đây đặt ra yêu cầu về xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp với hệ thống đường tỉnh, quốc lộ, cao tốc với các khu du lịch sinh thái quy mô kết cấu mặt đường từ 4 làn xe trở lên, mới có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Đồng thời, cũng cần đẩy nhanh công tác triển khai các dự án hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt có tính kết nối liên tỉnh, liên khu vực trong giai đoạn 2025-2030. Cụ thể như, đẩy nhanh chuẩn bị đầu tư dự án tuyến cao tốc Lạng Sơn - Thái Nguyên và dự án nâng cấp tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn gắn với xác định vị trí xây dựng khu ga đường sắt trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường năng lực vận tải hàng hóa, hành khách nội vùng, liên vùng và quốc tế. Có như vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2025-2030 đạt 2 con số mới có tính khả thi và giúp cho Lạng Sơn trở thành một cực tăng trưởng mới trên bản đồ các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc trong giai đoạn phát triển mới. |
Ông La Giang Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Lạng Sơn: “Bổ sung nhiệm vụ xây dựng quy hoạch chung và đầu tư cơ sở hạ tầng xã mới vào dự thảo Báo cáo chính trị” Giai đoạn 2025-2030, tỉnh Lạng Sơn chính thức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội các xã, phường sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, từ 194 xã sau sáp nhập còn 65 xã, phường. Việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ tạo cho các xã, phường có nhiều dư địa phát triển nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, từ đó cải thiện đời sống Nhân dân. Do đó, trong nhiệm kỳ tới, một nội dung rất quan trọng là tỉnh sớm giao nguồn lực cho các xã để tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch xây dựng chung và đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các xã, phường nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển trong tình hình mới. Theo đó, đối với các xã nằm trong khu vực trung tâm các huyện trước đây có dư địa phát triển về đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ thì nghiên cứu lập các quy hoạch để thu hút nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội để tiến tới nâng cấp đơn vị hành chính cấp xã trở thành đơn vị hành chính đô thị cấp phường. Đối với các xã khu vực vùng sâu, xa trung tâm thì nghiên cứu lập các đồ án quy hoạch chung theo hướng sắp xếp lại dân cư nông thôn, gắn với đầu tư mở rộng mạng lưới hạ tầng giao thông quy mô lớn để thúc đẩy phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, hình thành các khu vực sản xuất nông nghiệp quy mô lớn tập trung gắn chế biến tiêu thụ sản phẩm nhằm hiện thực hóa chủ trương phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. |
Ý kiến ()