Thứ 7, 26/04/2025 02:24 [(GMT +7)]
Xây dựng và quy hoạch đội ngũ nhà giáo - ghi nhận ở Lộc Bình
Thứ 4, 07/11/2012 | 09:27:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD), chất lượng đội ngũ nhà giáo của huyện Lộc Bình đã có những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Giờ lên lớp của cô giáo Ngô Thị Thuý, giáo viên giỏi cấp huyện,
Trường Tiểu học Minh Khai, thị trấn huyện Lộc Bình
Tính đến nay, toàn ngành GD&ĐT huyện Lộc Bình có 1.838 cán bộ giáo viên và nhân viên đang công tác và giảng dạy tại 82 trường từ cấp học mầm non đến THCS. Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD, các chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và huyện ủy Lộc Bình, ngay từ năm 2006, ngành đã có những giải pháp vừa mang tính tình thế vừa khá “căn cơ” để xây dựng đội ngũ. Trước hết ngành tiến hành rà soát, đánh giá phân loại chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, những CBGV nào còn trẻ và có sức khỏe, đạo đức tốt thì đưa đi đào tạo bồi dưỡng để đạt chuẩn trình độ của cấp học. Đối với những CBGV sức khỏe yếu, trình độ chưa đạt chuẩn thì một mặt giải quyết nghỉ theo chế độ, một mặt chuyển sang làm công tác khác. Thực hiện chủ đề năm học là tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, ngành coi việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên và bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá là một khâu quan trọng. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, các thầy cô giáo luôn cố gắng dành thời gian vừa giảng dạy vừa theo học các lớp bồi dưỡng đạt chuẩn hoặc “nâng chuẩn” về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Các nhà trường đã động viên đội ngũ giáo viên cố gắng dạy thêm tiết để tạo điều kiện cho đồng nghiệp theo học. Hiện nay, toàn ngành đã có 255 giáo viên đang tham gia các lớp đào tạo đại học, cao đẳng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Cô giáo Dương Thị Viết, Hiệu trưởng Trường THCS xã Hữu Lân cho biết, năm học 2011-2012, nhà trường đã có 2 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, đó là niềm tự hào lớn; đó cũng là kết quả của phong trào tự học, tự bồi dưỡng của các thầy cô. Năm nay, nhà trường tiếp tục thu xếp để tạo điều kiện cho 3 thầy cô đi học đại học và tiếp tục cử 6 giáo viên tham gia thi giáo viên giỏi cấp huyện với hy vọng sẽ có giáo viên giỏi dự thi cấp tỉnh vào cuối tháng 11 này. Với sự nỗ lực không ngừng trong nhiều năm, đến nay, trình độ chuẩn của đội ngũ CBQL của ngành GD Lộc Bình đã đạt 100%, trong đó tỷ lệ trên chuẩn đã đạt 78,7% (cao hơn mặt bằng chung của tỉnh là 11,68%). Đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy có 1392 người, thì đã có 1327 người đạt chuẩn trở lên, chiếm tỷ lệ 95,3%, trong đó có 37,9% trên chuẩn. Song song với công tác đào tạo, bồi dưỡng, ngành xây dựng kế hoạch triển khai đánh giá xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trong năm học 2011-2012 đã có 100% CBGV được tham gia thi kiểm tra nhận thức. Kết quả, cấp học mầm non có 94% được xếp loại trung bình trở lên, trong đó có 25,86% xếp loại xuất sắc; cấp tiểu học có 99,4% đạt trung bình trở lên, trong đó có 33,7% xếp loại xuất sắc và cấp THCS có 99,8% xếp loại trung bình trở lên, trong đó có 33% xếp loại xuất sắc. Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, qua đánh giá đã có 100% xếp loại trung bình trở lên, trong đó có 10,1% xếp loại xuất sắc. Nói về vấn đề này, cô Vi Thị Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai (thị trấn Lộc Bình) cho rằng, chỉ có đẩy mạnh các phong trào tự học, tự bồi dưỡng với ý thức tự học, tự vươn lên, Trường Tiểu học Minh Khai mới có tỷ lệ 85,7% trên chuẩn và 100% giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp trường.
Là một huyện đông dân và có đến 82 đơn vị trường thuộc phòng GD quản lý, do sự phát triển của các cấp học nên việc thừa và thiếu giáo viên vẫn diễn ra. Năm học này, đội ngũ giáo viên cấp THCS đang trong tình trạng “vừa thừa vừa thiếu”, đội ngũ giáo viên mầm non thiếu nghiêm trọng. Bà Nguyễn Thúy Khanh, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện nói rằng, các nhà trường đang mở rộng dạy bán trú, hai buổi/ ngày, nên việc cử CBGV đi học nâng cao trình độ lý luận chính trị và quản lý nhà nước còn hạn chế. Vì vậy, công tác quy hoạch, đào tạo CBGV vẫn chỉ giải quyết được những vấn đề trước mắt mà thiếu tính chiến lược.

Poll
Ý kiến ()