Thứ 6, 25/04/2025 14:24 [(GMT +7)]
Giữ gìn, phát huy giá trị nghề làm cao khô truyền thống ở Vạn Linh
14/10/2024 - 17:01 [GMT +7]
- Nghề làm cao khô là nghề truyền thống của người dân xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng. Thay vì làm thủ công, năng suất thấp như trước đây, hiện nay người dân làm nghề đã áp dụng máy móc vào sản xuất nhưng nguyên liệu và cách chế biến vẫn được lưu giữ nhằm tạo ra một hương vị đặc trưng riêng có. Nhờ sản xuất cao khô, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã có thêm thu nhập, nâng cao đời sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
-
Hiện nay, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng có 1 hợp tác xã và gần 200 hộ gia đình chuyên sản xuất cao khô thương phẩm -
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện nay các hộ dân sản xuất cao khô trên địa bàn xã đã đầu tư máy móc hiện đại như: máy tráng, máy thái, máy nghiền bột... Tuy nhiên, người dân vẫn chú trọng sử dụng các nguyên liệu và cách chế biến cao truyền thống. Theo đó, người dân sử dụng gạo bao thai hoặc gạo đoàn kết được gieo trồng tại địa phương để làm cao khô và không dùng phụ phẩm -
Trước khi xát gạo thành bột, người dân sẽ vo sạch gạo qua nhiều lần nước, rồi ngâm với nước qua một đêm. Thường mỗi mẻ bánh, người dân làm khoảng 50 kg gạo. Ngay từ sáng sớm hôm sau, người dân tiến hành sát gạo thành bột nước thật mịn trước khi thực hiện công đoạn tráng bánh -
Bột gạo xay mịn sau khi được tráng qua máy sẽ cho ra những mẻ bánh mềm, dẻo (giống bánh cuốn, bánh phở). Lúc này người tráng bánh mới khéo léo dùng từng chiếc mành tre hứng lấy bánh phở nóng hổi sao cho bánh dàn đều, trải dài, không nếp gấp -
Bánh sau khi tráng sẽ được mang phơi trực tiếp dưới ánh nắng khoảng 3 đến 4 tiếng đồng hồ -
Để đảm bảo bánh được phơi khô đều, sau mỗi giờ đồng hồ, người dân đều tiến hành kiểm tra, lật mặt bánh -
Sau khi bánh được phơi khô, người dân xếp gọn lại, dấp nước và ủ qua đêm rồi mới tiến hành thái bằng máy. Nếu để bánh quá khô, khi thái sẽ dễ bị gãy vụn, khó thành sợi, không đẹp mắt. Đây là cách làm truyền thống được lưu giữ qua bao thế hệ và đã trở thành "bí quyết" để đảm bảo tính thẩm mĩ cho sợi cao khô. -
Bánh sau khi thái thành sợi sẽ được tiếp tục phơi dưới ánh nắng cho đến khi khô hoàn toàn -
Để sợi khô đều, người dân thường sử dụng mành tre để phơi. Đây là dụng cụ phơi bánh được người dân Vạn Linh sử dụng từ bao đời nay vì làm từ nguyên liệu dễ kiếm, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng -
Sợi sau khi được phơi khô sẽ được bó lại thành từng bó đẹp mắt -
-
Ngoài sản phẩm cao khô truyền thống (cao khô gạo trắng), hiện nay một số hộ dân tại xã Vạn Linh đã sản xuất thêm các loại cao khô kết hợp thành phần gạo với rau, củ, quả để tạo nên những sợi cao khô có màu sắc bắt mắt như: cao khô bò khai, cao khô gấc... -
Với sự định hướng của cấp uỷ, chính quyền, thời gian qua, người dân không chỉ tập trung mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng mà còn chú trọng đến tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm -
Theo đó, năm 2018, sản phẩm cao khô được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cao khô Vạn Linh”. Năm 2021, sản phẩm cao khô của HTX Phụ nữ sản xuất Cao khô Vạn Linh được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao -
Trải qua quá trình phát triển, hiện nay, nghề sản xuất cao khô đã trở thành ngành sản xuất mũi nhọn của xã Vạn Linh. Từ năm 2020 đến nay, bình quân mỗi năm, các cơ sở trên địa bàn xã tiêu thụ trên 1.000 tấn gạo để sản xuất cao khô, tổng giá trị mang lại đạt trên 34 tỷ đồng/năm; tạo việc làm cho gần 600 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. -
Từ phát triển nghề sản xuất cao khô truyền thống, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Vạn Linh đã có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, qua đó, góp phần tích cực vào sự thay đổi diện mạo quê hương
KIM CHI - LIỄU CHANG
Poll