Bổ sung giải pháp xử lý rác thải khu vực nông thôn
- Nghiên cứu dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 – 2030, bà Đặng Thị Múi, Phó Chủ tịch HĐND xã Mẫu Sơn, đại biểu HĐND tỉnh đã góp ý về một số nội dung. Trong đó, bà tập trung bổ sung thêm giải pháp xử lý rác thải tại khu vực nông thôn.

Theo bà Đặng Thị Múi, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được trình bày khoa học, hợp lý, tương đối ngắn gọn và dễ hiểu; dự thảo cũng đã tổng hợp, đánh giá sâu sắc những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, đồng thời đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đề ra định hướng chiến lược, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới. Nổi bật, dự thảo cũng đã đề cập nhiều điểm mới mang tính định hướng phát triển trong giai đoạn mới.
Để dự thảo báo cáo chính trị sâu sắc, toàn diện hơn, bà Đặng Thị Múi đã có một số góp ý, trong đó tập trung góp ý vào phần thứ hai “Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2025 – 2030”. Cụ thể, tại mục 3 tình hình trong tỉnh (tại trang 22) chưa đánh giá tình hình 5 năm tới khi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đề nghị bổ sung để làm rõ hơn thuận lợi và thách thức trong nhiệm kỳ tới.
Đặc biệt, theo bà Múi, hiện nay tỉ lệ rác thải sinh hoạt trong các khu dân cư, chất thải rắn từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là khu vực nông thôn miền núi hiện nay chưa được thu gom, phân loại, xử lý; có nơi được thu gom nhưng chưa phân loại và xử lý theo đúng quy định. Bên cạnh đó, chất thải khác như túi ni lông, chai lọ, vỏ bao đựng thuốc bảo vệ thực vật đang là vấn đề rất nan giải, vẫn còn tình trạng một số hộ dân tự gom và tiêu hủy bằng cách đốt, còn lại vứt ra cánh đồng, bờ mương, bờ ruộng làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, tại phần IV các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu lại chưa đề cập đến nội dung này. Theo bà Múi, tại mục 1.2 “Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu” (trang 28) nên bổ sung thêm một số giải pháp xử lý rác thải tại khu vực nông thôn.
Phân tích về vấn đề này, bà Múi cho rằng, ở khu vực nông thôn, nhất là những xã vùng sâu, vùng xa thì công tác thu gom rác thải có lúc chưa được quan tâm và còn nhiều khó khăn, bởi vậy lượng lớn rác thải xả ra khó phân hủy tiềm ẩn nguy cơ gây hại rất lớn cho môi trường và sức khỏe người dân.
Từ thực tế đó, để hạn chế những tác động của rác thải, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành… cần đưa ra những giải pháp đồng bộ như tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của chính người dân; quy hoạch điểm xử lý rác thải tại các khu vực hợp lý, có tính lâu dài; khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, tận dụng rác để tái chế…
Ý kiến ()