Ðợt nắng nóng đầu tiên sẽ xảy ra vào cuối tháng 5
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư, hôm nay ( 1-4) các tỉnh miền bắc chịu ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp phía tây phát triển về phía đông, sẽ gây mưa ẩm vào đêm và sáng sớm. Ðến trưa chiều, khu vực này có nắng.
Trung bộ tiếp tục có những cảnh báo mưa đá, tố lốc và gió giật mạnh. Khu vực Nam Bộ duy trì những ngày khô nóng khi nhiệt độ phổ biến từ 32 đến 35 oC. Khu vực Ðông Nam Bộ lên đến 37 oC, độ ẩm giảm xuống chỉ còn 40 đến 50%. Tiết trời oi bức. Trên biển, các vùng biển và hai huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa duy trì thời tiết tốt, sóng nhẹ.
Ðể triển khai công tác phục vụ phòng, chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai, ngày 31-3, tại Hà Nam, Ðài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ đã tổ chức hội thảo về tình hình mưa, bão, lũ năm 2015. Theo dự báo, mùa mưa, bão, lũ năm 2015 có khả năng diễn biến phức tạp. Số lượng cơn bão xuất hiện trên Biển Ðông từ 8 đến 10 cơn, số cơn ảnh hưởng đến nước ta từ 4 đến 5 cơn. Ðợt nắng nóng đầu tiên có thể xảy ra vào cuối tháng 5. Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung vào nửa cuối tháng 5, 6 và 7. Các đợt nắng nóng không kéo dài và không gay gắt. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối lên tới 38 đến 40 oC.
Tại Ðác Lắc, đến ngày 31-3 đã có hơn 31 nghìn ha cây trồng bị khô hạn, thiệt hại 980 tỷ đồng. Diện tích cây trồng thiệt hại tăng gấp bốn lần so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 6.000 ha lúa nước vụ đông xuân, 23 nghìn ha cà-phê bị khô hạn, không có nước tưới, diện tích còn lại là ngô và đậu xanh. Hàng trăm công trình thủy lợi vừa và nhỏ cũng như các dòng suối đều bị khô kiệt nước. Hiện, nhiều địa phương đã triển khai giải pháp phòng chống hạn như hướng dẫn đồng bào đắp đập bổi trên sông, suối, nâng cao mực nước, đào sâu các kênh, lạch dẫn nước từ sông vào cánh đồng.
Sáng 31-3, tàu SAR 412, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Ðà Nẵng MRCC) đã đưa ngư dân bị tai nạn lao động nghiêm trọng vào bờ cấp cứu. Trước đó, lúc 10 giờ 27 phút ngày 30-3, tàu cá QNg 94299 đang ở khu vực có tọa độ 18,34 độ vĩ bắc, 110,30 độ kinh đông, thì ngư dân Châu Minh Dương (22 tuổi, quê quán xã Phổ Thạnh, huyện Ðức Phổ, Quảng Ngãi) bị chân vịt làm gãy cổ chân. Lúc này tàu cá cách Ðà Nẵng 195 hải lý về hướng đông bắc, ngư dân mất nhiều máu hôn mê. Lực lượng bác sĩ đưa ngư dân sang tàu SAR 412 tiến hành cầm máu, băng bó sơ cứu đến sáng 31-3 thì ngư dân được đưa về Ðà Nẵng để tiếp tục chữa trị. Cũng trong sáng 31-3, tại Ðồn Biên phòng Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn (Bình Ðịnh), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp Sở Ngoại vụ tổ chức tiếp nhận ông Donato Rcomdate (43 tuổi, quốc tịch Phi-li-pin) và một xuồng máy dài khoảng 7 m, được ngư dân địa phương đưa vào đất liền an toàn. Trước đó, tàu cá BÐ 96028 TS do ông Huỳnh Ðũng (ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng đang hành nghề câu cá ngừ đại dương tại vùng biển cách đảo Sông Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 210 hải lý về hướng Ðông Bắc thì phát hiện ông Donato Rcomdate cùng phương tiện trôi dạt trên biển. Ông Ðũng đã cho các thuyền viên cứu vớt và chăm sóc sức khỏe ban đầu, sau đó đưa ngư dân bị nạn vào đất liền bàn giao cho Ðồn Biên phòng Tam Quan Nam.
Ngày 31-3, Chi cục Thú y tỉnh Kon Tum đã có báo cáo xác định nguyên nhân lợn chết bất thường trên địa bàn là do mắc bệnh tiêu chảy phân trắng ghép Ecoli (lợn con theo mẹ) và bệnh dịch tả. Trước đó, đàn lợn của hàng chục hộ chăn nuôi tại thôn 1, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum (Kon Tum) chết không rõ nguyên nhân. Hiện Chi cục Thú y tỉnh đã hướng dẫn các hộ dân tiến hành khử trùng tiêu độc, vệ sinh chuồng trại để tránh lây lan.
Theo Nhandan.org.vn

Ý kiến ()