Vườn tượng bên sông Hàn
Thầy và trò Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng thực hành tại vườn tượng sông Hàn. Đà Nẵng được biết đến không chỉ là thành phố động lực của miền trung - Tây Nguyên mà còn là điểm kết nối giữa di sản cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế) và Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam). Vì thế, việc hình thành, xây dựng những vườn tượng bên bờ sông Hàn là một sáng tạo có tính thẩm mỹ cao, tạo được nét đẹp riêng cho thành phố bên sông Hàn thơ mộng. Trong tương lai không xa, đây sẽ là điểm tham quan, thu hút du khách mỗi khi tới Đà Nẵng, vừa để tìm hiểu sự phát triển về kinh tế, vừa được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.Làm nên sự quyến rũ cho thành phố"Khi xây dựng vườn tượng, dù các tác phẩm được chọn đặt ở đây có thể chưa thật sự xuất sắc, chưa thật sự ưng ý, nhưng tôi cho rằng, đó là một thành công. Nghệ thuật là vô cùng. Muốn tinh xảo, muốn độc nhất thì phải có thời gian. Việc hình thành các vườn tượng ở hai...
![]() |
Làm nên sự quyến rũ cho thành phố
“Khi xây dựng vườn tượng, dù các tác phẩm được chọn đặt ở đây có thể chưa thật sự xuất sắc, chưa thật sự ưng ý, nhưng tôi cho rằng, đó là một thành công. Nghệ thuật là vô cùng. Muốn tinh xảo, muốn độc nhất thì phải có thời gian. Việc hình thành các vườn tượng ở hai bên bờ sông Hàn Đà Nẵng, hay dọc đường Trường Sa, Hoàng Sa ven biển là điều cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần có một quy hoạch chỉnh thể, rõ ràng. Nhất là cần sự đồng tâm từ chính quyền và các nhà điêu khắc” – đó là tâm sự chân tình, cởi mở của nhà điêu khắc (NĐK) Phạm Hồng, nguyên là Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra ý tưởng mở các trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại Việt Nam từ năm 1984. Với niềm đam mê điêu khắc, ông bỏ ra không ít thời gian, công sức để đưa ý tưởng đó thành hiện thực. Một khu quy hoạch văn hóa tạo hình ở khu di tích danh thắng lịch sử Non Nước cùng các vườn tượng trong các không gian đô thị Đà Nẵng đã hình thành với mong muốn kêu gọi được nhiều NĐK tên tuổi trong nước và ngoài nước cùng chung tay xây dựng. Từ giai đoạn 2002 – 2006, ông đã cùng NĐK Oi-vin Xto-bếch-ken (người Na Uy) thực hiện dự án điêu khắc đá quốc tế tại Đà Nẵng với mong muốn xây dựng một xưởng điêu khắc đá tại làng đá Non Nước để giúp những người thợ làng đá ở đây cách khai thác đá, cách chép tượng, phóng tượng. Qua đó, đào tạo những người thợ trẻ biết áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào việc sáng tác và thể hiện tác phẩm. Và một trại điêu khắc đã được tổ chức trong dự án này, rồi Đà Nẵng đã có một vườn tượng đầu tiên bên bờ tây sông Hàn với 12 tác phẩm tiêu biểu của các NĐK trong nước và quốc tế. Trong đó, có bốn tác phẩm của các NĐK nước ngoài, tám tác phẩm của các NĐK trong nước. Đó là những tác phẩm như Khát vọng mùa xuân của NĐK Phạm Hồng, Ba cô gái của Oi-vin Xto-bếch-ken, Phan Châu Trinh của NĐK Phạm Văn Hạng, Thiếu nữ với cây tì bà của NĐK Lê Công Thành. Ngoài ra, còn có các tác phẩm của NĐK Nguyễn Hiền cùng tác phẩm của nghệ nhân điêu khắc Nguyễn Long Bửu ở làng đá Non Nước.
Nhiều năm qua, người dân Đà Nẵng đã quen với những tác phẩm điêu khắc đá đặt bên bờ đông sông Hàn – những tác phẩm nghệ thuật đã góp phần làm nên vẻ đẹp và sức quyến rũ cho thành phố nơi đầu biển, cuối sông này. Theo NĐK Phạm Hồng, để tạo được dấu ấn cho một vườn tượng, ngoài sự say mê và khả năng sáng tạo của nghệ sĩ, cần có sự hỗ trợ từ phía chính quyền. Một tác phẩm để đời được trưng bày tại công viên phải mang tính nhân văn, đẹp, hài hòa, để toàn bộ vườn tượng là một tổng thể thống nhất, nêu bật được ý nghĩa, khát vọng vươn lên và tạo được ấn tượng tốt nhất đối với mọi người. Ông kể: Ba cô gái là tác phẩm khởi nguồn từ hình dáng người phụ nữ Việt Nam, anh hùng và nhân hậu. Còn tác phẩm Khát vọng mùa xuân, tôi đã thể hiện được những khát vọng hướng tới cuộc sống ấm no, hòa bình vĩnh cửu. Tác phẩm được tạc từ khối đá tảng lớn mầu trắng hình quả cầu với nhiều bức phù điêu điểm xuyết gợi lên những ý tưởng, thể hiện niềm tự hào dân tộc, cuộc sống ấm no của con cháu Lạc Hồng, qua đó thể hiện sự nối kết nhân loại trong một thế giới hòa bình, no ấm.
Có dịp trò chuyện với NĐK Phạm Văn Hạng tại vườn tượng sông Hàn trong những ngày tháng tám lịch sử, tôi hiểu thêm về tâm huyết của người nghệ sĩ trong lao động nghệ thuật và sự kỳ công cho tác phẩm của mình. Lặng ngắm lại tác phẩm Phan Châu Trinh, NĐK Phạm Văn Hạng không nén nổi xúc động: “Đối với những người theo đuổi giấc mơ điêu khắc, mỗi tác phẩm ra đời là một lần khắc cốt ghi tâm một hành trình miệt mài sáng tạo. Tôi hy vọng tất cả tác phẩm đặt ở đây sẽ được người dân đón nhận, trân trọng, giữ gìn”. Khi xem tác phẩm Phan Châu Trinh của NĐK Phạm Văn Hạng, nhiều người rất ngạc nhiên và tò mò vì hai tảng đá lớn dùng để làm đầu tượng lại được bố trí không trùng khít. Có người giải thích đó là cách sắp đặt tác phẩm để tăng thêm dấu ấn của NĐK Phạm Văn Hạng. Nhưng không hẳn thế. Hỏi ông vì sao tượng Phan Châu Trinh không khớp, ông cười: “Đó là chủ ý của tôi, vì Phan Châu Trinh là người một đời vì nước, vì dân mà phải suy nghĩ cho thấu đáo mọi nhẽ. Ý tưởng đó nằm trong chuỗi khát vọng hướng tới ấm no, hạnh phúc của nhà cách mạng Phan Châu Trinh. Tôi kín đáo khắc lại ở đó lời của cụ Huỳnh Thúc Kháng dành cho Phan Châu Trinh: Phan Châu Trinh là nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Phía bên kia là bốn câu thơ bất hủ của Phan Châu Trinh: Gặp việc nghĩa trăm thân không tiếc – Làm việc gì chỉ quyết cho nên – Lòng son dạ đá giữ bền – Chẳng nề ai ghét, chẳng phiền ai thương”. Tượng Phan Châu Trinh được thực hiện sau thời gian 25 năm suy nghĩ và tìm tòi. Đó là ước nguyện của NĐK Phạm Văn Hạng, cũng là niềm mong mỏi làm một điều gì đó dâng tặng quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng, nơi đã sinh ra ông, đã cho ông những khát khao nghệ thuật. Ngoài tình cảm đối với quê hương, ông còn muốn gửi gắm ở đó chân dung một chí sĩ mang lòng yêu nước đến cháy bỏng. Và cũng là cách để đưa lịch sử dân tộc gần hơn với đời sống con người, nhất là thế hệ trẻ hôm nay. Mặc dù rất tâm huyết khi thực hiện tác phẩm này, nhưng ông vẫn cho rằng, đây là tác phẩm “chưa hoàn chỉnh” vì thời gian thực hiện tác phẩm chỉ vẻn vẹn trong vòng ba tháng.
Cần tạo dấu ấn riêng
Ước muốn xây dựng một vườn tượng mang đặc trưng của Đà Nẵng, xứng với tầm vóc, vị trí của TP Đà Nẵng không chỉ là ước muốn của giới điêu khắc mà đây còn được coi là việc cần thiết của các nhà quản lý văn hóa ở Đà Nẵng, để dung hòa cảnh sắc – con người – môi trường tự nhiên thành phố. Đối với các em học sinh, sinh viên đang theo học ngành văn hóa, kiến trúc tại Đà Nẵng, đây cũng là nơi đáng đến và cần đến, vừa làm bài tập thực tế, vừa được tiếp cận với các tác phẩm cụ thể.
Đi dọc vườn tượng vào sáng sớm hay buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống sông Hàn, tôi đã gặp rất nhiều người dân Đà Nẵng và du khách đến đây, vừa ngắm tượng, vừa hít thở không khí trong lành, vừa thưởng thức những bản nhạc được phát ra từ hệ thống âm thanh dọc bờ sông Hàn. Ông Võ Văn Lành, 73 tuổi, trú tại phường Bắc Mỹ An, quận Sơn Trà, một người rất mê điêu khắc đá chia sẻ: Những tác phẩm tượng này đã góp phần làm nên một nét khác biệt cho Đà Nẵng. Đà Nẵng nổi tiếng với làng đá mỹ nghệ Non Nước khác hoàn toàn với những tác phẩm điêu khắc mang giá trị nghệ thuật được chọn làm vườn tượng. Khoảng vài chục năm sau, đây sẽ trở thành bảo tàng sống của văn học nghệ thuật Đà Nẵng.
Tâm sự đó giống như nhận xét của họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại TP Đà Nẵng: “Hội Mỹ thuật thành phố và Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Đà Nẵng rất ủng hộ việc xây dựng các vườn tượng bên sông Hàn để làm đẹp thêm cho Đà Nẵng. Tuy nhiên, cần lựa chọn những tác phẩm có tính nghệ thuật cao, mang tầm vóc thành phố chứ không nên chỉ mang tính mỹ nghệ. Từ đó, sẽ đưa nghệ thuật đến gần hơn với người dân, giúp họ có điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật”.
Một vườn tượng có giá trị nghệ thuật cần có những tác phẩm đặc sắc, độc đáo, xuất phát từ tâm hồn nghệ thuật và lòng hướng thiện. Đó là thông điệp về tình yêu quê hương, đất nước, mà các NĐK đã tâm huyết đặt hết vào tác phẩm, để tác phẩm có sức sống vĩnh cửu cùng thời gian. Không gian đô thị hiện đại đòi hỏi phải giúp mọi người được thụ hưởng cây xanh, hoa, nghệ thuật. Bởi vậy, muốn có những vườn tượng mang nét độc đáo Đà Nẵng, cần có quy hoạch. Các tác phẩm được chọn phải là tác phẩm “chọn mặt gửi vàng”, phải biết chấp nhận sự đánh giá và ý kiến đánh giá của công chúng. Công việc quy hoạch công viên tượng phải bảo đảm tính chất một không gian nghệ thuật hoàn chỉnh từ chất liệu đến nghệ thuật sáng tạo và tỷ lệ tác phẩm trước không gian. Hiện ở Đà Nẵng, ngoài vườn tượng sông Hàn, còn có các tác phẩm điêu khắc đá đặt tại Công viên Biển Đông, hay những vườn tượng trưng bày các tác phẩm điêu khắc đá hằng năm nhân các ngày lễ lớn, do các NĐK đá Non Nước tổ chức. Nhưng ngoài việc lập quy hoạch, chọn lựa tác phẩm, thì việc bảo vệ vườn tượng trong tổng thể đô thị và quảng bá, giới thiệu giá trị nghệ thuật của tác phẩm cũng là công việc mà thành phố cần quan tâm, giải quyết.
Theo Nhandan

Ý kiến ()