Để cán bộ an cư
- Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều cán bộ, công chức được chỉ định, điều động công tác xa nhà. Để cán bộ yên tâm công tác, các cấp, ngành liên quan đã quan tâm các điều kiện về nhà công vụ, cơ sở vật chất tại các xã mới.

Theo Nghị quyết số 1672 ngày 16/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Lạng Sơn, toàn tỉnh thực hiện sắp xếp 194 đơn vị hành chính cấp xã thành 65 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 4 phường và 61 xã. Các xã mới chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7.
Khắc phục khó khăn
Được chỉ định giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Châu Sơn (sáp nhập các xã: Châu Sơn, Bắc Lãng, Đồng Thắng, Cường Lợi và một phần xã Kiên Mộc), ông Nguyễn Hữu Trực, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đã nhanh chóng thích nghi với công việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ông Trực chia sẻ: Ngay sau sắp xếp, chúng tôi đã khẩn trương ổn định tổ chức bộ máy Đảng, chính quyền và các đoàn thể theo đúng quy định. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, trụ sở làm việc của xã phải bố trí tại 2 địa điểm nên không chỉ riêng tôi mà nhiều cán bộ xã phải đi làm xa nhà. Do chưa có nhà công vụ, nên xã đã chủ động bố trí một số phòng để các cán bộ đi làm xa nhà có chỗ nghỉ ngơi. Dù đối mặt với môi trường làm việc mới và những trở ngại về cơ sở vật chất, tôi vẫn giữ vững tinh thần sẵn sàng cống hiến, xung kích và quyết tâm cao độ để vượt qua mọi khó khăn, đảm bảo công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được thông suốt, hiệu quả. Đồng thời tiếp tục động viên các cán bộ giữ vững tâm thế, hướng tới xây dựng cơ sở hoạt động vững mạnh và chuyên nghiệp.
“Các nhu cầu lớn, tổng thể về xây dựng, cải tạo trụ sở, nhà công vụ và mua sắm trang thiết bị sẽ được UBND tỉnh tổng hợp, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự toán ngân sách năm 2026. Đối với các nhu cầu cấp bách như việc cải tạo, sửa chữa bước đầu bảo đảm điều kiện lưu trú cho cán bộ, công chức, trang thiết bị làm việc, UBND tỉnh sẽ xem xét, ưu tiên phân bổ kinh phí ngay trong quý III/2025. Tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với sở, ngành liên quan rà soát, đề xuất nhu cầu đầu tư nhà công vụ; tận dụng cơ sở vật chất hiện có để bố trí tạm thời nơi làm việc, lưu trú, bảo đảm điều kiện công tác ổn định cho cán bộ; chủ động bố trí ngân sách của xã thực hiện những nhiệm vụ cấp bách”. Đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh |
Tương tự, hiện nay nhiều cán bộ, công chức được chỉ định, điều động, luân chuyển đến công tác tại các địa phương, đặc biệt là những xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Bà Hoàng Thị Anh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thiện Long cho biết: Trải qua nhiều vị trí công tác tại UBND huyện Bình Gia, tháng 7/2025, tôi được chỉ định đến nhận công tác tại xã Thiện Long (sáp nhập từ 3 xã Thiện Long, Hòa Bình và Tân Hòa), trung tâm xã cách trung tâm tỉnh khoảng 100 km. Tôi đi làm cách trụ sở cơ quan mới hơn 60 km cả đi cả về. Còn trung bình các cán bộ xã phải đi lại từ 11 đến 15 km để đến trụ sở, nên chủ yếu là sáng đi tối về. Hiện tại, cơ quan chưa có nhà công vụ nên chúng tôi đang bố trí ở tạm tại điểm trường mầm non và tiểu học cũ, một số đồng chí thì thuê ở trọ tại nhà dân. Không những thế, do có nhiều điểm thường xuyên sạt lở đất khiến việc đi lại của các cán bộ xã gặp không ít khó khăn nên phải nghỉ tại cơ quan. Vì vậy, tôi cũng như một số đồng nghiệp khác đã chủ động sắp xếp lại công việc gia đình một cách phù hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ trong môi trường làm việc mới.
Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, toàn tỉnh đã bố trí hơn 4.300 cán bộ, công chức làm việc tại 65 xã mới, trong đó có 20 cán bộ là lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và cấp phòng thuộc các cơ quan tỉnh; 14 cán bộ từng được điều động, luân chuyển về công tác tại cấp huyện cũng tiếp tục được bố trí giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt tại các xã mới thành lập. Với những khó khăn trước mắt khi phải công tác xa nhà, chưa có nhà công vụ, các cán bộ, công chức đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Triển khai giải pháp cấp bách và lâu dài
Thấu hiểu những khó khăn của cán bộ khi công tác xa nhà, trước thời điểm 1/7/2025, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện (cũ) quan tâm, bổ sung kinh phí cho các xã (nơi đặt trung tâm hành chính xã mới) để thực hiện hoàn thiện bước đầu về cơ sở vật chất. UBND tỉnh đã thực hiện hỗ trợ ngay 500 triệu đồng/xã mới, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính để trình Chính phủ xem xét bổ sung kinh phí bảo đảm nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các xã mới theo quy định. Đến thời điểm hiện nay đã có 39/65 xã, phường đăng ký có nhu cầu xây mới hoặc cải tạo công trình hiện có để làm nhà công vụ, lưu trú cho cán bộ, công chức.

Đồng chí Đoàn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin: Trước thực trạng một số cán bộ, công chức phải công tác xa nhà, chưa có nhà công vụ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng lập phương án quy hoạch trung tâm hành chính xã, phường, điều chỉnh hoặc lập mới quy hoạch để phục vụ đầu tư giai đoạn 2026 – 2030; Sở Nông nghiệp và Môi trường rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để bảo đảm cập nhật, điều chỉnh theo đúng quy định. Các nhu cầu lớn, tổng thể về xây dựng, cải tạo trụ sở, nhà công vụ và mua sắm trang thiết bị sẽ được UBND tỉnh tổng hợp, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự toán ngân sách năm 2026. Đối với các nhu cầu cấp bách như việc cải tạo, sửa chữa bước đầu bảo đảm điều kiện lưu trú cho cán bộ, công chức, trang thiết bị làm việc, UBND tỉnh sẽ xem xét, ưu tiên phân bổ kinh phí ngay trong quý III/2025. Tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với sở, ngành liên quan rà soát, đề xuất nhu cầu đầu tư nhà công vụ; tận dụng cơ sở vật chất hiện có để bố trí tạm thời nơi làm việc, lưu trú, bảo đảm điều kiện công tác ổn định cho cán bộ; chủ động bố trí ngân sách của xã thực hiện những nhiệm vụ cấp bách.
Từ sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đã tích cực vào cuộc, tham mưu các giải pháp để giải quyết vấn đề nhà ở cho cán bộ, công chức công tác xa nhà. Ông Triệu Hoàng Trung, Trưởng Phòng Quản lý nhà thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng cho biết: Việc “an cư” cho các cán bộ sau sáp nhập là việc làm quan trọng để đảm bảo hiệu quả công việc và ổn định tình hình chung. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức ổn định điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính sau sắp xếp, ngay từ đầu tháng 7/2025, phòng đã tham mưu Sở Xây dựng ban hành văn bản số 2183/SXD-QLN về khảo sát nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tác tại UBND các xã, phường trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, nhu cầu về nhà ở xã hội của các xã, phường, sở sẽ nhanh chóng đưa ra các phương án để trình UBND tỉnh. Đến thời điểm hiện tại có trên 700 cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công vụ. Hiện nay, Sở Xây dựng đã dự thảo Quy định trường hợp người có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng cách xa địa điểm làm việc được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Việc quan tâm bố trí chỗ ở cho cán bộ sau sáp nhập xã không chỉ là giải pháp an sinh, mà còn là yếu tố then chốt để giữ vững bộ máy hành chính ở cơ sở. Khi được an cư, cán bộ, công chức sẽ yên tâm công tác, tạo động lực phát huy năng lực sở trường, cống hiến, gắn bó lâu dài với địa phương, qua đó góp phần tạo nền tảng vững chắc cho chính quyền cơ sở phát triển bền vững sau sáp nhập.
Ý kiến ()