Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hơn 2.730 vi phạm hành chính
Từ năm 2020 đến nay, toàn ngành chứng khoán đã triển khai 321 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó có 75 đoàn chuyên trách kiểm tra các giao dịch có dấu hiệu bất thường.

Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới sẽ bám sát và hoàn thiện thể chế (Ảnh: SSC/Vietnam+)
Ngày 26/7, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin tại Hội nghị thanh tra, giám sát thị trường chứng khoán, toàn ngành đã ban hành 2.731 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, chuyển nhiều vụ việc nghiêm trọng sang cơ quan điều tra.
Cụ thể, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Bùi Hoàng Hải đã chia sẻ những kết quả nổi bật trong công tác quản lý. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, toàn ngành đã triển khai 321 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó có 75 đoàn chuyên trách kiểm tra các giao dịch có dấu hiệu bất thường. Cơ quan quản lý đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, từng bước củng cố kỷ cương và niềm tin thị trường.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Bùi Hoàng Hải chỉ ra công tác thanh tra, giám sát sẽ đối mặt với nhiều thách thức và yêu cầu mới, đòi hỏi sự linh hoạt và chuyên nghiệp cao hơn.
“Do đó, ngành cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác giám sát, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan và không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân sự,” ông Hải nhấn mạnh.
Nhấn mạnh công tác thanh tra, giám sát luôn là nhiệm vụ trọng tâm ngay từ những ngày đầu thành lập ngành Chứng khoán, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính đã cho phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thành lập tổ chức Thanh tra chuyên trách trong bộ máy, một cơ chế đặc thù nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả nhiệm vụ quản lý và các cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trân trọng cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị thuộc Bộ Công an và Công an thành phố Hà Nội trong công tác phòng chống tội phạm trên thị trường chứng khoán.
Để phát huy những thành quả đã đạt được, Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới sẽ bám sát và hoàn thiện thể chế. Cụ thể là kịp thời kiện toàn, sửa đổi các quy trình, quy chế về giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm dựa trên Luật Thanh tra, Luật Chứng khoán và các văn bản liên quan. Hiện đại hóa công cụ giám sát, theo đó tiếp tục hoàn thiện và xây dựng hệ thống giám sát tổng thể theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm phân tích, cảnh báo sớm các dấu hiệu vi phạm. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát giao dịch chứng khoán theo mô hình 3 cấp (Công ty chứng khoán-Sở Giao dịch chứng khoán-Ủy ban Chứng khoán Nhà nước). Tăng cường truyền thông, giáo dục bằng cách chủ động thông tin, tuyên truyền về pháp luật, đạo đức nghề nghiệp và cảnh báo rủi ro cho nhà đầu tư, công ty đại chúng và các thành viên thị trường.
Đặc biệt, Chủ tịch Vũ Thị Chân Phương nhấn mạnh đến việc siết chặt kỷ luật phối hợp. Cụ thể tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị nội bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với các Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) với các đơn vị của Bộ Công an để trao đổi thông tin, nắm bắt các phương thức, thủ đoạn tội phạm mới trong lĩnh vực chứng khoán.

Ý kiến ()