Vấn đề không chỉ của hôm nay
LSO-Kéo giảm sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh là vấn đề hệ trọng mang tính chiến lược quốc gia về dân số. Một cơ cấu dân số hợp lý sẽ nâng cao chất lượng dân số, là một trong những nguyên nhân đảm bảo sự ổn định xã hội.
![]() |
Cán bộ dân số xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn tư vấn cách dùng viên tránh thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ |
Có giảm nhưng chưa vững chắc
Năm 2011, tỷ số giới tính khi sinh của Lạng Sơn là 123,8, đến năm 2012 giảm xuống còn 114 (giảm tới 9,8 điểm phần trăm), song lại tăng lên 115,6 vào năm 2013 và “giữ đều” ở mức 117,1-117,3 trong 2 năm tiếp theo. Hiện nay, Lạng Sơn vẫn là một trong những tỉnh có chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh cao nhất toàn quốc.
Năm 2011, toàn tỉnh có 11.795 trẻ được sinh ra sống, trong đó, số bé trai nhiều hơn bé gái là 1.255 cháu; năm 2015 có 12.440 trẻ được sinh ra sống, tỷ lệ bé trai có giảm đi song cũng nhiều hơn bé gái đến 990 cháu. Trong 5 năm qua, tổng số bé trai được sinh ra sống nhiều hơn tổng số bé gái là 5.004 cháu. Nếu cứ để tình trạng như hiện nay, sau 20 năm nữa, Lạng Sơn sẽ có hàng chục ngàn đàn ông khó tìm được vợ.
Một số huyện, thành phố như: huyện Hữu Lũng đã giảm từ 136,4 năm 2011 xuống còn 127,1 năm 2015; thành phố Lạng Sơn giảm từ 136,9 xuống còn 119,1… song vẫn còn ở mức rất cao. Tuy vậy, vẫn có những đơn vị làm tốt công tác giảm bền vững tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh như Lộc Bình. Trong suốt 5 năm qua, bằng các giải pháp như: tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai (BPTT), duy trì các câu lạc bộ không sinh con thứ 3 trở lên, câu lạc bộ tiền hôn nhân… nên tỷ số giới tính khi sinh của huyện vẫn được duy trì ở mức từ 108,0 đến 111,6/100.
Trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở huyện Văn Lãng chỉ ở mức 4,17 và chỉ còn 1,81% năm 2014; thì sự chênh lệch giới tính khi sinh cũng đã được kéo giảm từ 134,2 xuống còn 122,4/100.
Sự cân bằng hợp lý
Bà Đỗ Thị Thêm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số/KHHGĐ tỉnh cho biết: mục tiêu cả nước sẽ kéo giảm chênh lệch giới tính khi sinh từ 113/100 năm 2015 xuống còn 107/100 vào năm 2020. Lạng Sơn thì “khiêm tốn” hơn với việc đề ra mục tiêu 115/100 vào năm 2020. Đây là việc khó song không thể không làm.
Giai đoạn 2011-2015 theo quan niệm dân gian là những năm “tốt” trong sinh đẻ, nhất là sinh con trai. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cũng tương ứng với sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh. Rút ra vấn đề này, nhiều trung tâm dân số có kế hoạch triển khai tuyên truyền mạnh mẽ và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có các chế tài xử phạt nghiêm minh tình trạng sinh con thứ ba trở lên. Mặt khác, cần tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi sinh sản. Không thực hiện siêu âm để biết giới tính thai nhi vì nó sẽ sinh ra nhiều hệ lụy khó lường đối với người phụ nữ như nạo phá thai không theo ý muốn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều khi là tính mạng của người mẹ.
Ngành y tế và các ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát các cơ sở y tế ngoài công lập, nghiêm cấm tiết lộ giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; sinh sản thuận theo lẽ tự nhiên và sự cân bằng cũng theo quy luật của tự nhiên.
Chúng ta đã đạt và duy trì tốt mức sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ Lạng Sơn có từ 1,9 đến 2,2 con. Kết quả này sẽ là cơ sở để Lạng Sơn giảm chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh nhanh và bền vững.
MINH HỒNG

Ý kiến ()