Chuyển biến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
- Sau 5 năm thực hiện Chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi (NCT) theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 1579), công tác chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 100 nghìn NCT (tăng 6% so với năm 2021), chiếm 12,47% dân số. Sự gia tăng số lượng NCT không chỉ đặt ra yêu cầu cao hơn đối với hệ thống y tế, phúc lợi xã hội mà còn đòi hỏi các cấp, ngành phải tăng cường đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ đời sống, phát huy vai trò của NCT trong cộng đồng.
Trước thực tế này, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực nhằm triển khai hiệu quả Quyết định 1579. Công tác khám chữa bệnh cho NCT đã có nhiều chuyển biến tích cực, với sự đầu tư ngày càng bài bản về cơ sở vật chất, nhân lực và mô hình chăm sóc chuyên biệt. Đến nay, toàn tỉnh có 2 bệnh viện có khoa lão khoa và 2 khoa khám bệnh có bố trí buồng khám riêng hoặc khu vực ưu tiên tiếp đón, khám cho NCT. Số giường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT từ 99 giường năm 2021 tăng lên 88 giường (tính đến tháng 4/2025).
Bác sĩ Triệu Quang Phú, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh chia sẻ: NCT là đối tượng cần chăm sóc y tế đặc thù do thường mắc bệnh mạn tính, đa bệnh lý. Chúng tôi đã xây dựng quy trình khám ưu tiên, đào tạo đội ngũ nhân lực chuyên sâu và đẩy mạnh hoạt động tư vấn dinh dưỡng, tâm lý, phục hồi chức năng nhằm chăm sóc toàn diện cho NCT. Bệnh viện hiện đã có Khoa Lão khoa điều trị cho hơn 1.000 lượt bệnh nhân mỗi năm.
Không chỉ đầu tư hạ tầng, công tác khám chữa bệnh cho NCT đã được triển khai đồng bộ, có sự phối hợp giữa các bệnh viện, trung tâm y tế huyện và trạm y tế cấp xã. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong phòng bệnh, khám chữa bệnh và phục hồi chức năng cho NCT được quan tâm đẩy mạnh, trung bình có từ 16 đến 25 kỹ thuật chuyên môn được áp dụng hằng năm tại các cơ sở y tế toàn tỉnh.
Bà Hoàng Thị Lân, 72 tuổi, xã Thái Bình, huyện Đình Lập cho biết: Tôi bị cao huyết áp, viêm khớp gối. Hằng tháng đến khám sức khoẻ tại trạm y tế, tôi không chỉ được khám, cấp phát thuốc mà còn được tư vấn cách ăn uống, tập luyện hợp lý. Nhờ đó, huyết áp tôi ổn định, sức khỏe tốt hơn.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh đã triển khai hiệu quả các mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng dành cho NCT, tập trung vào hoạt động câu lạc bộ (CLB), tình nguyện viên và hỗ trợ chăm sóc tại nhà. Tính đến tháng 4/2025, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì 111 CLB chăm sóc sức khỏe NCT tại cấp xã. Các CLB hoạt động hiệu quả và có nội dung chăm sóc sức khỏe chuyên biệt dành cho NCT, với trên 3.800 NCT tham gia sinh hoạt định kỳ.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 48 CLB liên thế hệ tự giúp nhau với gần 2.500 thành viên. Các CLB này hoạt động lồng ghép nhiều nội dung thiết thực như chia sẻ kiến thức y tế, chăm sóc tinh thần, tổ chức văn nghệ, thể thao, hỗ trợ tài chính và kết nối cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường thân thiện với NCT.
Ông Nông Ngọc Tăng, Chủ tịch Hội NCT tỉnh khẳng định: Hiện nay NCT ngày càng được quan tâm chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Chúng tôi đã chỉ đạo các cấp hội tăng cường phối hợp chăm sóc sức khỏe cho NCT và trong 5 năm qua, các hội NCT cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với trạm y tế cấp xã khám sức khoẻ, tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho gần 200 nghìn lượt NCT; 100% NCT được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định.
Bằng các giải pháp cụ thể, thiết thực, công tác chăm sóc sức khỏe NCT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay toàn tỉnh có trên 84 nghìn NCT có thẻ bảo hiểm y tế (tăng hơn 10 nghìn người so với năm 2021); gần 60 nghìn NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe (tăng trên 20 nghìn người so với năm 2021); gần 70 nghìn lượt NCT được khám sức khỏe định kỳ (tăng hơn 20 nghìn lượt người so với năm 2021).
Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, công tác chăm sóc sức khỏe NCT tại Lạng Sơn đang từng bước được chuyên môn hóa, cộng đồng hóa và bền vững hóa, góp phần nâng cao chất lượng sống NCT trong bối cảnh già hóa dân số ngày càng rõ nét.

Ý kiến ()