Quân sự thế giới hôm nay (21-5): Vì sao Nga điều thêm Tu-95MS đến Bắc Cực?
Quân sự thế giới hôm nay (21-5) có những nội dung sau: Nga điều thêm máy bay ném bom Tu-95MS đến Bắc Cực, Trung Quốc sớm ra mắt “tàu sân bay UAV trên không” đầu tiên trên thế giới, Đan Mạch trang bị tên lửa phòng không ESSM thế hệ mới trên tàu khu trục.
* Nga điều thêm máy bay ném bom Tu-95MS đến Bắc Cực
Bulgarian Military đưa tin, quân đội Nga vừa điều 2 máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-95MS tới căn cứ không quân Olenya nằm trên bán đảo Kola ở Bắc Cực.
Trong hình ảnh vệ tinh mới nhất, căn cứ không quân trên hiện có 5 máy bay ném bom Tu-95MS, 5 máy bay vận tải An-12 và 38 máy bay ném bom Tu-22M3. Hai máy bay Tu-95MS mới nhất, được chuyển từ căn cứ không quân Belaya ở Siberia, đánh dấu một sự thay đổi tuy khiêm tốn nhưng được cho là rất đáng chú ý trong chiến lược của Nga.

Theo Bulgarian Military, nằm cách Ukraine 1.800km về phía bắc song chỉ cách Phần Lan, thành viên NATO, vỏn vẹn 150km, căn cứ không quân Olenya ngày càng đóng vai trò quan trọng như một trung tâm cho khả năng tấn công tầm xa của Nga trong khu vực này.
Vì thế, diễn biến trên càng làm dấy lên câu hỏi liệu Nga có đang chuẩn bị cho các hoạt động tăng cường ở Ukraine hay đang báo hiệu tham vọng địa chính trị lớn hơn ở Bắc Cực, nơi căng thẳng với NATO cũng gia tăng từng ngày.
Căn cứ không quân Olenya có lịch sử lâu đời như một nút thắt quan trọng trong cơ sở hạ tầng quân sự của Nga. Được xây dựng vào những năm 1950, nơi đây từng là căn cứ trinh sát cho Hải quân Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, nơi được bố trí máy bay ném bom Tu-22 và sau đó là Tu-95.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, căn cứ này trở thành điểm phóng chính cho các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu của Ukraine. Máy bay ném bom từ Olenya thường bay về phía Nam đến các vị trí trên Biển Caspi hoặc khu vực Saratov của Nga để phóng tên lửa hành trình từ khoảng cách an toàn. Chiến thuật này cho phép Nga làm suy yếu cơ sở hạ tầng của Ukraine trong khi giảm thiểu rủi ro cho máy bay của mình. Sự xa xôi của căn cứ không quân Olenya biến nó thành nơi trú ẩn cho các khí tài chiến lược, đặc biệt là sau các cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine nhắm vào các cơ sở gần hơn như căn cứ không quân Engels vào năm 2022 và 2023.
* Trung Quốc sắp thử nghiệm “tàu sân bay UAV trên không” đầu tiên trên thế giới
Euro News dẫn nguồn từ Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV cho biết nước này sắp triển khai một UAV hạng nặng mang tên Jiu Tian hay Nine Heavens, được mô tả là “tàu sân bay UAV trên không” đầu tiên trên thế giới, có khả năng triển khai UAV bầy đàn cỡ nhỏ.
Theo báo cáo, Jiu Tian đã hoàn thành giai đoạn lắp ráp và sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối tháng 6 tới đây. Máy bay được thiết kế bởi Viện Thiết kế máy bay số 1 trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) và do Công ty Công nghệ thiết bị không người lái Thiểm Tây chế tạo. Lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng tại sự kiện Triển lãm hàng không Trung Quốc lần thứ 15 (Airshow China 2024) ở thành phố Chu Hải vào tháng 11-2024, UAV này đã thu hút sự chú ý.

Jiu Tian được cho là có trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 16 tấn và sải cánh 25m, trang bị động cơ phản lực cánh quạt, cho phép đạt độ cao tối đa 15.000m, tốc độ bay tối đa 700km/giờ, phạm vi hoạt động 7.000km, thời gian hoạt động liên tục hơn 12 tiếng.
Ngoài khả năng tích hợp các thiết bị và vũ khí đa dạng với 8 điểm treo dưới cánh, Jiu Tian còn có khoang chứa dạng tổ ong bên trong thân để mang theo hàng trăm UAV cỡ nhỏ hoặc đạn tuần kích, nhằm thực hiện các nhiệm vụ như trinh sát, gây nhiễu, hoặc tấn công tự sát vào mục tiêu đối phương.
Thiết kế này cho phép máy bay trở thành một nền tảng tác chiến linh hoạt, không chỉ giới hạn trong nhiệm vụ tấn công mà còn có khả năng trinh sát và hỗ trợ chiến đấu. Cụ thể, nó sở hữu nhiều đặc điểm tương đồng với các hệ thống UAV hiện đại của phương Tây như MQ-9 Reaper và RQ-4 Global Hawk, song lại có khả năng triển khai bầy đàn UAV mà các dòng UAV của phương Tây hiện chưa tích hợp.
* Đan Mạch trang bị tên lửa phòng không ESSM thế hệ mới trên tàu khu trục
Theo Defense Mirror, Bộ Quốc phòng Đan Mạch thông báo sẽ phân bổ khoảng 127 triệu USD để mua thêm tên lửa ESSM (Evolved Sea Sparrow Missile) Block 2 cho các tàu khu trục lớp Iver Huitfeldt trong biên chế.

Bộ này cũng có kế hoạch đẩy nhanh quá trình chuyển giao các tên lửa đã đặt hàng trước đó, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của các tàu khu trục trước máy bay, UAV và tên lửa của đối phương.
Bước phát triển này nhấn mạnh cam kết của Đan Mạch trong việc hiện đại hóa lực lượng hải quân để sẵn sàng ứng phó với những thách thức trong chiến tranh hiện đại, nơi UAV giá rẻ và tên lửa ngày càng trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với các tàu chiến có giá trị cao.
Tên lửa ESSM Block 2 là một biến thể mới của hệ thống Sea Sparrow đang được Mỹ và các nước phương Tây sử dụng để bảo vệ tàu sân bay, tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu tấn công đổ bộ và các loại tàu khác. Với tầm bắn khoảng 50km và tốc độ gần 5.000km/giờ, tên lửa được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu di chuyển nhanh, bao gồm cả tên lửa chống hạm bay bám biển.
- Tỷ giá USD hôm nay (21-5): Đồng USD tiếp tục trượt giá
- Giá vàng hôm nay (21-5): Giá vàng thế giới tăng mạnh, trong nước ổn định
- Giá xăng dầu hôm nay (21-5): Quay đầu tăng
- Quân sự thế giới hôm nay (20-5): Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu UAV cảm tử mang đầu đạn xuyên giáp
- Quân sự thế giới hôm nay (19-5): Triều Tiên thử nghiệm thành công tên lửa dẫn đường mới
- Tin thể thao (21-5): Thắng Bournemouth, Man City trở lại top 3 Ngoại hạng Anh
- Lãi suất ngân hàng ngày 21/5: Ba ngân hàng tăng lãi suất kỳ hạn ngắn
- Giá vàng chiều nay (21-5): Tăng mạnh, vàng nhẫn bằng giá vàng miếng

Ý kiến ()