Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý vào một số dự thảo luật
- Sáng 14/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Tham gia phiên họp, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh có 5 đại biểu, do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh uỷ, Ủy viên Ủy Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.

Trong số các đại biểu tham gia thảo luận tại hội trường, Đoàn ĐBQH tỉnh có 2 đại biểu phát biểu.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất). Theo đại biểu, Điều 10 Hiến pháp được bổ sung cụm từ về Công đoàn Việt Nam "là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn”, là cần thiết để khẳng định vai trò không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động ở cấp quốc gia và quốc tế. Nhưng thực tế, chỉ có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới có thẩm quyền này, do đó nếu quy định chung như dự thảo là Công đoàn Việt Nam thì có thể dẫn đến cách hiểu tất cả các cấp công đoàn bao gồm cả cấp cơ sở cũng có thẩm quyền này. Điều này không phù hợp thực tế, nhất là khi có sự hình thành các tổ chức đại diện khác của người lao động ở cơ sở, mà các tổ chức này lại đưa yêu sách có quyền như tổ chức công đoàn cơ sở. Đại biểu đề nghị xem xét bổ sung cụm từ “Cơ quan Trung ương của Công đoàn Việt Nam” vào trước cụm từ “là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn", đồng thời, chuyển nội dung này xuống cuối Điều 10.
Về sửa đổi, bổ sung Điều 115, đại biểu đề nghị cân nhắc quy định bỏ thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với chánh án toà án nhân dân (TAND), viện trưởng viện kiểm sát nhân dân (KSND). Đại biểu cho rằng chất vấn là một công cụ giám sát quan trọng nhằm đảm bảo các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm giải trình trước đại biểu dân cử và Nhân dân. Nếu việc chất vấn của đại biểu HĐND đối với chánh án TAND và viện trưởng viện KSND làm ảnh hưởng đến tính độc lập của tư pháp thì sẽ rất khó lý giải quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao…

Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Tại Điều 29 cơ cấu tổ chức của HĐND, theo đại biểu, thời gian tới sẽ chấm dứt hoạt động cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã, nhiệm vụ của cấp huyện sẽ chuyển về cấp xã và cấp tỉnh, theo đó nhiệm vụ của cấp tỉnh nói chung và nhiệm vụ của HĐND tỉnh nói riêng sẽ tăng lên. Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, cần phải tăng cường các điều kiện đảm bảo hoạt động cho các cơ quan của HĐND tỉnh. Theo đó đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định có 2 phó chủ tịch HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách trong cả hai trường hợp chủ tịch HĐND tỉnh hoạt động kiêm nhiệm hoặc hoạt động chuyên trách; đồng thời có 2 phó trưởng ban HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách trong cả hai trường hợp trưởng ban HĐND hoạt động kiêm nhiệm hoặc hoạt động chuyên trách.
Đại biểu đề nghị bổ sung thêm vào dự thảo luật cơ chế ủy quyền của HĐND cấp tỉnh cho thường trực HĐND, UBND tỉnh trong thời gian giữa 2 kỳ họp, được thực hiện một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh như: điều chỉnh, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, điều chỉnh một số quy hoạch chuyên ngành, các vấn đề an sinh xã hội, để địa phương để kịp thời giải quyết và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra của dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); thảo luận về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).


Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Theo đại biểu, dự thảo luật chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt ở vùng dân tộc và miền núi. Đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 22 nguyên tắc tuyển dụng công chức như sau: “Ưu tiên tuyển dụng người có tài năng, người có công với nước, người DTTS, đặc biệt là người thuộc dân tộc ít người, người tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc, người học theo chế độ cử tuyển, công tác tại vùng đặc biệt khó khăn”.
Đồng thời, bổ sung một khoản riêng tại Điều 47 về nội dung quản lý cán bộ, công chức, quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước và các cơ quan quản lý trong việc phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch, bố trí, sử dụng và đãi ngộ cán bộ, công chức là người DTTS. Cụ thể như sau: “Quản lý, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức là người DTTS; ưu tiên phát hiện, tạo nguồn, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách phù hợp với điều kiện đặc thù; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê và cơ chế theo dõi, đánh giá riêng đối với đội ngũ cán bộ, công chức là người DTTS”.

Cùng phát biểu về dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý tại khoản 3 Điều 49 có đề cập đến quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý hồ sơ cán bộ, công chức thực hiện việc cập nhật dữ liệu cán bộ, công chức khi có thay đổi”, đại biểu đề nghị sửa cụm từ “cập nhật” bằng cụm từ “quản lý công tác cập nhật, xác nhận và phê duyệt”. Vì tại khoản 2 Điều 49 đã có quy định là cán bộ, công chức có trách nhiệm cập nhật dữ liệu cá nhân khi có sự thay đổi. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị là tổ chức đôn đốc, yêu cầu cán bộ công chức thực hiện việc cập nhật khi có sự thay đổi. Do đó sau khi cán bộ, công chức thực hiện xong việc cập nhật dữ liệu cá nhân; thì cơ quan đơn vị đó sẽ thực hiện việc xác nhận và phê duyệt cập nhật dữ liệu, để đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức theo quy định.
Đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm một số cụm từ có tính nguyên tắc, về quy định có liên quan đến các thành tố cấu thành trong nội hàm của “vị trí việc làm” như: kết quả đầu ra, sản phẩm cụ thể, khối lượng công việc, tại khoản 4 Điều 4 về giải thích từ ngữ; cũng như tại Điều 27 về vị trí việc làm, bao gồm bản mô tả công việc và khung năng lực, để đảm bảo sự đồng bộ thống nhất, rõ ràng, tạo thuận lợi trong thi hành luật.
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định có liên quan đến việc không xử lý kỷ luật cán bộ, công chức sinh con thứ 3. Đồng thời bổ sung trường hợp cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật thì không được hưởng chế độ chính sách, trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vào khoản 2 Điều 45 để đảm bảo công bằng, hạn chế nhiều ý kiến khác nhau giữa các đối tượng được thụ hưởng.
Ý kiến ()