Việc nhỏ nhưng quan trọng!
Lái xe ban đêm và bị xe đi ngược chiều chiếu đèn chiếu sáng xa (đèn pha) làm chói mắt, hạn chế khả năng quan sát khiến ai cầm lái cũng cảm thấy ức chế, khó chịu. Vì thế, mỗi lái xe cần nhớ kỹ quy tắc sử dụng đèn chiếu sáng để hạn chế nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), góp phần xây dựng văn hóa giao thông.
Điểm d, Khoản 1, Điều 53, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định xe cơ giới tham gia giao thông phải có đủ đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm (đèn phanh), đèn tín hiệu. Có thể phân biệt hai loại đèn chiếu sáng gần và xa như sau: Đèn pha có cường độ ánh sáng mạnh, chiếu xa hơn, tầm nhìn cao hơn, giúp người điều khiển xe thấy được chướng ngại và các biển báo từ xa. Chế độ đèn này sử dụng khi đi đường trường, cao tốc. Đèn chiếu gần (đèn cốt) có góc chiếu thấp giúp người lái xe quan sát được tình trạng mặt đường trong phạm vi gần, sử dụng khi lái xe tốc độ chậm, trong nội thành, khu dân cư. Về quy định sử dụng hai loại đèn này, Khoản 12, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư (trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định); Khoản 3, Điều 17 của luật này quy định xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.
![]() |
Cần tuân thủ đúng các quy tắc sử dụng đèn chiếu sáng trên xe ô tô, xe máy góp phần hạn chế nguy hiểm và xây dựng văn hóa giao thông. |
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người do không hiểu biết hoặc cố tình muốn gây chú ý nên đã sử dụng đèn pha sai gây lóa mắt, mất tầm nhìn của lái xe đi ngược chiều, dẫn đến nguy hiểm. Anh Nguyễn Đức Thiệp, làm nghề lái xe ở xã Lệ Xá (Tiên Lữ, Hưng Yên), chia sẻ: “Việc sử dụng đèn không đúng quy định vừa gây nguy cơ về TNGT, vừa thể hiện sự thiếu văn hóa của người điều khiển phương tiện”. Đồng cảm với suy nghĩ của anh Thiệp, anh Nguyễn Thành Khiêm, giáo viên dạy lái xe tại Trường Trung cấp nghề Thuận Thành (Bắc Ninh), cho biết thêm: “Từ việc gây khó chịu cho các lái xe khác có thể dẫn đến mâu thuẫn, xô xát không đáng có. Việc sử dụng đèn pha tùy tiện cũng thể hiện người lái xe chưa có kiến thức và chưa nắm được quy tắc khi tham gia giao thông”.
Trung tá Trịnh Tiến Thành, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 1, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định) sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng (đối với xe ô tô). Nếu thực hiện hành vi trên mà gây TNGT thì lái xe sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng. Đối với xe máy, hành vi sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng và cũng bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng nếu gây TNGT”.
Theo anh Nguyễn Thành Khiêm, nội dung học sử dụng đèn trên xe ô tô nằm ở phần 1.3.3, chương I, giáo trình môn học kỹ thuật lái xe ô tô. Ngoài nội dung học, giáo viên có thể đưa vào nội dung của bài kiểm tra kết thúc khóa học. Trong bộ đề thi lý thuyết 600 câu có một số câu liên quan tới nội dung này, ví dụ câu: 32, 233, 249, 252, 595. Quá trình học lái xe cũng như khi lái xe sau này, người học phải luôn ghi nhớ để không vi phạm quy tắc sử dụng đèn chiếu khi tham gia giao thông, bảo đảm an toàn cho mình và các phương tiện khác. “Để người học lái xe dễ hiểu, dễ nhớ thì giáo viên cần nhấn mạnh và phân tích kỹ nội dung này, phân tích được những nguy hiểm của xe đối diện khi bị chiếu đèn pha. Khi học thực hành lái xe trên đường và vào bài tập ban đêm, giáo viên cần cho học viên thực hành nhiều lần để thành thục kỹ năng sử dụng đèn; đồng thời, nên cho học viên thực tế việc bị xe ngược chiều chiếu đèn pha giúp họ tự rút ra kinh nghiệm…”, anh Khiêm nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Thành Khiêm chia sẻ kinh nghiệm sử dụng đèn khi lái xe: Tài xế nên bật chế độ đèn cốt hoặc đèn sương mù khi di chuyển vào ban ngày mà thiếu sáng hoặc nhiều sương mù, trời mưa to để người đi đối diện không bị chói mắt. Khi sang đường, xin vượt, xin nhường đường hoặc nhắc tài xế xe khác hạ đèn pha thì nên nháy đèn pha. Lái xe trên đường vắng hoặc trên đường cao tốc mà bị thiếu sáng mới nên chuyển sang chế độ đèn pha để tăng khả năng quan sát. Tuy nhiên, khi tới gần xe khác, cả ngược chiều và cùng chiều, lái xe cần chuyển sang chế độ đèn cốt. Thấy xe đối diện nháy đèn thì cần kiểm tra, nếu đang bật đèn pha, lái xe phải chuyển sang chế độ đèn cốt… |
Theo Quandoinhandan

Ý kiến ()