Nét đẹp nữ công nhân đất mỏ
- Thị trấn Na Dương (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) được biết đến là vùng đất mỏ gắn với ngành khai thác than - loại hình sản xuất đặc thù với những vất vả, gian truân nhưng cũng đầy tự hào. Nhắc đến công nhân mỏ than, nhiều người thường nghĩ ngay đến hình ảnh những người đàn ông rắn rỏi, bám trụ nơi tầng sâu hun hút - nơi chỉ có tiếng máy khoan, tiếng than đen rơi lách tách. Thế nhưng, giữa điều kiện làm việc khắc nghiệt ấy, có một lực lượng đặc biệt vẫn ngày đêm miệt mài lao động, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành than trên mảnh đất Na Dương - đó là những nữ công nhân của Công ty Than Na Dương - VVMI.
Phóng sự ảnh sẽ đưa độc giả khám phá về công việc, cuộc sống của những nữ công nhân ngành than ở Na Dương - những con người vừa dịu dàng, vừa mạnh mẽ. Họ đã và đang tô điểm thêm nét đẹp cho vùng đất mỏ đầy khắc nghiệt nhưng cũng rất đỗi tự hào.
-
Công ty Than Na Dương - VVMI là chi nhánh trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV-CTCP, là đơn vị đặc thù trên địa bàn tỉnh hoạt động trong lĩnh vực khai thác than tại mỏ than Na Dương, huyện Lộc Bình. Công ty có tổng số gần 500 lao động, trong đó có trên 110 lao động nữ. Các lao động nữ được công ty sắp xếp theo trình độ, năng lực, tham gia vào mọi lĩnh vực như nghiệp vụ thống kê, tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, công tác văn phòng ở 8 phòng ban (khối văn phòng); trực tiếp làm việc tại công trường trong các phân xưởng: Cơ điện - Sàng tuyển, Khai thác, Vận tải và thực hiện các công việc phục vụ, phụ trợ. Mặc dù làm việc ở các bộ phận có tính chất công việc khác nhau nhưng các lao động nữ trong công ty luôn đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau và tích cực tham gia các phong trào do công ty phát động. -
Phân xưởng Cơ điện - Sàng tuyển là phân xưởng có số lượng lao động nữ nhiều nhất so với các phân xưởng khác với 41 lao động nữ, thực hiện các nhiệm vụ khác nhau trong từng tổ. Tại kho than, các nữ công nhân trong Tổ chọc than trên phễu trực tiếp làm việc với than. Công việc của các công nhân là đập nhỏ các khối than lớn, loại bỏ đá trên phễu để than vào phễu được đảm bảo chất lượng. Với điều kiện làm việc khá nặng nhọc, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, các công nhân trong tổ được công ty trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp. Năm 2024, qua hoạt động khám bệnh định kỳ cho công nhân, lao động, công ty không phát hiện ca nào mắc bệnh nghề nghiệp mới. -
Làm việc tại một tổ khác thuộc Phân xưởng Cơ điện - Sàng tuyển, 20 năm qua, chị Đặng Thị Bích đã gắn bó với những cỗ máy cơ khí. Là thợ cơ khí, công việc hằng ngày của chị là điều khiển các lại máy roa, máy khoan, máy mài... để tạo ra các chi tiết máy có độ chính xác rất cao, phục vụ quá trình sửa chữa thiết bị mỏ và phương tiện vận tải. Công việc tuy không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo, chuẩn xác. Mặc dù làm việc trong môi trường có độ ồn từ các loại máy móc, song chị đã quen và luôn yêu công việc của mình. Chị Bích tươi cười cho biết: "Làm nhiều thành quen, ngày nào không nghe thấy tiếng máy, tôi lại thấy nhớ". Là An toàn vệ sinh viên của công ty, chị luôn tuân thủ nghiêm túc và nhắc nhở công nhân về các quy định đảm bảo an toàn lao động trong quá trình làm việc. -
Thực hiện nhiệm vụ ở tổ vận hành hệ thống băng tải thuộc Phân xưởng Cơ điện - Sàng tuyển, chị Lê Diệu Hà đã gắn bó với vị trí này hơn 10 năm qua. Từ nhà điều khiển được sắp xếp ngay tại bãi than, với việc ứng dụng khoa học, công nghệ, chị có thể quan sát đồng thời hàng chục camera được lắp đặt ở nhiều vị trí trong dây chuyền sàng đảo, trộn than. Khi phát hiện sự cố ở bất cứ vị trí nào, chị nhanh chóng điều chỉnh máy móc khắc phục sự cố hoặc khẩn trương báo cáo ca trưởng nhanh chóng tìm phương án giải quyết. Chị Hà chia sẻ: "Không rời bỏ vị trí, đó là phương châm mà tôi luôn giữ vững trong suốt quá trình làm việc của mình". Với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, nhiều năm qua, chị Hà luôn là một trong những lao động gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. -
Một trong những bộ phận quan trọng, đóng vai trò đảm bảo bữa ăn ca cho gần 500 lao động trong công ty đó là bộ phận cấp dưỡng với 15 lao động nữ. Hiện nay, công ty bố trí 3 nhà ăn tại 3 điểm khác nhau gồm tại trụ sở công ty, Phân xưởng Cơ điện - Sàng tuyển; Phân xưởng Vận tải và Khai thác. Để đảm bảo sức khỏe cho công nhân, các nữ cấp dưỡng luôn chú trọng nghiên cứu thực đơn đầy đủ dinh dưỡng, lựa chọn thực phẩm đảm bảo vệ sinh và thường xuyên rèn luyện tay nghề chế biến các món ăn. -
Sau giờ làm việc, các công nhân lại quây quần cùng nhau tại nhà ăn gần với vị trí làm việc của mình. Bên những suất ăn ca đầy đủ chất dinh dưỡng và ngon miệng, các chị cùng trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện vui như trong bữa cơm của gia đình mình. -
Cùng với việc hăng say lao động, sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các lao động nữ trong công ty còn được tạo điều kiện tham gia các hoạt động thể thao, văn nghệ. Sau giờ làm việc, các lao động nữ thường cùng nhau tập luyện bóng chuyền hơi, pickleball... tại Nhà đa năng của công ty. -
Không chỉ duy trì phong trào luyện tập thể thao, văn nghệ phát triển mạnh mẽ, các lao động nữ của Công ty Than Na Dương còn tích cực tham gia các giải thể thao do tổng công ty và địa phương tổ chức và thường xuyên đoạt thành tích cao. Tiêu biểu một số thành tích trong năm 2024 như: đội bóng chuyền hơi nữ đoạt giải nhất tại hội thao do Tổng Công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV- CTCP tổ chức; đoạt giải nhì tại giải thể thao cán bộ, viên chức, người lao động mở rộng do Liên đoàn Lao động huyện Lộc Bình tổ chức... -
Ở nhiều vị trí làm việc khác nhau, các nữ công nhân ngành than vẫn luôn khẳng định được tầm quan trọng của mình. Tỷ lệ lao động nữ trong công ty đạt danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" hằng năm đạt trên 95%. Trong giai đoạn 2025 - 2030, số lao động nữ được quy hoạch vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của công ty chiếm 23%. Qua đó, đóng góp không nhỏ vào việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất của công ty. Kể từ khi hoạt động (năm 1959 đến nay), Công ty Than Na Dương đã bốc xúc, vận chuyển 123,7 triệu mét khối đất đá; khai thác trên 15,3 triệu tấn than nguyên khai; tiêu thụ trên 13,3 triệu tấn than sạch; cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy xi măng, nhiệt điện phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. -
Nữ công nhân ngành than vẫn thường được ví như những bông hoa của đơn vị. Giữa những vất vả, gian truân nơi mỏ than, dù trong trang phục bảo hộ lao động, hay mang trên mình những bộ áo dài thướt tha, hình ảnh nữ công nhân ngành than vẫn tỏa sáng một cách lặng lẽ. Mỗi nụ cười lấp lánh trong ánh nắng giữa những vùng than, mỗi bước chân vững vàng, kiên cường đã tạo nên nét đẹp riêng của nữ công nhân trên đất mỏ, góp phần khẳng định giá trị, vị thế của lao động nữ trong thời đại mới.