Bàn chuyện xóa nghèo ở Môn Sơn
Sáng 5-9, trời mưa như trút nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác T.Ư vẫn xuất phát đúng giờ để đến với đồng bào các dân tộc xã Môn Sơn, huyện vùng núi cao Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Suốt cuộc hành trình từ trung tâm huyện lên xã biên giới còn bao khó khăn này, mưa như bám đuổi theo Đoàn.May là đường về xã giờ đây đã được rải nhựa, làm cho Môn Sơn không còn xa xôi hẻo lánh như trước nữa. Dưới trời mưa không ngớt, đồng bào Thái, Đan Lai,... hồ hởi tập trung kín cả nhà sinh hoạt cộng đồng của xã để đón chào người lãnh đạo cao nhất của Đảng đến thăm và làm việc. Ai cũng mặc bộ quần áo đẹp nhất của dân tộc mình. Nói chuyện thân mật với từng người, Tổng Bí thư ân cần hỏi thăm về đời sống kinh tế - xã hội, về sản xuất của đồng bào.Về Môn Sơn, nhưng Tổng Bí thư muốn biết toàn diện các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh những năm gần đây, nhất là từ khi triển khai...
Sáng 5-9, trời mưa như trút nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác T.Ư vẫn xuất phát đúng giờ để đến với đồng bào các dân tộc xã Môn Sơn, huyện vùng núi cao Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Suốt cuộc hành trình từ trung tâm huyện lên xã biên giới còn bao khó khăn này, mưa như bám đuổi theo Đoàn.
May là đường về xã giờ đây đã được rải nhựa, làm cho Môn Sơn không còn xa xôi hẻo lánh như trước nữa. Dưới trời mưa không ngớt, đồng bào Thái, Đan Lai,… hồ hởi tập trung kín cả nhà sinh hoạt cộng đồng của xã để đón chào người lãnh đạo cao nhất của Đảng đến thăm và làm việc. Ai cũng mặc bộ quần áo đẹp nhất của dân tộc mình. Nói chuyện thân mật với từng người, Tổng Bí thư ân cần hỏi thăm về đời sống kinh tế – xã hội, về sản xuất của đồng bào.
Về Môn Sơn, nhưng Tổng Bí thư muốn biết toàn diện các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội của cả tỉnh những năm gần đây, nhất là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Suốt buổi làm việc, nghe lãnh đạo xã, huyện, tỉnh báo cáo và nói chuyện với bà con, Tổng Bí thư luôn lắng nghe, quan tâm, trao đổi ý kiến về những khó khăn, gợi ý để Đoàn công tác cùng địa phương bàn cách tháo gỡ. Tổng Bí thư băn khoăn vì sao tỷ lệ hộ nghèo còn cao và làm thế nào để xóa nghèo ? Công tác xây dựng Đảng đã quan tâm chưa, đã thật sự chăm lo xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh chưa ?
Là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, năm 1931, Chi bộ đảng dân tộc miền núi đầu tiên của Nghệ An được thành lập tại bản Thái Hòa, xã Môn Sơn. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đến nay, xã Môn Sơn nói riêng và huyện Con Cuông nói chung đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Tổng Bí thư vui mừng khi được thấy những ngôi nhà kiên cố, những mái trường khang trang dọc hai bên đường, những cánh rừng xanh biếc trải dài, minh chứng cho một vùng nông thôn đang đổi thay. Ông Vi Văn Kinh ở bản Cằng bày tỏ niềm vinh dự được đón Tổng Bí thư về thăm xã và tâm sự, nhờ có nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước mà đồng bào Thái cũng như Đan Lai ở Môn Sơn ngày càng có cuộc sống khá hơn. Bản Cằng có năm gia đình được ủng hộ bò giống lai sin, mười gia đình được ủng hộ lợn giống sinh sản, những gia đình này cũng thoát nghèo nhờ đó. Dù tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn cao nhưng so với mấy năm trước đã giảm nhiều.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn Vi Văn Nam, sản xuất chính của Môn Sơn là trồng lúa, các loại cây ngô, đậu, lạc và trồng rừng. Nhờ làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ, mà độ che phủ rừng ở Môn Sơn đạt 76%; của toàn huyện là 70%, cao nhất tỉnh. Vừa chăm lo phát triển kinh tế, Môn Sơn vừa thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tất cả số hộ nghèo đều được tiếp cận các dịch vụ công của Nhà nước, như giáo dục, y tế, tín dụng ngân hàng. Với sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, năm 2011, xã “xóa” được 176 hộ nghèo; tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%. Năm nay xã phát động làm đường giao thông nông thôn, Nhà nước ủng hộ xi-măng, các bản huy động nhân lực để làm. Bản Xiềng đã làm xong 2,7 km; bản Cằng làm xong 2,5 km, còn hơn hai km sang năm sẽ làm tiếp.
Về Môn Sơn, chúng tôi không thể quên câu chuyện của những năm trước. Trường tiểu học Môn Sơn 3 ở bản Co Phạt là ngôi trường dành cho con em dân tộc Đan Lai. Để đến được với lớp, giáo viên chỉ có một cách duy nhất là ngược thượng nguồn sông Giăng, vượt trăm ghềnh đá khe Khặng mới mang được con chữ về cho các em. Tháng 9-2002, UBND huyện Con Cuông thực hiện di dời 36 hộ đầu tiên ra nơi định cư mới tại hai khu vực: bản Tân Sơn và Cửa Rào của xã Môn Sơn, cuộc sống nơi ở mới không hết khó khăn, nhiều người lại trở về nơi ở cũ. Các em đến lớp là may. Giáo viên kiên trì bám trụ; các đoàn thể tích cực vận động con em đến lớp mới duy trì được lớp học. Ở nhiều bản khác vì điều kiện đi lại rất khó khăn cho nên số em bỏ học không ít. Vậy mà hai năm qua, mỗi năm xã Môn Sơn có từ 30 đến 35 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Tất cả sáu trường học của xã đều đạt chuẩn quốc gia; là xã tiên tiến của huyện về giáo dục nhiều năm liền. Trưởng bản Cằng, Lô Thị Hương tự hào cho biết, cậu con trai đầu của gia đình đang học năm thứ 3 Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên; cậu thứ hai năm nay học lớp 12. Nghe tôi nói, Trưởng bản vất vả mà nuôi con ăn học được thế là giỏi lắm, chị Lô Thị Hương cười: Xã Môn Sơn gồm 14 bản thì tới bảy bản có bí thư chi bộ, hoặc trưởng bản là nữ đấy.
Có 35 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào anh em, địa bàn rộng lớn, lại chia cắt thành bốn vùng rõ rệt, cho nên điều kiện đi lại của Môn Sơn khá khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Với 82% số dân là đồng bào Thái, 12% số dân là người Đan Lai, trình độ dân trí không đều, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, cho nên tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới lên tới 62,4% – một con số mà Tổng Bí thư rất băn khoăn. Ông Lang Văn Tý ở bản Tân Sơn, nơi người Đan Lai sinh sống chủ yếu, thưa với Tổng Bí thư, kinh tế của xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, nhưng nước tưới lại thường bị động. Trạm bơm nước ở bản Tân Sơn đã được đầu tư xây dựng, nhưng nay không có kinh phí hoạt động, dân không có nước sản xuất. Song cũng phải thừa nhận là nhiều hộ dân muốn đăng ký xin là hộ nghèo, hoặc thiếu vươn lên trong sản xuất, chấp nhận là hộ nghèo làm cho tỷ lệ này giảm ít. Vậy là phần nào lý giải được câu hỏi của Tổng Bí thư, vì sao tỷ lệ hộ nghèo ở xã vùng cao này còn cao. Những khó khăn do điều kiện tự nhiên là có, nhưng cũng do thiếu sự vươn lên của không ít hộ gia đình.
Khi trò chuyện với bà con cũng như lúc trao đổi ý kiến với cán bộ các cấp, các ngành địa phương, Tổng Bí thư đánh giá cao những nỗ lực của xã Môn Sơn, huyện Con Cuông và Đảng bộ, nhân dân Nghệ An nói chung. Dù còn những khó khăn, nhưng đời sống của bà con xã Môn Sơn và đồng bào các dân tộc tỉnh Nghệ An có những đổi thay thật sự. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại được tăng cường, góp phần xây dựng vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Lào anh em ngày càng bền vững. Tuy nhiên, Tổng Bí thư đề nghị không được chủ quan, bởi tiềm năng của địa phương còn nhiều mà chưa khai thác hết, thế mạnh còn lớn cũng chưa được phát huy đầy đủ. Và chúng tôi nhiều lần nghe Tổng Bí thư nhấn mạnh Nghệ An là quê hương giàu truyền thống cách mạng; là vùng đất có nhiều nhân tài, danh nhân văn hóa; là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Càng tự hào về những điều ấy, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An càng phải tập trung phấn đấu thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; phấn đấu giảm nghèo, xóa nghèo, đi đến làm giàu nhiều hơn; đồng thời không ngừng chăm lo công tác xây dựng Đảng. Những khó khăn thì tháo gỡ từng bước. Trên cơ sở phát triển kinh tế, chăm lo xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đối với các tộc người hiếm như Đan Lai. Lo phát triển kinh tế, nhưng phải không ngừng đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư đề nghị trước mắt cần tập trung làm thật tốt Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng. Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là một giải pháp xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh phải gắn với các mặt công tác khác như dân vận, dân tộc, tôn giáo,… Làm đến đâu chắc đến đó, không qua loa chiếu lệ. Với truyền thống của quê hương cách mạng, Tổng Bí thư tin tưởng rằng, Đảng và nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An sẽ vượt qua mọi khó khăn xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Trời vẫn không ngớt mưa, bà con các dân tộc Thái, Đan Lai lại bịn rịn tiễn Tổng Bí thư và các đồng chí trong Đoàn công tác trong niềm tin tưởng mới. Qua những lời chào thân thiết, những cái bắt tay như muốn siết chặt thêm với người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ai cũng hiểu rõ hơn nghĩa Đảng tình dân nơi vùng đất này bao giờ cũng keo sơn, gắn bó hết mực.
Theo Nhandan

Ý kiến ()