Xử lý vụ doanh nghiệp giữ bằng và tiền đặt cọc của người lao động
Sáng 19-3, tại buổi làm việc liên ngành thành phố về đề xuất biện pháp xử lý đối với Công ty cổ phần chứng khoán Woori CBV (viết tắt Công ty Woori) giữ bằng tốt nghiệp đại học và thu tiền đặt cọc của người lao động, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, ông Lê Toàn Khang cho biết: Đến cuối tháng 3, nếu công ty không trả văn bằng và tiền đặt cọc cho người lao động, Sở LĐTB & XH sẽ báo cáo với UBND Thành phố cưỡng chế hành chính.
Đồng thời, Sở sẽ có văn bản chuyển toàn bộ hồ sơ có liên quan sang Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phối hợp điều tra xử lý.
Trước đó, theo thông tin đơn khiếu nại của người lao động (NLĐ) về việc Công ty Cổ phần Chứng khoán Woori CBV (địa chỉ tại số 14 phố Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) giữ bằng đại học (bản chính) và tiền đặt cọc của người lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) Hà Nội đã thanh tra và có kết luận ngày 30-9-2011, yêu cầu công ty khắc phục 11 nội dung đã vi phạm và báo cáo kết quả thực hiện về Sở LĐ, TB&XH Hà Nội trước ngày 31-10-2011.
Đến nay có 13 NLĐ của công ty đã nghỉ việc nhưng công ty Woori vẫn giữ bằng đại học và tiền đặt cọc của 11 người, giữ bằng đại học của một người và giữ tiền đặt cọc của một người. Việc công ty không thực hiện kết luận thanh tra, không trả bản chính văn bằng đại học và tiền đặt cọc đối với nhiều người lao động, đặc biệt là đối với hơn 10 lao động đã nghỉ việc, gây thiệt hại cho người lao động, đồng thời gây bất bình trong dư luận.
Anh Nguyễn Đức Tùng, nhân viên từng làm việc tại công ty Woori cho biết, anh vào làm tại công ty từ ngày 13-2-2007, trong thời gian làm việc, anh phải nộp bằng đại học (bản chính) và tiền đặt cọc hai tháng lương chính thức (16 triệu đồng) được khấu trừ vào lương và thưởng từ tháng 6-2008 đến tháng 2-2009. Ngày 1-6-2010, anh Tùng đã làm đơn xin nghỉ việc cho ông Vũ Đức Nghĩa là Tổng Giám đốc Công ty Woori, nhưng trong suốt một tháng, Công ty không đưa người nhận bàn giao công việc. Đến ngày 1-7-2010, hợp đồng lao động của anh Tùng với Công ty hết hiệu lực, nhưng công ty vẫn không đưa người nhận bàn giao công việc hay ký tiếp hợp đồng lao động với anh Tùng. Đến 15-8-2010, tức là sau 45 ngày hợp đồng lao động hết hiệu lực, công ty vẫn không ký tiếp hợp đồng lao động và cũng không có người nhận bàn giao công việc, anh Tùng đã quyết định nghỉ việc.
Như vậy, Công ty Woori đã vi phạm Điều 43 của Luật lao động. Từ khi nghỉ việc đến nay, anh Tùng đã nhiều lần gọi điện, gửi công văn yêu cầu đến công ty nhưng vẫn không được giải quyết các yêu cầu. Hiện nay, công ty vẫn giữ bằng Đại học Tài chính kế toán gốc, các chứng chỉ về chứng khoán và tiền đặt cọc 17.280.000 đồng (gồm 16 triệu đồng tiền gốc và 1.280.000 đồng tiền lãi không kỳ hạn từ số tiền đặt cọc) và chưa chốt sổ Bảo hiểm xã hội cho anh Tùng. Việc Công ty Woori không trả lại bằng đại học và các chứng chỉ về chứng khoán của đã gây khó khăn cho anh Tùng trong việc tìm việc làm mới. Anh Tùng cho biết, hiện anh đang phải làm công việc không đúng với năng lực và chuyên môn được đào tạo, thu nhập thấp.
Chị Nguyễn Thị Hương, nhân viên từng làm việc cho Woori cũng cho biết: Chị vào làm tại Công ty Woori từ ngày 1-4-2010 vị trí kế toán tổng hợp, nhưng đến ngày 27-5-2011, công ty đã bất ngờ cho chị nghỉ việc. Mà theo chị, lý do là chị không đồng ý ký ủy quyền chịu trách nhiệm số dư tất cả các tài khoản kế toán về tài khoản ngân hàng trước pháp luật và trước Công ty Woori (trong khi bản thân chị không có chức trách để làm việc này). Sau khi bàn giao xong công việc, chị đã yêu cầu công ty trả lại bằng Đại học kế toán (của Học viện Tài chính cấp) và 16 triệu tiền đặt cọc lúc đầu nhưng công ty liên tục khất lần từ hồi đó đến giờ.
Tại buổi làm việc sáng 19-3-2012, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Toàn Khang cho biết: Mặc dù đã có kết luận của Sở LĐTB & XH Hà Nội về những vi phạm của công ty trong việc giữ bằng gốc và tiền đặt cọc của NLĐ từ cuối tháng 9-2011, cũng như Quyết định xử lý vi phạm hành chính về lao động và bảo hiểm xã hội của Công ty Woori với số tiền phạt là 41,2 triệu đồng. Nhưng trong gần nửa năm qua Công ty Woori vẫn phớt lờ không trả văn bằng gốc cũng như tiền đặt cọc cho NLĐ, và cũng không thực hiện việc nộp phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Nhiều lần, Sở LĐ,TB &XH Hà Nội tổ chức họp bàn về các giải pháp giải quyết, trong đó đã gửi giấy mời tới công ty Woori nhưng phía công ty không tham dự và tỏ thái độ bất hợp tác khi đoàn thanh tra của Sở đến làm việc.
Phó Chánh thanh tra Bộ LĐ, TB&XH Lê Hữu Long cho rằng, việc Công ty Woori giữ văn bằng (bản chính) của NLĐ là trái quy định của pháp luật. Việc công ty thu tiền đặt cọc của NLĐ để ràng buộc quan hệ lao động cũng là trái quy định của pháp luật. Trong trường hợp việc đặt cọc của NLĐ với người sử dụng lao động liên quan đến trách nhiệm dân sự, tài chính phải được thể hiện bằng một hợp đồng dân sự, nếu có phát sinh tranh chấp đề nghị các bên có đơn ra Tòa để được xem xét giải quyết. Để giải quyết dứt điểm vụ việc của Công ty Woori, đề nghị Sở LĐTB & XH Hà Nội căn cứ vào Nghị định 37/2005/NĐ-CP ngày 18-3-2005 của Chính phủ báo cáo với UBND Thành phố tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Ông Đặng Đình Thuần, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cũng nhất trí với đại diện Thanh tra Bộ LĐ, TB&XH, đề nghị Sở LĐ, TB&XH Hà Nội có văn bản báo cáo UBND TP có biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc đối với Công ty Woori. Đồng thời cho rằng, trong trường hợp cần thiết người lao động có thể gửi đơn lên Tòa án để được xem xét giải quyết vụ việc.

Ý kiến ()