Xây dựng thế hệ làm báo vừa hồng vừa chuyên
LSO-Có lẽ chưa bao giờ, kinh tế thị trường lại tác động vào báo chí, người làm báo nhanh và mạnh như hiện nay. Trong tác động ấy có cả thực, hư, xấu tốt lẫn lộn. Điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo phải tạo được sức đề kháng để đẩy lùi cái xấu, cổ súy và nhân lên cái tốt. Như vậy nhà báo, người làm báo phải là những người vừa hồng, vừa chuyên.
![]() |
Bồi dưỡng chuyên môn tại Phòng Phóng viên kinh tế Báo Lạng Sơn – Ảnh: CÔNG QUÂN |
Trong vốn từ Hán- Việt, hồng và chuyên cộng lại thì mang nghĩa là viên gạch tốt. Ý nghĩa ở đây là viên gạch vừa sử dụng vừa có giá trị. Cách chơi chữ ấy đã được nhiều bậc tiền nhân nhắc đến với ngụ ý cái gì toàn diện phải cộng cả hai mặt lại. Với một con người, một nhân cách cũng vậy, vừa có tài nhưng lại vừa phải có đức. Hiện nay, khi thông tin trở thành một nhu cầu tất yếu của xã hội thì nhà báo, người làm báo phải thực sự có tài, có đức mới có thể dẫn dắt, hướng dẫn dư luận. Tài, đức là hai mặt không thể tách rời trong phạm trù nhà báo.
Trước hết nói về đạo đức nhà báo. Để xây dựng đạo đức nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam đã có chín điều quy định đạo đức nghề nghiệp. Theo cách hiểu thông thường, nhiều người cho rằng đạo đức của một con người là thái độ, hành vi ứng xử. Cụ thể hơn là ngoan ngoãn, biết vâng lời, kính trên nhường dưới… Nhưng người ta quên đi rằng còn một vế đạo đức nữa là đạo đức công vụ. Vấn đề này đòi hỏi con người đấy cần phải làm tốt, hiểu biết việc, biết sáng tạo và vì chính nghề nghiệp mình đã chọn. Với đạo đức nhà báo cần phải có cả hai thứ ấy. Vì vậy đào tạo, bồi đắp đạo đức cho thế hệ tương lai không có gì khác hơn là đạo đức truyền thống và đạo đức công vụ.
Đối với đạo đức truyền thống, đấy là cả quá trình ngay trên ghế nhà trường, gia đình và xã hội. Cùng với xã hội phát triển, đạo đức truyền thống cũng thay đổi theo để phù hợp với tồn tại xã hội. Hiện nay, sự thay đổi ấy diễn ra quá nhanh và mạnh tác động đến mỗi người làm báo. Khi cái nền tảng không bền vững sẽ dễ dẫn đến làm lung lay các giá trị đạo đức khác. Ngược lại, khi phần ngọn không chắc chắn cũng sẽ tác động ngược làm lung lay giá trị đạo đức truyền thống. Và như vậy, chắc chắn sẽ không thể tạo ra những người làm báo trung thực, trung thành vì sự nghiệp chung. Trước đây, tuyển sinh báo chí, lựa chọn vào các cơ quan làm báo có một phần thi bắt buộc đó là “năng khiếu báo chí”. Không hiểu sao lúc cần điều đó nhất thì việc này lại bị xem nhẹ.
Với đạo đức công vụ, nó gắn liền với chuyên môn người làm báo, nó thống nhất nhưng không đồng nhất với chuyên môn. Khi sáng tạo tác phẩm, nếu đạo đức công vụ tốt thì người làm báo sẽ biết lựa chọn cái gì, loại bỏ cái gì, tự do báo chí thể hiện thế nào để mục đích cuối cùng là mang đến cho người đọc, người nghe, người xem những thông tin trung thực, có định hướng phục vụ đúng tôn chỉ. Đạo đức công vụ thể hiện thái độ, tư tưởng của người làm báo. Ví như cùng đưa tin về một sự kiện, nếu chỉ thuần túy về mặt chuyên môn người làm báo sẽ dễ dẫn đến những thông tin chỉ là truyền tin. Còn nếu thông tin ấy được xây dựng trên nền đạo đức công vụ chắc chắn nó sẽ thuyết phục mang tính nhân văn, nhân đạo vì người đọc, người nghe, người xem. Xây dựng, đào tạo, đào tạo lại đội ngũ những người làm báo không chỉ và không thể xây dựng những người chỉ biết “gọi dạ bảo vâng” mà không biết phát huy đạo đức công vụ để phục vụ Tổ quốc, Đảng và Nhân dân. Ngược lại, đạo đức công vụ cũng không tách rời đạo đức truyền thống bởi khi có đạo đức truyền thống người làm báo mới có thể hoạt động nghề nghiệp một cách dễ dàng.
Đào tạo người làm báo, đức và tài không thể tách rời. Cái tài ở đây được coi là tổng hợp trong phạm vi nghề nghiệp mà người làm báo thông hiểu, là khả năng sáng tạo sản phẩm báo chí. Đây lại là vấn đề thống nhất nhưng không đồng nhất với đạo đức công vụ. Có nhà báo sáng tạo tốt nhưng tác phẩm được xây dựng trên nền động cơ không trong sáng, vụ lợi thậm chí đi ngược lại với tôn chỉ mục đích thì tác hại của nó sẽ được nhân lên. Thực tế đã chứng minh có rất nhiều tác phẩm viết rất hay nhưng thực tế đấy là những thông tin chưa được kiểm chứng. Nhiều nhà báo đã vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức trong sáng tạo sản phẩm báo chí chỉ vì những lý do rất đơn giản.
Xây dựng thế hệ làm báo phải thể hiện rõ quan điểm vừa hồng, vừa chuyên. Phải có cả đạo đức truyền thống và đạo đức công vụ. Phải có cả tài nhưng phải có cả đức. Tất cả các yếu tố ấy được nhào nặn thật nhuyễn trong mỗi người làm báo để mỗi trang viết luôn ẩn chứa đủ tài đủ tầm và đủ đức. Có như vậy, tác sản phẩm báo chí mới sống trong lòng công chúng.
ĐÔNG BẮC

Ý kiến ()