Xây dựng chuỗi sản xuất bền vững: Yếu tố căn cơ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu
Áp lực về mặt thị trường sẽ rất khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực để tìm ra những thị trường mới, tìm ra những giải pháp mới để đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm trong 6 tháng cuối năm.

Mặc dù kinh tế thế giới diễn biến khó lường, căng thẳng thương mại gia tăng tại nhiều quốc gia và khu vực, song sau nửa chặng đường đầu tiên của năm 2025, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng 2 con số và cán cân thương mại duy trì xuất siêu.
Để làm rõ hơn về hoạt động thương mại của Việt Nam trong năm 2025, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có một số trao đổi với phóng viên về nội dung trên.
Tăng trưởng đồng đều ở các nhóm hàng
- Kim ngạch xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu nói riêng trong 6 tháng đầu năm chúng ta đã đạt được cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng cả năm là 12%. Xin ông cho biết cụ thể về hoạt động xuất nhập khẩu cũng như những đóng góp nổi bật của các ngành hàng, các lĩnh vực và hoạt động xuất nhập khẩu nửa đầu năm nay?
Ông Trần Thanh Hải: Trong 6 tháng đầu năm 2025 kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 426-430 tỷ USD, tương ứng tăng khoảng 15,5-15,8% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 215-217 tỷ USD, tăng khoảng 13,8-14%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt khoảng 211 - 213 tỷ USD, tăng khoảng 17-17,2%.
Cán cân thương mại xuất siêu ước đạt từ 3,4-4 tỷ USD. Như vậy, so với kịch bản tăng trưởng xuất khẩu theo Nghị quyết 25 của Chính phủ ngày 5/2/2025 thì chúng ta cũng đã cơ bản đạt và vượt mức đề ra.
Theo đánh giá, các mặt hàng xuất khẩu đã đạt được tăng trưởng khá là tốt và đồng đều cả về các mặt hàng công nghiệp (như hàng điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ, hóa chất…) cho đến các mặt hàng nông sản (riêng nhóm nông sản có sự sụt giảm nhẹ của nhóm hàng rau quả, nhưng ngược lại có sự tăng trưởng rất mạnh ở nhóm hàng càphê), do vậy về tổng thể chỉ tiêu cũng như tình hình xuất khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm cũng đạt được những con số rất khả quan.
- Nhìn lại nửa đầu năm 2025 cũng có khá nhiều những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động xuất nhập khẩu, cụ thể là từ quý 2 cũng như trong thời gian tới chúng ta nhìn thấy những biến động của tình hình thế giới cũng khá phức tạp. Vậy xin ông cho biết thực tế này cũng như những áp lực, thách thức nổi lên trong hoạt động xuất nhập khẩu sẽ như thế nào?
Ông Trần Thanh Hải: Có thể nói thách thức lớn nhất tại thời điểm này, đó là việc Hoa Kỳ tuyên bố áp thuế đối ứng đối với một số các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mức thuế hiện nay mà Hoa Kỳ đặt ra đối với Việt Nam là 46% và một điều đặc biệt ở đây là mức thuế này là áp dụng với tất cả các mặt hàng chứ không phải chỉ với một hoặc một vài mặt hàng hay nhóm hàng cụ thể nào. Điều đó sẽ đặt ra một thách thức hết sức lớn cho tất cả các nhóm hàng của Việt Nam, kể cả nhóm hàng công nghiệp cũng như hàng nông sản.

Trong bối cảnh đó, tình hình địa chính trị trên thế giới cũng có những diễn biến phức tạp, và đặc biệt là xung đột Trung Đông hiện nay có dấu hiệu leo thang hơn trước đây đã gây ra những ảnh hưởng về mặt chi phí cho hoạt động vận chuyển, logistics cũng như một số các mặt hàng có thể bị tác động, đặc biệt là những mặt hàng liên quan đến sản phẩm dầu mỏ, nguồn cung có thể cũng sẽ bị ảnh hưởng gián đoạn hoặc là giá dầu có thể tăng cao…, đây sẽ là thách thức rất lớn trong nửa cuối của năm 2025.
Mặc dù chúng ta vẫn có thể duy trì được năng lực sản xuất, nhưng áp lực về mặt thị trường sẽ rất khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực vận động để có thể tìm ra những thị trường mới, tìm ra những giải pháp mới để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong 6 tháng cuối năm.
Duy trì được quan hệ thương mại lành mạnh và bền vững
- Vậy theo ông đâu là những giải pháp quan trọng để chúng ta có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12% (tương ứng với đạt khoảng 450 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của cả năm nay?
Ông Trần Thanh Hải: Mục tiêu trước mắt hiện nay là chúng ta nỗ lực đàm phán để có thể đạt được một mức thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ở mức có thể chấp nhận được. Hiện nay thì Đoàn đàm phán cũng đang rất nỗ lực tiến hành các công việc và chúng ta cũng hy vọng sẽ đem lại kết quả khả quan.
Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường sẽ luôn luôn là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, chúng ta cũng đã sẵn sàng tìm kiếm cũng như chuẩn bị để có thể tiến hành đàm phán các hiệp định thương mại tự do với số khu vực. Đơn cử khu vực Nam Á, Trung Đông, châu Phi, Mỹ La Tinh…, đây đều là những địa bàn có lượng dân số khá đông cũng như có nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh.
Tiếp theo, chúng ta cũng cần phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và thông qua hoạt động như Hội nghị giao ban với các Cơ quan Thương vụ hàng tháng, các hoạt động hội chợ, triển lãm, giao thương… mà Bộ Công Thương đã hỗ trợ cũng như định hướng cho các doanh nghiệp, Hiệp hội và địa phương triển khai, theo tôi đây là kênh để có thể mở rộng thị trường.

Ngoài ra là việc đẩy mạnh tuyên truyền để tận dụng tốt nhất lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại, thể hiện qua việc chúng ta có được các chứng nhận xuất xứ phù hợp để xuất khẩu sang các thị trường.
Bên cạnh việc tận dụng được các ưu đãi từ các FTA, cũng phải chuẩn bị một nền tảng sản xuất bền vững, minh bạch. Đây là những yếu tố hết sức quan trọng trong bối cảnh thương mại hiện nay, để chứng minh hàng hóa của Việt Nam không phải chuyển tải bất hợp pháp hoặc gian lận xuất xứ. Có như vậy mới duy trì được quan hệ thương mại vừa lành mạnh và bền vững.
Ngoài ra, các yếu tố khác như việc tăng cường công tác thông tin, đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội… phía Bộ Công Thương vẫn luôn luôn chú trọng trong thời gian vừa qua, như vậy cần có sự vào cuộc hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các hiệp hội doanh nghiệp để có thể tận dụng được tốt hơn.
- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Ý kiến ()