Văn Lãng: Chăm hồng vành khuyên vụ mới
- Văn Lãng là huyện có diện tích trồng hồng vành khuyên lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Thời điểm này, các hộ trồng hồng vành khuyên trên địa bàn huyện đang tất bật với việc cắt tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc vườn, chuẩn bị cho vụ mới. Đây là thời điểm quan trọng nhất trong chu trình chăm sóc cây hồng sau thời gian thu hoạch, nhằm phục hồi, nâng cao năng suất sản lượng trong mùa vụ tiếp theo.

Tân Mỹ là xã có diện tích trồng hồng vành khuyên lớn của huyện Văn Lãng, với trên 500 ha, trong đó trên 67 ha là hồng VietGAP. Thời điểm này, những người trồng hồng tại đây đang bắt tay vào phòng trừ sâu bệnh hại, bón phân, làm cỏ cho cây hồng.
Ông Hoàng Văn Hậu, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, kinh doanh hồng vành khuyên Nà Mò, xã Tân Mỹ chia sẻ: Hiện nay, HTX có trên 9 ha hồng vành khuyên được chăm sóc theo hướng VietGAP và hướng hữu cơ. Theo đó, để chuẩn bị cho vụ tới, thời điểm này, chúng tôi đã tiến hành cắt tỉa cành già cỗi để tạo tán mới, phát quang vườn, dọn cỏ để giúp cây phát triển tốt, khỏe mạnh. Việc tập trung chăm sóc cây hồng ở thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định giúp cho năng suất và chất lượng quả cao hơn.
Theo kinh nghiệm của người dân, khi quả hồng vành khuyên đã ngả vàng, vỏ bóng thì sẽ được thu hái - đó là thời gian từ tháng 8 đến trung tuần tháng 9 (âm lịch). Trước đó, cây hồng ra hoa vào tháng 2 và đến tháng 4 bắt đầu có quả nhỏ. Để quả hồng tròn, đẹp, ngọt, bà con thường tập trung bón phân từ giữa tháng 5 đến tháng 6.
Tương tự, nhiều hộ trồng hồng tại xã Hoàng Việt cũng đang tất bật cắt tỉa, bón phân cho cây mùa vụ mới. Bà Hoàng Thị Thúy, thôn Pò Pheo, xã Hoàng Việt cho biết: Khoảng từ giữa tháng 5, đầu tháng 6, cây hồng rất dễ mắc phải các loại sâu bệnh hại như: rệp sáp, sâu ăn lá, bệnh thán thư… Vì vậy, đây là lúc chúng tôi chú trọng phòng, trừ bằng biện pháp sử dụng chế phẩm sinh học phun định kỳ ở tỷ lệ vừa phải. Gia đình tôi cũng chủ động cắt tỉa những cành cây già cỗi, tiến hành dọn cỏ, vun xới đất để cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Thời điểm này, lượng nước tưới cho cây đạt độ ẩm ở mức 70% là cây có thể phát triển tốt, tỷ lệ lây nhiễm sâu bệnh hại thấp nhất. Nhờ đó, giúp cây phát triển và cho ra quả đều, đẹp.
Không chỉ riêng người dân trên địa bàn 2 xã trên, hiện nay người dân tại các xã trên địa bàn huyện như: Thanh Long, Hoàng Văn Thụ, Hồng Thái, Bắc Hùng… cũng đang thực hiện các công đoạn chăm sóc cây hồng vành khuyên chuẩn bị cho mùa vụ mới. Theo thống kê từ phòng chuyên môn, hiện nay, toàn huyện có trên 1.300 ha hồng vành khuyên, diện tích thu hoạch khoảng 900 ha, diện tích canh tác đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đạt trên 320 ha. Sản lượng quả trung bình đạt khoảng 8.000 – 10.000 tấn/năm.
Bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Văn Lãng cho biết: Hồng vành khuyên là cây trồng chủ lực của huyện. Để đảm bảo cho cây phát triển tốt, đơn vị đã triển khai các hoạt động tập huấn, phiên chợ khuyến nông tuyên truyền cho người dân về các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồng trước và sau thu hoạch. Trung bình mỗi năm, các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức từ 5 đến 6 lớp tập huấn lồng ghép về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồng, trong đó, chú trọng đến nội dung hướng dẫn bà con phát triển hồng vành khuyên theo hướng VietGAP, hữu cơ để nâng cao chất lượng, sản lượng cho sản phẩm cũng như hạn chế việc sâu bệnh hại, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng quả.
Từ sự chủ động của người dân và sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn huyện, tin tưởng rằng, mùa hồng vành khuyên năm nay sẽ bội thu, đạt được kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị cây đặc sản, tăng thu nhập cho người nông dân, từng bước đưa thương hiệu hồng vành khuyên vươn xa hơn nữa.

Ý kiến ()