Đại biểu đề nghị giữ tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ
Theo đại biểu, các vụ án lớn như Vạn Thịnh Phát, AVG... khi toà tuyên tử hình bị cáo mới khắc phục thêm tiền, nếu bỏ án tử hình sẽ khó thu hồi tài sản.
Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) đề nghị cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình với tội tham ô, tội nhận hối lộ, nhất là trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang đấu tranh rất mạnh mẽ với tham nhũng.
Ông Sang cho rằng, tội tham ô tài sản, nhận hối lộ hiện có diễn biến rất phức tạp, không chỉ dừng ở lĩnh vực công mà đã xâm chiếm cả sang lĩnh vực tư nhân.

Lấy dẫn chứng từ vụ án AVG (tiền hối lộ là 3 triệu USD) và vụ án chuyến bay giải cứu (tiền hối lộ đến hàng trăm tỷ đồng), đại biểu cho rằng, cả 2 vụ án này đều có đặc điểm chung, sau khi tuyên án tử hình, bị cáo mới khắc phục toàn bộ hậu quả.
"Người ta đang nhìn, cân đo đong đếm liệu toà có tuyên án tử hình không. Người ta biết nếu không khắc phục sẽ chết. Như vậy, rõ ràng án tử hình có hiệu quả. Vậy nếu bỏ án tử hình, liệu hiệu quả thu hồi tài sản có tăng không?", ông Sang đặt vấn đề.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề xuất giữ khung hình phạt tử hình với 2 tội danh gồm tham ô, tham nhũng; vận chuyển trái phép chất ma túy.
Đại biểu cho biết, từ trước đến nay chưa tử hình được ai phạm tội tham ô, tham nhũng. Vừa qua có những vụ án Viện Kiểm sát đề nghị tử hình với một số đối tượng trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Theo đại biểu, khi Viện Kiểm sát đề nghị tử hình, gia đình các bị cáo không đồng ý. Nhưng khi tòa tuyên tử hình, vài hôm sau gia đình lại mang tiền đến khắc phục hậu quả vụ án, giống như "chuộc tội tử hình".
"Tử hình với những tội này để phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh. Đặc biệt, với tội tham nhũng, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là phải trừng trị thích đáng những đối tượng này", đại biểu nói và đề nghị nghiên cứu lại khung hình phạt với những tội này.

Đại biểu tiếp tục dẫn chứng bà Trương Mỹ Lan gây thiệt hại, thất thoát ngân sách cả triệu tỷ đồng. Đây là con số lớn đến mức không thể hình dung được, nếu chỉ cần khắc phục được nửa số này là đã xây dựng được 50% tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Do đó, cần giữ nguyên hình phạt tử hình với tội danh này.
Về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu cho biết tội này với tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy như anh em song sinh, chỉ là sinh trước và sinh sau, bởi nếu không có vận chuyển trái phép ma túy thì làm gì có người sử dụng.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị nên duy trì khung hình phạt với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy.
Đại biểu cũng đồng tình với việc không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư, HIV giai đoạn cuối. Ngoài ra, ông Hòa đề nghị bổ sung thêm các bệnh suy thận giai đoạn cuối, bệnh gan nặng không có khả năng điều trị. "Bỏ tử hình cũng là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta", đại biểu nhấn mạnh.
Về tội sử dụng trái phép chất ma túy, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết việc không xử lý hình sự khiến người dân, cử tri rất phàn nàn. Nhiều đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy gây nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội.
"Nếu xem con nghiện là người bệnh rồi bỏ tiền ra trị bệnh trong các trại cải tạo nhưng khi ra trại tỷ lệ sửa chữa không được bao nhiêu. Do đó, để phòng ngừa răn đe thì phải phạt tù với tội sử dụng ma túy", đại biểu nêu quan điểm.
Ý kiến ()