Tăng kiểm tra, giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm
- Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), nhất là trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, những năm qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã tập trung kiểm tra, siết chặt quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Theo Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 8.546 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Mặc dù phần lớn cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP theo quy định, tuy nhiên, theo báo cáo của ngành y tế và cơ quan quản lý thị trường, vẫn còn không ít cơ sở vi phạm các quy định như: sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ không phù hợp… Đặc biệt, tại một số khu vực đông dân cư, gần trường học, bệnh viện và chợ, nhiều hàng ăn vỉa hè hoạt động không phép, không có dụng cụ che đậy thực phẩm, rác thải tồn đọng, gây mất vệ sinh và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Trước nguy cơ đó, Ban Chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh và các cơ quan thành viên đã xây dựng kế hoạch kiểm tra các cơ sở thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý ở cả 3 tuyến: tỉnh, huyện và xã. Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP các huyện, thành phố đã xây dựng và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Nguyên đán, tháng hành động vì ATTP hằng năm đồng thời chỉ đạo tuyến xã tổ chức triển khai thực hiện. Các đoàn tập trung vào nhóm cơ sở có nguy cơ cao, nơi đông người sử dụng dịch vụ ăn uống, đồng thời kiểm tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu vi phạm.
Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã thanh, kiểm tra 2.141 cơ sở, phát hiện và xử lý vi phạm 306 cơ sở (tăng 188 cơ sở so với cùng kỳ năm 2024), xử phạt hơn 1 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2024) với các hành vi vi phạm chủ yếu như kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; nơi chế biến, kinh doanh có động vật gây hại xâm nhập; kinh doanh thực phẩm bị hỏng, mốc. Cơ quan chức năng buộc các cơ sở tiêu hủy hàng thực phẩm không đảm bảo ATTP với trị giá hơn 360 triệu đồng (tăng 318 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2024) ...
Ông Phạm Công Anh, Trưởng Phòng ATTP, Sở Y tế khẳng định: Trong bối cảnh tình trạng kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố phát triển nhanh, việc tăng cường kiểm tra liên ngành đóng vai trò quan trọng trong việc chấn chỉnh, nâng cao ý thức chấp hành của các cơ sở kinh doanh, ngăn ngừa các nguy cơ gây mất ATTP, bảo vệ sức khỏe người dân. Chúng tôi đã tham mưu Sở Y tế tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm đối với các cơ sở có nguy cơ cao; tăng cường phối hợp liên ngành để đảm bảo kiểm tra hiệu quả và không chồng chéo; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến cộng đồng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến từ gốc trong công tác bảo đảm ATTP.
Song song với kiểm tra, xử phạt, các cấp, ngành chức năng cũng tăng cường tuyên truyền về ATTP đối với chủ cơ sở và người tiêu dùng thông qua nhiều hình thức như: tuyên truyền trực tiếp, treo băng rôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi và hướng dẫn trực tiếp trong quá trình kiểm tra. Nhờ đó, nhận thức của chủ các cơ sở kinh doanh ngày càng được nâng cao.
Anh Lý Ngọc Lâm, chủ nhà hàng Lý Thành 2 (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Bình quân mỗi tháng, nhà hàng đón tiếp, phục vụ khoảng 600 lượt khách. Trong quá trình kinh doanh dịch vụ ăn uống, chúng tôi luôn được tham gia tập huấn, kiểm tra, hướng dẫn về các biện pháp đảm bảo ATTP trong quá trình lựa chọn nguyên liệu, chế biến, bảo quản thực phẩm. Do đó, chúng tôi luôn chú trọng nhập thực phẩm chất lượng, có hóa đơn, bảo quản cẩn thận, lưu mẫu sau chế biến để khách hàng yên tâm khi sử dựng dịch vụ của nhà hàng.
Khi nhận thức được nâng lên, các chủ cơ sở, hộ kinh doanh tự giác chấp hành và ký cam kết không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Theo tổng hợp của Sở Y tế, hằng năm, 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ký cam kết đảm bảo ATTP theo quy định. Ông Trần Duy Hiệu, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 (phụ trách địa bàn huyện Cao Lộc) thông tin: Qua rà soát trên địa bàn huyện có hơn 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố, tập trung đông ở khu vực chợ và các cổng trường học. Để đảm bảo ATTP, hằng năm, chúng tôi tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất và lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố ký cam kết thực hiện các quy định về ATTP.
Mặt khác, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh, các huyện, thành phố thường xuyên phối hợp cập nhật đầy đủ danh sách các cơ sở dịch vụ ăn uống từ nhà hàng, cơ sở sản xuất đến các điểm bán hàng ăn uống nhỏ lẻ trên địa bàn để triển khai các biện pháp nghiệp vụ, siết chặt quản lý, không để “lọt lưới” các cơ sở không phép, hoạt động tự phát.
Cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng, để đảm bảo ATTP trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống còn cần sự vào cuộc đồng bộ của cấp uỷ, chính quyền, tổ chức đoàn thể, người kinh doanh và người tiêu dùng. Tháng hành động vì ATTP năm 2025 (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5) với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trong đảm bảo an toàn thực phẩm” là thời gian cao điểm để các cơ quan, đơn vị tăng cường các giải pháp chuyên môn và cũng là dịp để mỗi người nhìn lại, nâng cao ý thức trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Ý kiến ()