Việt Nam mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Pháp
Trong chuyến thăm và làm việc tại Paris, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định Việt Nam muốn tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện, mở rộng hợp tác kinh tế, văn hóa với Pháp.

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 10/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã tới thủ đô Paris, bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại nước này từ 10-14/7, trong khuôn khổ tham dự Đại hội đồng lần thứ 50 của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF).
Ngay sau khi đến thủ đô Paris, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã có cuộc hội đàm với Phó Chủ tịch Thượng viện Pháp Loic Hervé, hội đàm với Phó Chủ tịch Quốc hội Nadège Abomangoli, gặp Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Pháp của Quốc hội Anne Le Hénanff, gặp Trưởng đại diện của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ Amélia Lakrafi, thăm và gặp gỡ Cộng đồng Việt Nam tại Pháp.

Trong các buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Pháp, quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai nước tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, chính phủ, nghị viện, tạo động lực làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực khác, trước mắt là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp dự kiến trong năm nay.
Bà cũng bày tỏ mong muốn Pháp ủng hộ Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hàng năm với tư cách khách mời/quan sát viên, đặc biệt với vai trò Chủ tịch G7 do Pháp đảm nhiệm dự kiến vào năm 2026.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh mong muốn hai bên thống nhất tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Pháp sẽ sớm hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA), đồng thời thúc đẩy Ủy ban châu Âu sớm gỡ bỏ Thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam và tính đến những nỗ lực của Việt Nam thời gian qua.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh cũng mong muốn Pháp duy trì các nguồn tài chính ưu đãi, cung cấp các khoản vay ODA, ODA không hoàn lại và hỗ trợ công nghệ cao cho Việt Nam nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa đất nước và nâng cao đời sống của người dân, tương tự như các dự án Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, dự án Phục hồi và tôn tạo cầu Long Biên… Bên cạnh đó, hai nước cũng cần tiếp tục làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như văn hóa, y tế, giáo dục-đào tạo ; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng chiến lược, đô thị thông minh, năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo, hàng không vũ trụ, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng trên cơ sở thế mạnh và nhu cầu hai bên như đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số... Bà cũng đề nghị Pháp tiếp tục cấp học bổng cho các bác sỹ Việt Nam sang đào tạo, tu nghiệp tại các bệnh viện của Pháp; tăng cường hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh khẳng định quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước ngày càng được thúc đẩy và phát triển tích cực; hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp chia sẻ kinh nghiệm hoạt động nghị viện, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương, góp phần tích cực vào củng cố quan hệ song phương và đưa quan hệ Việt Nam-Pháp lên tầm cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cao quan điểm, lập trường và chính sách của Pháp trong vấn đề Biển Đông, đề nghị Pháp tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ lập trường, quan điểm của ASEAN và Việt Nam, trong đó có việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trong khu vực; giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp luật pháp quốc tế.
Bà cũng cảm ơn và đề nghị Chính phủ Pháp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ổn định cuộc sống và hội nhập tốt để tiếp tục có đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội của sở tại và tình hữu nghị giữa hai nước.
Phó Chủ tịch Thượng viện Pháp Loic Hervé nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Pháp cũng như mối quan hệ giữa Nghị viện Pháp và Quốc hội Việt Nam. Với vai trò của mình, Thượng viện Pháp sẽ tiếp tục vào việc kết nối các địa phương hai nước, góp phần tăng cường giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Pháp trong đó có cơ chế Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp là điểm nhấn trong quan hệ song phương.
Ông Loic Hervé chuyển lời cảm ơn Việt Nam đã cử các đoàn cấp cao tham dự các sự kiện do Pháp tổ chức, thể hiện sự ủng hộ và mối quan hệ tốt đẹp của hai nước như Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị đại dương Liên hợp quốc và lần này là Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự Đại hội đồng APF-50.
Ông cũng chia sẻ những quan ngại về vấn đề biển và đại dương, cho biết Biển Đông là khu vực quan trọng, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải cũng như yếu tố địa chính trị.
Cùng tham dự cuộc gặp có Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt của Thượng viện Pháp Alain Cadec, ông cho biết Thượng viện Pháp rất quan tâm thúc đẩy hợp tác nghị viện, theo đề xuất của Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhằm tăng cường trao đổi Đoàn, ông dự kiến tháng 9/2025 sẽ tổ chức đoàn nhóm nghị sỹ hữu nghị của Thượng viện Pháp thăm Việt Nam.
Tại cuộc gặp Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt Anne Le Hénanff, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh hoan nghênh sự tích cực của hai nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Pháp của Quốc hội Việt Nam và nhóm tương ứng của Quốc hội Pháp, với vai trò đặc biệt của hai vị Chủ tịch Nhóm, góp phần quan trọng trong tăng cường quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp và đối với quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Pháp.
Bà Anne Le Hénanff cho biết luôn dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam và nỗ lực đóng góp cho quan hệ hai nước, trong đó có việc ủng hộ thông quan Hiệp định bảo hộ đầu tư và việc châu Âu dỡ Thẻ vàng IUU cho Việt Nam.
Cũng trong ngày đầu tiên đến Pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã dành thời gian để gặp gỡ cán bộ nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện, cùng đại diện các hội đoàn và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp. "Ngôi nhà chung" Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp ở thủ đô Paris đã trở thành nơi chứng kiến tình cảm của những người con xa quê hương, đại diện từ 20 hội đoàn và các thành phần khác nhau trong cộng đồng 350.000 người Việt tại Pháp.

Trong không khí thân mật, Đại sứ Việt Nam tại Pháp đã báo cáo về lịch sử hình thành, phát triển cũng như tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, những đóng góp của bà con kiều bào trong các phong trào hướng về quê hương.
Các đại diện cộng đồng đã bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình với Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Chị Trần Ngọc Thảo đến từ Hội người Việt Nam tại Pháp bày tỏ lòng biết ơn đối với những cải cách trong luật quốc tịch, tạo thuận lợi cho bà con kiều bào.
Bà Anna Suzanne Dussault, Đại sứ du lịch Việt Nam tại Pháp, người đã có hơn 30 năm đầu tư vào Việt Nam, cũng bày tỏ nguyện vọng được cấp quốc tịch Việt Nam, và chia sẻ những khó khăn trong quá trình làm thủ tục này.
Bà Trần Thu Dung đến từ Câu lạc bộ những người yêu biển đảo Việt Nam chia sẻ về các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển và khơi gợi tình yêu biển đảo quê hương trong cộng đồng người Việt tại Pháp. Anh Trần Duy Châu đại diện mạng lưới 200 chuyên gia về năng lượng hạt nhân đề xuất những ý kiến thiết thực cho sự phát triển của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con kiều bào, đồng thời chia sẻ những thông tin quan trọng về tình hình trong nước, từ cải cách hành chính, tăng trưởng kinh tế đến những dự án trọng điểm như điện hạt nhân và đường sắt tốc độ cao.
Về vấn đề quốc tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội đã thông tin tới bà con kiều bào về Luật Quốc tịch mới với 8 nội dung thay đổi lớn, trong đó có điều khoản cho phép giữ hai quốc tịch và mở rộng điều kiện nhập quốc tịch. Bà cũng cam kết sẽ trực tiếp tìm hiểu và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xem xét hồ sơ xin quốc tịch Việt Nam của bà Anna Suzanne Dussault. Đặc biệt, bà nhấn mạnh: "Bà con ở xa quê hương là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam." Bà cho rằng người Việt, sinh sống học tập ở đâu không quan trọng, "điều quan trọng nhất là trái tim và tình yêu luôn hướng về Tổ quốc."
Buổi gặp mặt kết thúc với thông điệp ấm áp của Phó Chủ tịch Quốc hội, mong muốn cộng đồng kiều bào tiếp tục hướng về quê hương, đóng góp cho mục tiêu đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc"./.

Ý kiến ()