Ý nghĩa vĩnh cửu của Chiến thắng phát xít năm 1945
Ngày 9-5, Nga và Belarus cùng các nước thuộc Liên Xô trước đây tổ chức kỷ niệm một ngày lễ lớn: 80 năm Ngày Chiến thắng trong Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9-5-1945 / 9-5-2025), một trong những cuộc chiến đẫm máu và tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Kết cục cuộc chiến này có ý nghĩa thời đại đối với nhiều quốc gia và dân tộc trên thế giới, làm thay đổi căn bản và hoàn toàn cục diện chính trị quốc tế và đặt nền móng cho trật tự thế giới đương đại.
Sự thật hiển nhiên là đất nước Liên Xô và người dân Xô viết gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của cuộc chiến này. Theo số liệu chính thức, tính đến mùa hè năm 1944, khoảng 75% tổng số sư đoàn của Đức Quốc xã tác chiến trên mặt trận Xô-Đức; hầu hết vũ khí, trang bị của Đế chế thứ ba và các đồng minh của chúng đều tập trung trên chiến tuyến này.
Chính "Mặt trận phía Đông" đã quyết định kết cục Chiến tranh thế giới thứ hai. Tại đây có 507 sư đoàn Đức Quốc xã và 100 sư đoàn đồng minh của Đức đã bị đánh bại. Trong các trận chiến, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt hơn 70.000 máy bay (chiếm 70% tổng số máy bay bị phá hủy), 50.000 xe tăng và vũ khí tấn công (chiếm 75%), 167.000 khẩu pháo (chiếm 74%), hơn 2.500 tàu chiến và tàu hỗ trợ các loại.

Liên Xô đã phải huy động lực lượng phi thường để giành được chiến thắng này nhưng cũng phải chịu thiệt hại rất lớn. Nhiều thành phố và làng mạc bị tàn phá, hơn 27 triệu công dân Xô viết đã thiệt mạng. Con số thiệt hại là quá lớn! Tuy nhiên, nhờ lòng dũng cảm, ý chí kiên cường của các binh sĩ, sĩ quan, quân du kích và lực lượng hoạt động bí mật, nhờ tinh thần làm việc đến quên mình của những người lao động ở hậu phương, chủ nghĩa phát xít đã bị chặn đứng và phải hứng chịu thất bại nặng nề.
Sau Chiến thắng phát xít tháng 5-1945, Liên Xô tiến hành chiến dịch chiến lược chống quân phiệt Nhật Bản, đánh bại đạo quân Quan Đông, tạo động lực mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc của các quốc gia phụ thuộc và thuộc địa ở châu Á. Liên Xô, nhà nước công-nông đầu tiên trên thế giới, đã trở thành biểu tượng của cuộc kháng chiến ngoan cường chống lại kẻ thù, là chỗ dựa vững chắc, tin cậy cho các dân tộc trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chính nghĩa giành tự do và độc lập, làm sụp đổ hệ thống thực dân, dẫn tới việc thành lập Liên hợp quốc và thiết lập các nguyên tắc độc lập, quyền tự quyết và bình đẳng trong quan hệ quốc tế.
Cùng thời gian này, tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam đã tiến hành thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đánh dấu sự xuất hiện trên bản đồ thế giới một nhà nước mới ở Đông Nam Á.
Cũng như Liên Xô, sau cuộc đấu tranh bền bỉ và phải gánh chịu những tổn thất to lớn, Việt Nam đã tự giải phóng mình khỏi ách áp bức của thực dân. Đối với nhiều dân tộc ở châu Á và châu Phi, Việt Nam đã trở thành một tấm gương anh dũng trong công cuộc kháng chiến chống lại quân xâm lược nước ngoài. Điều này lý giải vì sao ký ức về những thời kỳ chiến tranh gian khổ lại trở nên thiêng liêng đối với cả Nga và Việt Nam; qua đó cũng cho thấy không có gì quý hơn nền độc lập và chủ quyền của đất nước.
Đối với người dân Liên bang Nga và các nước thuộc Liên Xô trước đây, Ngày Chiến thắng 9-5-1945 sẽ mãi mãi là một ngày thiêng liêng. Dù bao nhiêu năm trôi qua, ngày này sẽ sống mãi trong ký ức của chúng tôi với nhiều nỗi đau mất mát. Ở Liên Xô trước đây, hầu như không một gia đình nào không gánh chịu mất mát bởi chiến tranh. Chúng tôi mãi biết ơn những người đã hy sinh để đem lại chiến thắng, đem lại niềm vinh quang cho đất nước. Chúng tôi không bao giờ quên những người đã anh dũng bảo vệ Pháo đài Brest, những người lính đã hy sinh trong các trận chiến ở ngoại ô Moscow và Stalingrad, trên vòng cung Kursk, những nạn nhân của cuộc vây hãm Leningrad, các nạn nhân trong vụ thảm sát ở làng Khatyn và Trostenets của Belarus. Họ sẽ tồn tại mãi mãi trong ký ức về lịch sử của chúng tôi.
Nhiều thập kỷ đã trôi qua, chúng tôi vinh danh những đóng góp của tất cả những người đã bảo vệ nền tự do và độc lập của Tổ quốc và mang lại hòa bình cho hành tinh này. Chúng tôi còn nhớ, vào mùa hè-thu năm 1941, trong trận Moscow, những chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu sát cánh cùng Hồng quân Liên Xô, 5 người trong số đó đã được Chính phủ Liên Xô truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng Nhất vì đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường; tên họ được đưa vào danh sách "Con đường ký ức" tại Công viên tưởng niệm các quân nhân mang tên “Người yêu nước” ở ngoại ô Moscow. Năm 2024, một đài tưởng niệm đã được xây lên tại khu vực này để vinh danh những chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh chiến đấu cùng Hồng quân Liên Xô.
Chúng tôi coi nghĩa vụ đạo đức của mình là trân trọng gìn giữ và truyền lại cho thế hệ trẻ ý nghĩa vĩnh cửu của chiến thắng, một chiến thắng chung của nhân loại. Liên bang Nga cùng một số quốc gia khác kiên quyết làm thất bại những mưu toan viết lại lịch sử, hạ thấp vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít. Chúng tôi trân trọng bày tỏ cảm ơn nhân dân Việt Nam đã luôn ủng hộ đường lối, nguyên tắc của chúng tôi trong vấn đề này.
Chúng tôi tin rằng hòa bình thế giới và sự phát triển toàn diện chỉ có thể được bảo đảm bằng cách tôn trọng ý kiến của mọi dân tộc, tôn trọng quyền của các quốc gia theo đuổi chính sách độc lập và có chủ quyền dựa trên các giá trị truyền thống. Yêu cầu này đặc biệt cấp thiết và có tính thời sự trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, khi thế giới đang phải đối mặt với những thách thức và mối đe dọa chưa từng có, khi quan hệ quốc tế đang trải qua quá trình tái cấu trúc triệt để, khi một trật tự thế giới mới đang được hình thành phản ánh sự đa dạng văn minh thực sự của nhân loại.
Trong bối cảnh này, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng Nga và Belarus luôn ủng hộ một trật tự thế giới đa cực, thúc đẩy trên thực tế nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia và bảo đảm cân bằng lợi ích. Đây là cách duy nhất để bảo đảm tính công bằng của hệ thống thường được gọi là hệ thống Yalta-Potsdam, với ý nghĩa pháp lý quốc tế là Hiến chương Liên hợp quốc phải được tôn trọng và thực thi một cách toàn diện và toàn vẹn.
Liên bang Nga đang kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, một dấu mốc lịch sử không bao giờ bị lãng quên. Mỗi ngày qua đi, chúng tôi càng hiểu sâu sắc hơn về giá trị có ý nghĩa quyết định của chiến thắng này cũng như những hậu quả bi thảm của chiến tranh. Ngày 9-5 là ngày lễ trọng đối với nhân dân các nước thuộc Liên Xô trước đây, đối với người dân ở các nước trong liên minh chiến đấu chống phát xít, đối với tất cả những người luôn tưởng nhớ và tôn vinh ký ức về những anh hùng đã chiến đấu để tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Khi những năm tháng chiến tranh khủng khiếp đó càng lùi xa thì trách nhiệm chung của chúng ta trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên hành tinh ngày càng lớn.
Sẽ không một ai bị lãng quên và không có gì bị lãng quên!

Ý kiến ()