
Từ bao đời nay, múa sư tử mèo là một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn, mang trong mình hơi thở của lịch sử và niềm tự hào của người dân Xứ Lạng. Thế nhưng, trong bối cảnh xã hội không ngừng biến đổi dưới tác động của dòng chảy hiện đại hóa, múa sư tử mèo đang đối mặt với nguy cơ bị mai một, đòi hỏi những nỗ lực không ngừng từ nhiều phía để có thể gìn giữ và trao truyền điệu múa dân gian độc đáo này cho muôn đời sau.
Khác với múa Sư tử truyền thống của người Kinh hay các dân tộc khác, múa sư tử mèo của người Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn mang một nét độc đáo riêng. Người biểu diễn điều khiển một chiếc đầu sư tử được cách điệu với hình dáng gần giống khuôn mặt của một chú mèo - loài vật thân thuộc trong đời sống miền núi. Chiếc đầu sư tử này được chính người dân địa phương chế tác thủ công từ những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, kết hợp với bảng màu rực rỡ như đỏ, đen, vàng hay xanh đậm, tạo nên một vẻ đẹp vừa mộc mạc vừa sống động, đậm chất văn hóa dân gian.

Với người Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn, sư tử mèo tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc và no đủ. Nơi nào có sư tử mèo xuất hiện, nơi đó sẽ tràn đầy niềm vui và may mắn. Vì lẽ đó, múa sư tử mèo thường gắn liền với những dịp trọng đại như Tết Nguyên đán hội Lồng tồng (lễ xuống đồng), Trung Thu, hay lễ mừng nhà mới… Người dân tin rằng sự hiện diện của sư tử mèo sẽ xua đuổi tà ma, mang đến một năm mới sung túc, an lành hơn năm cũ. Loại hình nghệ thuật này đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017.
Với sự kết hợp giữa các yếu tố võ thuật qua những động tác nhào lộn, chồng hình và nghệ thuật biểu diễn của 8 đến 16 thành viên kết hợp với tiếng trống, tiếng thanh la, chũm chọe rộn ràng và các trò diễn đi kèm đã tạo nên một điệu múa sư tử mèo với sức hút đặc biệt, góp phần làm nên “hồn” của các ngày hội trên địa bàn huyện. Chính những giá trị này đã giúp múa Sư tử mèo tại Cao Lộc trở thành một di sản quý giá trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của Việt Nam.
Dù mang trong mình những giá trị văn hóa sâu sắc, việc bảo tồn múa sư tử mèo trên địa bàn huyện Cao Lộc đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự phát triển kinh tế và giao thoa văn hóa đã làm thay đổi sâu sắc đời sống cộng đồng, khiến các giá trị truyền thống dần bị mai một. Số lượng đội múa sư tử mèo không tăng trong khi những người nắm rõ nội dung, phương thức biểu diễn và các nghi thức liên quan ngày càng ít đi. Đặc biệt, việc thực hành, trình diễn và tái hiện các trò chơi, trò diễn trong múa sư tử mèo vốn là những yếu tố làm nên sự phong phú và độc đáo của loại hình nghệ thuật này đang dần bị lãng quên.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Cao Lộc chỉ có 2 nghệ nhân Ưu tú có khả năng truyền dạy múa sư tử mèo là nghệ nhân Nông Văn Hiện - thôn Hợp Tân, nghệ nhân Hoàng Văn Cải - thôn Sơn Hồng, cùng trú tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Trước đó, nhiều nghệ nhân lớn tuổi qua đời mà không kịp trao truyền kiến thức, kinh nghiệm cho con cháu, dẫn đến nguy cơ thất truyền các điệu múa và nghi thức quý giá.
- Cuối cùng, sự cạnh tranh từ các sản phẩm văn hóa du lịch khác cũng là một thách thức không nhỏ. Trong khi Lạng Sơn đang phát triển nhiều loại hình du lịch mới như du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, thì múa sư tử mèo chưa được khai thác một cách bài bản để trở thành điểm nhấn hấp dẫn du khách. Nếu không có chiến lược quảng bá hiệu quả, di sản này có nguy cơ bị lu mờ, không chỉ trong mắt khách du lịch mà còn trong chính nhận thức của người dân địa phương. Vì vậy, việc nghiên cứu, bảo tồn và trao truyền di sản này cho thế hệ trẻ là một nhiệm vụ cấp thiết, không chỉ để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mà còn để khơi dậy niềm tự hào và đam mê múa sư tử mèo trong cộng đồng dân tộc Tày, Nùng huyện Cao Lộc.
Để đảm bảo tính bền vững của điệu múa sư tử mèo, tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị múa sư tử dân tộc Tày, Nùng giai đoạn 2021-2030” trong đó Cao Lộc là một trong những địa phương trọng điểm thực hiện. Đề án tập trung vào việc phục dựng các bài múa cổ, hỗ trợ kinh phí cho nghệ nhân duy trì các lớp truyền dạy. Ngay sau khi đề án được phê duyệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn phối hợp với UBND huyện Cao Lộc tiến hành các bước chuẩn bị cơ bản. Công tác kiểm kê di sản được triển khai, qua đó, năm 2021 ghi nhận huyện Cao Lộc có hơn 150 nghệ nhân và khoảng 15 đội múa sư tử mèo tại các xã như Hải Yến, Gia Cát, Lộc Yên, Cao Lâu, Thạch Đạn, Hòa Cư, Tân Liên. Kết quả này được sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu, phục vụ việc lập kế hoạch bảo tồn.
Từ năm 2022, các hoạt động cụ thể của đề án bắt đầu được triển khai. Hai lớp truyền dạy múa sư tử mèo được tổ chức tại xã Hải Yến và Gia Cát, thu hút khoảng 50 học viên, chủ yếu là thanh thiếu niên từ 12 đến 18 tuổi. Các nghệ nhân tiêu biểu trong huyện đã tham gia hướng dẫn, tập trung vào các bài múa cơ bản và kỹ thuật biểu diễn.
Cũng trong năm 2022, Hội thi múa sư tử mèo huyện Cao Lộc lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội chùa Bắc Nga đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến xem và cổ vũ. Sự kiện này không chỉ góp phần tôn vinh di sản mà còn tạo động lực cho các đội múa khác phát triển, đồng thời đặt nền móng cho việc duy trì hội thi thường xuyên trong các năm tiếp theo. Tính đến nay, hội thi đã bước sang năm thứ 4 tổ chức, trở thành hoạt động định kỳ nhằm tôn vinh và khuyến khích các đội múa trên địa bàn huyện, đồng thời thu hút sự chú ý của nhân dân và du khách thập phương.

Từ năm 2023 đến nay, huyện Cao Lộc tiếp tục mở rộng quy mô thực hiện đề án, tập trung vào việc kết nối múa sư tử mèo với các hoạt động giáo dục. Tổ chức được 2 lớp kỹ năng thực hành trình diễn một số nghi thức, trò diễn múa sư tử mèo tại xã Gia Cát, thu hút hơn 40 học viên tham gia trong đó có 1 lớp dành riêng cho các em học sinh trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc và Trường THCS xã Gia Cát. Ngoài ra, Trường THCS Hải Yến đã đưa múa sư tử mèo vào chương trình ngoại khóa, với hơn 30 học sinh được học các động tác cơ bản dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân địa phương. Hoạt động này được đánh giá là bước tiến trong việc truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ. Với những nỗ lực đó, hiện nay huyện Cao Lộc đã phát triển được 20 đội múa sư tử mèo với 345 thành viên thuộc mọi lứa tuổi cùng nhau gìn giữ và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Múa sư tử mèo không chỉ là một điệu múa mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và tín ngưỡng, thể hiện tinh thần thượng võ bất khuất, khát vọng thịnh vượng bền bỉ của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói chung, huyện Cao Lộc nói riêng. Trong dòng chảy hiện đại hóa, sự tồn tại và lan tỏa của điệu múa sư tử mèo là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của văn hóa truyền thống, xứng đáng được trân trọng và bảo vệ cho các thế hệ mai sau.
Ý kiến ()