Đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý về dự án Luật Ngân sách nhà nước
- Sáng 26/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận một số nội dung.
Tham gia phiên họp, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh có 5 đại biểu, do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn.

Trong chương trình, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Tương trợ tư pháp về hình sự. Đồng thời thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Tại khoản 1, Điều 7 nguyên tắc cân đối ngân sách Nhà nước, dự thảo luật quy định: “Trường hợp có khoản thu cần gắn với nhiệm vụ chi cụ thể theo quy định của pháp luật thì được bố trí tương ứng từ các khoản thu này trong dự toán chi ngân sách để thực hiện”. Tại khoản 1, Điều 10 dự phòng ngân sách Nhà nước quy định: “Mức bố trí dự phòng từ 2% đến 5% tổng chi ngân sách mỗi cấp, không bao gồm chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên (nếu có)”. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định mức bố trí dự phòng trong đó loại trừ các khoản thu gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, do các khoản thu này được bố trí tương ứng cho dự toán chi, nên không đảm bảo nguồn để bố trí vào dự phòng ngân sách.
Theo đại biểu dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Đầu tư công (năm 2024) chưa thống nhất về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện, chưa rõ việc quyết định đầu tư dự án, nhiệm vụ ngoài kế hoạch đầu tư công (chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển khác) thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công hay pháp luật về ngân sách Nhà nước và pháp luật về chuyên ngành có liên quan. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, điều chỉnh thống nhất.
Theo dự thảo luật, tỷ lệ phân chia tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định: “Các địa phương nhận bổ sung cân đối, ngân sách Trung ương hưởng 20%; ngân sách địa phương hưởng 80%”. Theo đại biểu đối với các địa phương nhận bổ sung cân đối ngân sách thì đây là khoản thu điều tiết rất lớn và cũng là một khoản tiền cần có để các địa phương này thực hiện các nhiệm vụ đầu tư của tỉnh về hạ tầng kinh tế, an sinh xã hội… Để tạo điều kiện cho các địa phương này, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét điều chỉnh theo hướng: các tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương chỉ thực hiện điều tiết phần thu vượt dự toán của khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Đại biểu đề nghị giữ quy định hiện hành về nhiệm vụ điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước là thuộc thẩm quyền Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tương tự đối với ngân sách địa phương, đại biểu đề nghị không giao cho UBND thực hiện các nhiệm vụ điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương…

Cùng phát biểu thảo luận về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý cụ thể tại điểm b, khoản 4, Điều 58, liên quan đến chính sách thưởng vượt thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu qua biên giới đất liền đối với các địa phương có cửa khẩu. Theo đại biểu quy định về mức thưởng và điều kiện kèm theo như dự thảo luật chưa thực sự phù hợp, chưa sát với thực tiễn hoạt động quản lý thu và chi ngân sách tại các địa phương có cửa khẩu, đặc biệt là những địa phương có đóng góp lớn từ nguồn thu thuế xuất nhập khẩu.
Theo dự thảo, địa phương có cửa khẩu được “trích một phần theo tỷ lệ không quá 10% số tăng thu thưởng cho địa phương nhưng không quá số tăng thu so với mức thực hiện năm trước”. Theo đại biểu, quy định này dẫn đến hai rào cản lớn: địa phương có thể vượt chỉ tiêu nhưng không được thưởng nếu thu không cao hơn năm trước, điều này xảy ra phổ biến trong thực tế do yếu tố khách quan; mức trần 10% và giới hạn so với năm trước khiến phần thưởng bị “kẹp lại”, mất ý nghĩa động viên trong nhiều trường hợp vượt thu thực chất.
Đại biểu dẫn chứng ví dụ cụ thể tại tỉnh Lạng Sơn, địa phương có 12 cửa khẩu. Năm 2024, thu thuế xuất nhập khẩu của tỉnh đạt 6.600 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu được giao (chỉ tiêu giao là 5.000 tỷ đồng), đạt 132%. Năm 2025, chỉ tiêu được giao là 6.450 tỷ đồng, và nếu tỉnh tiếp tục thu 6.600 tỷ đồng, tức vẫn vượt chỉ tiêu 150 tỷ đồng, thì vẫn không được thưởng gì vì thu không cao hơn năm 2024.
Theo đại biểu, chính sách thưởng vượt thu nếu thiết kế tốt sẽ không làm giảm thu ngân sách Trung ương, vì phần thưởng chỉ được trích từ vượt thu, tức là khoản ngoài dự toán. Trung ương vẫn giữ toàn bộ phần thu trong kế hoạch. Nếu địa phương có động lực, sẽ phục vụ tốt hơn, đầu tư tốt hơn, từ đó giúp tăng thu ổn định trong dài hạn và giảm áp lực chi từ ngân sách Trung ương. Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội và cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi và đề nghị viết lại điểm b, khoản 4 điều 58 như sau: “Trường hợp địa phương có số thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu qua biên giới đất liền tăng thu so với dự toán trung ương giao, ngân sách trung ương trích một phần không quá 30% số tăng thu thưởng cho địa phương để chi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”. Bỏ điều kiện “không vượt quá mức tăng thu so với năm trước”, để đảm bảo tính khuyến khích nhất quán và phù hợp thực tiễn.
Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tương trợ tư pháp về dân sự. Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Ý kiến ()