Xuất khẩu Việt Nam thể hiện sức chống chịu và khả năng bứt phá
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều biến động khó lường, xuất khẩu Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu và khả năng bứt phá ấn tượng. 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đạt gần 220 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, đưa cán cân thương mại xuất siêu đạt 7,63 tỷ USD. Con số không chỉ ấn tượng mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong mục tiêu duy trì tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025.
Sức lan tỏa từ các ngành xuất khẩu chủ lực
Bối cảnh thị trường dệt may nửa đầu năm 2025 rất đặc thù, áp lực cạnh tranh gay gắt, căng thẳng thương mại giữa các cường quốc kinh tế tác động không nhỏ tới xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Đặc biệt, diễn biến chính sách thuế từ Mỹ gây áp lực rõ rệt lên đơn giá, đơn hàng tại hầu hết doanh nghiệp. Thế nhưng tăng trưởng và lợi nhuận của ngành dệt may Việt Nam trong thời gian này vẫn khá tốt.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) lý giải, vào đầu tháng 4, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, lập tức đã có khách hàng thông báo dừng đơn hàng; chỉ sau khi Mỹ hoãn thuế đối ứng 90 ngày (ngày 9-4), các đơn hàng mới tiếp tục trở lại. Tận dụng thời gian này, các doanh nghiệp trong Tập đoàn phải tìm mọi cách tăng tiến độ sản xuất, đáp ứng đơn hàng trong thời gian sớm nhất sau khi đạt được thỏa thuận tăng chi phí phân bổ hợp lý hơn, lấy số lượng đơn hàng bù cho đơn giá, từ đó tạo ra tính hiệu quả. Kết quả tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2025 của Vinatex vượt xa tăng trưởng về doanh thu, với lợi nhuận hợp nhất gần 556 tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch năm và tăng 97% so với cùng kỳ, góp phần đưa kim ngạch ngành dệt may đạt gần 22 tỷ USD, tăng 2,3 tỷ USD (tương ứng 10%) so với cùng kỳ năm 2024.

Không chỉ có dệt may, trong 6 tháng đầu năm đã có 28 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng KNXK và có tốc độ tăng trưởng mạnh. Cụ thể, KNXK một số mặt hàng gia công, lắp ráp tăng khá so với cùng kỳ năm trước, như: Điện tử máy tính và linh kiện tăng 40%; hàng dệt may tăng 12,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 15,4%... Mặt khác, nửa đầu năm đã xuất hiện nhóm hàng mới tăng trưởng đột phá. Một số mặt hàng mới ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như đồ chơi, dụng cụ thể thao và linh kiện liên quan đạt 3,3 tỷ USD, tăng 103%... Sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành hàng giúp đưa tổng KNXK ước đạt 219,8 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2024, vượt chỉ tiêu đề ra; cán cân thương mại xuất siêu đạt 7,63 tỷ USD, tạo dư địa quan trọng cho chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt và ổn định.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, xuất khẩu không chỉ là câu chuyện về con số mà còn là chỉ báo quan trọng phản ánh năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và mức độ hội nhập của nền kinh tế. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng hơn 14% là một con số ấn tượng, một thành công lớn của công tác điều hành kinh tế vĩ mô, cải cách thể chế và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; cùng với đó là sự thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt. “Các giải pháp thúc đẩy tín dụng, phát triển sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh minh bạch, thông thoáng cùng chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh đó, sự điều hành thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến bộ, ngành và địa phương tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp khai thác hiệu quả nguồn lực trong nước phục vụ sản xuất-xuất khẩu”, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh.
Cảnh báo sớm rủi ro, bảo đảm minh bạch chuỗi cung ứng
Với đà tăng trưởng hiện nay, mục tiêu đạt tổng KNXK cả năm khoảng 450 tỷ USD, tương đương mức tăng trưởng 12%, là hoàn toàn có cơ sở, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, sự thay đổi gần đây trong chính sách thương mại của Mỹ đang hé lộ triển vọng không đồng đều cho các ngành hàng cũng như nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và các đối tác. Một số ngành có thể duy trì khả năng chống chịu, trong khi các ngành khác sẽ chịu áp lực lớn hơn. Do đó, phản ứng chiến lược từ phía Chính phủ và sự thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp sẽ đóng vai trò then chốt để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường cho biết, mục tiêu quan trọng là giữ vững đơn hàng từ Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu; khai thác thêm thị trường mới; tránh mất thị phần do cạnh tranh giá rẻ. Tận dụng tối đa năng lực sản xuất hiện có, kiểm soát hiệu quả thông qua tối ưu hóa hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị, tăng năng suất; kiểm soát tốt chi phí, giảm tiêu hao. Cùng với đó, ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), nâng giá trị lao động, phát triển sản xuất xanh-thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; phát huy nội lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ chính sách thuế quan và rào cản thương mại của các quốc gia, đặc biệt là Mỹ. Những thách thức này đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, cách mạng hóa phương thức sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu mạnh để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế. Riêng với Mỹ-thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Cục Xúc tiến thương mại, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York phối hợp với các đơn vị đã và đang triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng, tập trung vào các hội chợ quốc tế, triển lãm chuyên ngành và những chương trình kết nối doanh nghiệp (B2B) tại các thành phố lớn của Mỹ.
Để giữ vững động lực và phát triển bền vững, về giải pháp đối với hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới, các ý kiến cũng cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cần ưu tiên tái cấu trúc chiến lược theo hướng chủ động, bền vững và thích ứng nhanh. Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) gợi ý, một trong những giải pháp quan trọng là cần bảo đảm minh bạch chuỗi cung ứng và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại phục vụ nhập khẩu có chọn lọc đối với nguyên liệu đầu vào, linh kiện, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm để xuất khẩu. Đồng thời hướng tới tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi giá trị của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn. Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu cảnh báo sớm các thị trường tiềm ẩn rủi ro.

Ý kiến ()