Tạo thuận lợi cho người dân sang tên chính chủ phương tiện giao thông
Trong mấy ngày qua, Cảnh sát giao thông đã bắt đầu áp dụng mức xử phạt mới về vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 800 nghìn đồng đến 1.200.000 đồng đối với chủ xe mô-tô vi phạm hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định (điểm e, khoản 3, Điều 33); Phạt tiền từ sáu đến 10 triệu đồng đối với chủ xe ô-tô vi phạm hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định (điểm c, khoản 6, Điều 33).Bản thân tôi ủng hộ quy định khi mua bán ô-tô, xe máy cần phải sang tên đổi chủ. Tất cả các phương tiện khi tham gia giao thông đều cần phải có chủ sở hữu rõ ràng. Trước đây quản lý bị buông lỏng thì bây giờ là lúc cần chấn chỉnh. Điều đó giúp công tác quản lý của các ngành chức năng thực hiện được tốt hơn. Nhưng muốn thực hiện điều này thì cần phải có lộ trình và phương án cụ thể, không thể áp dụng ngay để xử phạt người dân. Xe không sang...
Bản thân tôi ủng hộ quy định khi mua bán ô-tô, xe máy cần phải sang tên đổi chủ. Tất cả các phương tiện khi tham gia giao thông đều cần phải có chủ sở hữu rõ ràng. Trước đây quản lý bị buông lỏng thì bây giờ là lúc cần chấn chỉnh. Điều đó giúp công tác quản lý của các ngành chức năng thực hiện được tốt hơn. Nhưng muốn thực hiện điều này thì cần phải có lộ trình và phương án cụ thể, không thể áp dụng ngay để xử phạt người dân. Xe không sang tên đổi chủ là vấn đề tồn tại từ lâu, phức tạp. Xử phạt ngay mức tiền triệu đối với hơn 40% số xe chưa làm thủ tục sang tên chính chủ ở nước ta chính là làm khó cho dân. Đã đành chủ trương nêu trên là đúng, nhưng muốn để người dân thực hiện tốt, thì các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người dân thực hiện. Tâm lý người dân ai cũng muốn đứng tên chính chủ tài sản của mình theo đúng quy định của pháp luật, nhưng tôi thấy có những trường hợp muốn cũng không biết làm cách nào mà thực hiện, hoặc để thực hiện được thì số thời gian, công sức, tiền bạc bỏ ra sẽ nhiều hơn cả tài sản mình được đứng tên sở hữu.
Để tạo thuận lợi cho người dân có thể hoàn thành việc sang tên chính chủ ô-tô, xe máy, theo tôi, trước mắt Chính phủ cần có quy định chính thức tạm hoãn điều khoản đó trong thời gian từ sáu tháng đến một năm để người dân có thời gian thực hiện. Khi hết thời gian gia hạn, những người không thực hiện sẽ bị xử lý phạt nặng. Mức phạt có thể áp dụng với cả chủ cũ và chủ mới của phương tiện chưa chuyển chủ.
Về phí, lệ phí sang tên chính chủ ô-tô, xe máy, tôi thấy đây là mức phí vô lý, cần phải bỏ, hoặc giảm đến mức thấp, từ 0,5% đến 1%. Đối với người bán, khi họ mua ô-tô, xe máy lần đầu, họ đã trả thuế đầy đủ cho chiếc xe đó, khi họ bán nó đi, không có lý do gì để thu phí, lệ phí thêm một lần nữa. Còn với người mua, thì chiếc ô-tô, xe máy đã phải nộp thuế một lần, không có lý do gì để nộp thêm lần nữa. Trong trường hợp sang tên chính chủ này, thu phí vào người bán hay người mua đều không hợp lý. Việc quy định bắt buộc xe phải chính chủ là nhằm mục đích quản lý là chính chứ không phải tăng nguồn thu. Miễn phí sang tên chính chủ, là tạo điều kiện lớn về tâm lý và kinh tế cho người dân.
Với những trường hợp khó khăn trong việc sang tên như người bán đã chết, định cư ở nước ngoài, mất giấy tờ mua bán, đã qua tay nhiều chủ, không có hộ khẩu thường trú…, cơ quan công an cần nghiên cứu để tạo thuận lợi cho người hiện đang sở hữu phương tiện. Những trường hợp này có thể đề nghị công an phường, xã tập trung rà soát trong địa phương, lập thủ tục cho người dân đăng ký mới tại địa phương, sau đó chuyển hồ sơ đến Phòng CSGT để xin cấp đăng ký mới.
Theo Nhandan

Ý kiến ()