Quân sự thế giới hôm nay (23-5): Mỹ chuyển giao xe bọc thép Oshkosh M-ATV cho Uruguay
Quân sự thế giới hôm nay (23-5) có những thông tin sau: Hà Lan sẽ thay súng chống tăng Panzerfaust 3; Uruguay nhận lô xe bọc thép Oshkosh M-ATV đầu tiên; Mỹ nâng tầm bắn cho tên lửa phòng không vác vai Stinger.
Hà Lan sẽ thay súng chống tăng Panzerfaust 3
Military Leak ngày 22-5 đưa tin Bộ Quốc phòng Hà Lan thông báo sẽ bắt đầu thay thế súng chống tăng Panzerfaust 3 của Đức bằng súng chống tăng Carl-Gustaf M4 do Saab (Thụy Điển) sản xuất. Đây là bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa năng lực tác chiến bộ binh của quốc gia châu Âu này.
Panzerfaust 3 được đưa vào sử dụng từ cuối những năm của thập niên 1980, có tầm bắn hiệu quả tối đa khoảng 600m. Trong khi đó, Carl-Gustaf M4 có tầm bắn lên đến 800m và hỗ trợ nhiều loại đạn, bao gồm cả đạn lập trình, giúp tăng tính linh hoạt trong tác chiến.

Carl-Gustaf M4 là hệ thống vũ khí đa năng, có thể tiêu diệt xe tăng, công sự, tàu đổ bộ và mục tiêu trong đô thị. Với thiết kế nhẹ hơn và có thể sử dụng được trong không gian hẹp, Carl-Gustaf M4 phù hợp với nhiều môi trường chiến đấu hiện đại.
Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết lô súng Carl-Gustaf M4 đầu tiên sẽ được bàn giao vào cuối năm 2025, và toàn bộ quá trình giao hàng dự kiến hoàn tất vào năm 2028. Chi tiết về số lượng và giá trị hợp đồng chưa được tiết lộ.
Việc chuyển sang sử dụng hệ thống súng chống tăng Carl-Gustaf M4 không chỉ giúp nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội Hà Lan mà còn tăng cường khả năng tương tác với các lực lượng vũ trang của các nước thành viên NATO. Đây là một phần trong chiến lược hiện đại hóa quân đội Hà Lan, thay thế các hệ thống cũ bằng công nghệ tiên tiến để đối phó với các mối đe dọa hiện đại.
Uruguay nhận lô xe bọc thép Oshkosh M-ATV đầu tiên
Theo Army Recognition, ngày 21-5 (giờ địa phương), lô xe bọc thép địa hình chống mìn phục kích Oshkosh M-ATV đầu tiên đã được chuyển giao cho Uruguay nhằm tăng cường năng lực an ninh tại các khu vực có nguy cơ cao của nước này. Lô hàng gồm 6 xe M-ATV và 6 xe tải chiến thuật hạng trung Oshkosh MK23 6x6, đã cập cảng Montevideo. Đây là một phần trong chương trình hỗ trợ an ninh của Mỹ dành cho Uruguay, nhằm nâng cao khả năng phản ứng nhanh và bảo vệ lực lượng trong các nhiệm vụ chống tội phạm có tổ chức và chống khủng bố.

Oshkosh M-ATV là dòng xe bọc thép chuyên dụng do Oshkosh Defense (Mỹ) phát triển, nổi bật với khả năng bảo vệ cao và tính cơ động vượt trội. Xe được thiết kế với khung gầm hình chữ V giúp giảm thiểu tác động từ mìn và thiết bị nổ tự chế, cùng hệ thống treo độc lập TAK-4 cho phép di chuyển linh hoạt trên địa hình phức tạp. Oshkosh M-ATV có thể đạt tốc độ tối đa 105km/giờ và tầm hoạt động khoảng 515km.
Việc Uruguay tiếp nhận các xe Oshkosh M-ATV phản ánh xu hướng hiện đại hóa quân đội của nước này, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Trước đó, vào năm 2024, Uruguay cũng đã nhận được 14 xe bọc thép Osprea Mamba MK7 từ Mỹ nhằm nâng cao năng lực cho các đơn vị cơ giới.
Động thái này không chỉ tăng cường khả năng phòng thủ của Uruguay mà còn thể hiện sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Mỹ và các quốc gia Nam Mỹ trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Tên lửa phòng không vác vai Stinger sẽ được nâng tầm bắn
Theo Business Insider, quân đội Mỹ đang tiến hành nâng cấp tên lửa phòng không vác vai Stinger bằng cách tích hợp công nghệ ramjet (phản lực phun dòng thẳng) nhiên liệu rắn trong chương trình Red Wasp, nhằm gia tăng đáng kể tầm bắn và khả năng đánh chặn của hệ thống vũ khí này.

Tên lửa Stinger, được đưa vào sử dụng từ năm 1981, nổi tiếng với khả năng tiêu diệt các mục tiêu như trực thăng bằng hệ thống dẫn đường hồng ngoại. Hệ thống đẩy mới kết hợp giữa động cơ tên lửa rắn truyền thống để đạt tốc độ siêu thanh, sau đó chuyển sang giai đoạn ramjet, đưa không khí theo dòng thẳng từ bên ngoài vào đốt nhanh nhiên liệu bên trong, giúp tăng tốc độ bay và tầm bắn. Tiến bộ này cho phép tấn công các mối đe dọa hiện đại như hệ thống máy bay không người lái giám sát từ xa.
Dù vấp phải sự hoài nghi từ các chuyên gia về động cơ khi mới thực hiện, quân đội Mỹ đã chứng minh tính khả thi của việc nâng cấp này trong 18 tháng kể từ khi chọn Stinger để thử nghiệm. Sáng kiến Red Wasp được mô tả là một dự án có rủi ro cao nhưng cũng có những thành công lớn, do chính phủ tài trợ toàn phần, có thể nâng cấp đáng kể hiệu quả của hệ thống Stinger cũ, đáp ứng yêu cầu tác chiến trong chiến tranh hiện đại.
- Tin thể thao (23-5): Real chia tay công thần, Ronaldo muốn tới châu Phi
- Thời tiết hôm nay (23-5): Nhiều khu vực mưa to và dông
- Tỷ giá USD hôm nay (23-5): Đồng USD lấy lại đà tăng nhẹ
- Giá xăng dầu hôm nay (23-5): Giá dầu lập hat-trick giảm ngày?
- Quân sự thế giới hôm nay (22-5): Nga trình làng đội hình tiêm kích hùng hậu tại LIMA 2025
- Quân sự thế giới hôm nay (21-5): Vì sao Nga điều thêm Tu-95MS đến Bắc Cực?
- Giá vàng hôm nay (23-5): Quay đầu giảm
- Lãi suất ngân hàng ngày 23/5: Thêm 1 ngân hàng lớn điều chỉnh lãi suất huy động

Ý kiến ()