“Uống nước nhớ nguồn” - lời nhắc nhở về lòng biết ơn
Trong dòng chảy lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hun đúc nên nhiều giá trị truyền thống quý báu, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. Một trong những giá trị đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” - lời nhắc nhở về lòng biết ơn với các thế hệ đi trước đã hy sinh để mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho thế hệ hôm nay.

Thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị
Hiện nay, việc chăm lo cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công đã trở thành việc làm thường xuyên, có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Hàng loạt chính sách được ban hành đầy đủ, đồng bộ, nhất quán. Nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực đã được triển khai rộng khắp như: Trợ cấp thường xuyên, chăm sóc y tế, ưu tiên trong học tập, tuyển dụng lao động, hỗ trợ nhà ở… đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của người có công và thân nhân họ. Đặc biệt, việc xây dựng hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ, công trình tưởng niệm, bia ghi danh liệt sĩ khắp cả nước đã tạo nên một không gian văn hóa tri ân rộng lớn, thấm đẫm giá trị nhân văn.
Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” ngày càng lan tỏa sâu rộng, trở thành phong trào thi đua, lối sống đẹp trong cộng đồng. Đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia chương trình “Thắp nến tri ân”. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động xây nhà tình nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các cơ quan báo chí, truyền thông từ Trung ương đến địa phương thường xuyên tổ chức các chuyên trang, chuyên mục, chương trình truyền hình, phóng sự người thật - việc thật về gương sáng thương binh, cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ vượt khó vươn lên, lan tỏa nghị lực sống, tinh thần yêu nước; từ đó hun đúc lý tưởng sống cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, việc số hóa dữ liệu người có công, phát triển các ứng dụng tương tác để truy cập hồ sơ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ đã góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả quản lý, tạo điều kiện cho mọi người dân thể hiện lòng tri ân một cách thuận tiện, hiện đại, hiệu quả hơn. Tất cả đã thể hiện sinh động một chân lý: Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" là mạch ngầm chảy mãnh liệt trong đời sống dân tộc, được thể chế hóa thành chính sách, luật pháp và quan trọng hơn cả là thành hành động thực tiễn, đầy nhân văn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng nổ thông tin, được sự hỗ trợ từ internet, mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã bóp méo sự thật, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của chính sách đền ơn đáp nghĩa. Các thế lực thù địch triệt để sử dụng mạng xã hội như một công cụ đắc lực để lan truyền thông tin sai lệch, để tạo ra tâm lý bi quan, hoài nghi trong một bộ phận công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Đồng thời, ra sức cổ xúy cho lối sống cá nhân, thực dụng, bàng quan trước lịch sử trong giới trẻ. Những hành động đó không chỉ nguy hiểm ở khía cạnh tư tưởng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội, làm suy giảm lòng tin vào chế độ, vào tương lai của dân tộc. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần tăng cường “sức đề kháng” cho xã hội bằng việc nâng cao nhận thức, phản bác kịp thời các luận điệu sai trái, bảo vệ tính chính nghĩa và nhân văn của các hoạt động tri ân, góp phần giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập, phát triển.
Để lan tỏa mạnh mẽ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên cả phương diện nhận thức và hành động. Các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trong nhà trường, gia đình và xã hội. Tích hợp, lồng ghép nội dung tri ân người có công vào các môn học, hoạt động ngoại khóa, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Nhân rộng các mô hình sáng tạo về sử dụng công nghệ số để kể chuyện về liệt sĩ, làm phim tư liệu, xây dựng kho dữ liệu người có công, kết nối cộng đồng cùng tham gia các hoạt động tri ân một cách tự giác, hiệu quả.
Phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang, văn nghệ sĩ, nhà báo trong việc tuyên truyền, cổ vũ gương sáng người có công, người tích cực tham gia nghĩa cử tri ân. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện và giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời, minh bạch, hạn chế tối đa các vấn đề tiêu cực phát sinh. Mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ cần chuyển hóa đạo lý “uống nước nhớ nguồn” thành hành động cụ thể: Sống nhân ái, biết ơn, dấn thân vì cộng đồng, trân trọng quá khứ, nỗ lực xây dựng tương lai. Bởi lẽ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” không chỉ là nét đẹp văn hóa, mà còn là động lực để dân tộc Việt Nam đoàn kết, vươn lên và làm chủ vận mệnh chính mình trong kỷ nguyên mới.
Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” là cội nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh đất nước đang vươn mình hội nhập sâu rộng, đạo lý ấy càng cần được giữ gìn, phát huy và lan tỏa bằng những cách thức mới, tư duy mới, hành động thiết thực. Ngày 27-7 không chỉ là dịp để tưởng nhớ và tri ân, mà còn là cơ hội để mỗi người con đất Việt soi lại mình, nuôi dưỡng niềm tin, khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm với quê hương, đất nước. Đó là cách tốt nhất để đạo lý ngàn đời “uống nước nhớ nguồn” tiếp tục bừng sáng trong hành trình dựng xây đất nước hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên vươn mình phát triển.

Ý kiến ()