Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận về một số dự thảo luật
- Ngày 10/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường và thảo luận tại tổ về một số dự thảo luật.

Tham dự phiên họp, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lạng Sơn có 5 đại biểu, do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.

Cụ thể buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của 2 dự thảo luật trên.

Trong số các đại biểu phát biểu tại hội trường, đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về quản lý Nhà nước đối với kiểm soát nội dung quảng cáo trên môi trường mạng. Theo đại biểu, môi trường mạng, mạng xã hội và các nền tảng số xuyên biên giới đang dần trở thành kênh quảng cáo chủ đạo, thay thế phương thức truyền thống. Nhưng lại dễ bị lợi dụng để truyền bá thông tin sai sự thật, lừa đảo, tiếp tay cho sản phẩm kém chất lượng.
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành hướng dẫn chi tiết về quy trình xác minh độ tin cậy của người quảng cáo và cung cấp đầu mối hỗ trợ trực tuyến; cần quy định rõ ngưỡng xác định “người có ảnh hưởng” khi truyền tải sản phẩm quảng cáo; bổ sung quy định về thời hạn quảng cáo trên bảng quảng cáo…
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về 3 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của: Luật Doanh nghiệp; Luật Quy hoạch; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thảo luận tại tổ 7 có Đoàn ĐBQH 4 tỉnh: Lạng Sơn, Huế; Thái Nguyên; Kiên Giang. Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Uỷ viên Uỷ Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận tại tổ.
Trong số các đại biểu thảo luận tại tổ, Đoàn ĐBQH tỉnh có 4 đại biểu phát biểu.

Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Đồng chí đánh giá cao, cơ bản nhất trí với các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật lần này. Các quy định đã góp phần tránh chồng chéo, mâu thuẫn, hoàn thiện hệ thống quy hoạch tích hợp và đồng bộ, bảo đảm liên kết giữa quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.
Tuy nhiên, trong thực tiễn còn một số vướng mắc và để các quy định thuận lợi cho việc triển khai thi hành, đồng chí góp ý cụ thể vào một số quy định của dự thảo luật. Theo đồng chí, liên quan đến việc quy hoạch khu chức năng đặc thù, như tại tỉnh Lạng Sơn có Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng. Trường hợp này được quy định bởi Luật Xây dựng, thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch là Thủ tướng Chính phủ. Thực tế hiện nay, tại tỉnh Lạng Sơn đang thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch Khu Kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng còn vướng mắc về thời gian, hồ sơ trình qua nhiều cơ quan thẩm định, từ đó ảnh hưởng đến lộ trình triển khai, thực hiện một số dự án cụ thể đối với khu kinh tế cửa khẩu.
Đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các luật liên quan đến quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung, mạnh dạn phân cấp thêm cho chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch các khu chức năng, trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh. Từ đó rút ngắn thời gian trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện thúc đẩy, triển khai nhanh các dự án đầu tư liên quan đến các khu chức năng đặc thù, đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tránh mất cơ hội đầu tư và ảnh hưởng đến phát triển tiềm năng của địa phương.

Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ 2 trường hợp tình trạng pháp lý của doanh nghiệp về “đang làm thủ tục phá sản”: một là doanh nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế của mình chủ động làm các thủ tục phá sản; hai là doanh nghiệp bị các đối tượng khác kiện phá sản.
Đại biểu góp ý cụ thể tại Điều 128 về chào bán trái phiếu riêng lẻ. Đại biểu đề nghị cần làm rõ căn cứ cụ thể của quy định mới bổ sung vào dự thảo luật về “công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng chào bán trái phiếu riêng lẻ phải đáp ứng điều kiện có nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành theo báo cáo tài chính năm liền kề trước năm phát hành được kiểm toán...”. Đại biểu đề nghị cần mở rộng quy định được phép chào bán trái phép riêng lẻ đối với doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư lớn, để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn liên quan đến khả năng thanh khoản của dự án…

Cùng góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, cập nhật các chỉ đạo trong nghị quyết của Đảng để cụ thể hóa vào dự thảo luật. Đại biểu đề nghị bổ sung các tiêu chí cơ bản để xác định "chủ sở hữu hưởng lợi"; cần đơn giản hóa quy định về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp; điều chỉnh chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp tại địa phương; quy định rõ hơn về quản trị doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số…

Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đại biểu đề nghị bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn khung chỉ tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp; cần xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư, cân nhắc chính sách khuyến khích đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa vào thực hiện hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...
Ý kiến ()