Dự thảo 1 luật sửa 7 luật: Tạo "sân chơi" thông thoáng, hậu kiểm minh bạch
Quốc hội xem xét dự thảo luật sửa đổi đồng loạt 7 luật quan trọng nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Ngày 17/5, Quốc hội đã lắng nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Dự thảo Luật này được kỳ vọng sẽ tạo ra một "sân chơi" thông thoáng hơn cho doanh nghiệp đồng thời thiết lập cơ chế hậu kiểm minh bạch và hiệu quả, ngăn chặn tối đa các kẽ hở và tình trạng lợi dụng chính sách.
Rà soát, sửa đổi "cởi trói" cho kinh tế
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày Tờ trình dự án Luật, nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế-xã hội.
"Các văn bản pháp luật về đầu tư, tài chính, ngân sách đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đòi hỏi phải được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung," Bộ trưởng Thắng cho biết.
Chính phủ đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các Luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách và xác định 7 Luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Mục tiêu là để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dự án Luật hướng đến việc thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh hỗ trợ, phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, tài chính, ngân sách. Dự án luật cũng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. dự Luật cũng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
"Đãi cát tìm vàng"
Một trong những điểm nhấn của dự thảo Luật là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu. Theo đó, hai nội dung sửa đổi, hoàn thiện tập trung vào các quy định ưu tiên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tự chủ cho doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, sửa đổi các quy định nhằm bảo đảm quyền tự chủ, tự quyết định hoạt động lựa chọn nhà thầu của tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Ưu đãi đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tổ chức khoa học công nghệ, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số theo hướng ưu tiên trong đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, cộng điểm hoặc cộng tiền.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhà nước (không phân biệt nguồn vốn sử dụng) và đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 không sử dụng ngân sách Nhà nước sẽ được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.
Thêm vào đó, dự thảo Luật bổ sung nhiều quy định mới quan trọng, bao gồm đấu thầu quốc tế, chuyển giao công nghệ, linh hoạt lựa chọn hình thức đấu thầu, nâng cao chất lượng đấu thầu.
Dự thảo Luật cũng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian trong đấu thầu bằng cách bãi bỏ thủ tục thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, tinh gọn bộ máy (như bãi bỏ vai trò bên mời thầu và chuyển giao một số nhiệm vụ của bên mời thầu cho tổ chuyên gia, chủ đầu tư), phân cấp, phân quyền (sửa đổi quy định về chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh theo hướng Luật chỉ quy định nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về các hình thức này).
Đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), dự thảo Luật tập trung vào các nội dung hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm của Nhà nước. Theo đó, dự thảo Luật cho phép áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng công trình; Bổ sung trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với dự án PPP khoa học, công nghệ có doanh thu thực tế thấp hơn 50% so với doanh thu dự kiến; Sửa đổi cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ chia sẻ.
Đặc biệt là quy định mở rộng chỉ định nhà đầu tư (bổ sung trường hợp chỉ định thầu đối với một số trường hợp) và bổ sung hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với dự án PPP thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, dự Luật đã nới lỏng tiêu chuẩn đánh giá, như nhà đầu tư chỉ cần chứng minh khả năng thu xếp vốn mà không cần chứng minh kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự. Hay, trường hợp chỉ định đối do nhà đầu tư đề xuất dự án, chỉ yêu cầu nhà đầu tư đáp ứng năng lực tài chính và có phương án tài chính khả thi.
Dự thảo Luật cũng lược bỏ nhiều thủ tục hành chính rườm rà đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và lựa chọn nhà đầu tư.
Thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực then chốt
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng mở rộng phạm vi miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Đối với Luật Đầu tư, dự thảo Luật bổ sung nhiều nội dung quan trọng, bao gồm ưu đãi đầu tư, cụ thể là bổ sung danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư đối với "đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng di động từ 5G trở lên và hạ tầng số khác trong lĩnh vực công nghệ chiến lược," khu công nghệ số tập trung vào địa bàn ưu đãi đầu tư và bổ sung quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư trong các lĩnh vực ưu đãi đầu tư về công nghệ chiến lược.
Bổ sung các quy định về thành lập tổ chức kinh tế, thủ tục đầu tư đặc biệt và kéo dài thời hạn hoạt động (tối đa không quá 70 năm) và kiểm tra dự án đầu tư.
Về Luật Đầu tư công, dự thảo Luật tập trung vào các nội dung bổ sung quy định dự án đầu tư công đặc biệt là dự án thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, được áp dụng cơ chế đặc thù và ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; Bổ sung nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng làm cơ sở phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án. Bổ sung quy định về hạn mức vốn (bằng 2 lần mức vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn hiện tại) làm cơ sở cho các bộ, cơ quan, địa phương chủ động thẩm định vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Nhằm đơn giản thủ tục, dự Luật cũng bổ sung các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư, trường hợp chương trình, dự án tăng tổng mức đầu tư từ các nguồn vốn hợp pháp khác hoặc tăng vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, không cần điều chỉnh chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các bộ, ngành, địa phương trong việc quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công.
Dự thảo Luật cần chặt chẽ hơn
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi bày tỏ sự nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các Luật với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.
"Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát thận trọng, bám sát mục tiêu sửa đổi luật, tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung cấp bách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là trong lĩnh vực hoạt động khoa học, công nghệ. Chính phủ bảo đảm tạo điều kiện, thủ tục thuận lợi, thông thoáng cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đồng thời bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ, có cơ chế hậu kiểm minh bạch, hiệu quả, tránh tạo kẽ hở và lợi dụng chính sách," ông Mãi nói.

Về một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn tại các luật, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã đưa ra nhiều ý kiến quan trọng.
Luật Đấu thầu, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ về quy định cho phép doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được tự quyết định hoạt động đấu thầu đối với việc mua sắm thường xuyên, phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư không sử dụng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, Ủy ban cũng lưu ý về nguy cơ phát sinh cơ chế xin-cho, trục lợi chính sách nếu quy định này không được kiểm soát chặt chẽ.
Luật PPP, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cân nhắc kỹ đề xuất bỏ quy định cấm áp dụng hợp đồng thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án PPP và không yêu cầu phải bảo đảm quyền lựa chọn của người sử dụng dịch vụ đối với trường hợp cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ cao tốc. Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ rà soát, bảo đảm cơ sở chính trị và quy định chặt chẽ trong dự thảo Luật đối với các dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ có hợp đồng được ký kết trước ngày Luật PPP năm 2020 có hiệu lực.
Luật Đầu tư công, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhất trí bổ sung hai nội dung mới là "chính sách đối với các dự án đầu tư công đặc biệt" và "nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng." Song, Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ có quy định cụ thể để thực hiện, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật./.
Ý kiến ()