Ứng dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo phục vụ quản trị và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh
Thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 71 của Chính phủ về đột phát phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngày 21/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị ứng dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản trị và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẳng định, hội nghị là dịp để trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và giải pháp thực tiễn trong việc ứng dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản trị nhà nước, điều hành phát triển kinh tế-xã hội, qua đó chuyển hóa những mục tiêu, định hướng của Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 71 của Chính phủ thành những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của tỉnh Quảng Ninh, hướng tới mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Ninh bền vững và toàn diện.

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã luôn là điểm sáng, đi đầu trong công cuộc cải cách hành chính, phát triển hạ tầng công nghệ, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu bước đầu, tỉnh Quảng Ninh cũng đang đứng trước không ít thách thức như: thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao về AI; dữ liệu còn phân tán, thiếu liên thông, đồng bộ; nền tảng hạ tầng dùng chung bắt đầu lạc hậu; chưa hình thành kho dữ liệu lớn tập trung và chưa khai thác hiệu quả tài nguyên dữ liệu trong các lĩnh vực. Công cụ hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành cũng mới dừng lại việc triển khai được hệ thống chuyển nhận văn bản điện tử tập trung, chưa có hệ thống điều hành thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác quản lý, điều hành, giám sát và ra quyết định.
Chia sẻ những kinh nghiệm trong chiến lược quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và vai trò của dữ liệu, AI trong quá trình chuyển đổi số. Đồng chí Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng, vai trò của công nghệ và chuyển đổi số ngày nay rất quan trọng trong việc ứng dụng vào các lĩnh vực như: sản xuất, kinh doanh, giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật… công nghệ và chuyển đổi số đang ngày càng tạo ra những thay đổi lớn và tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, sẽ góp phần xây dựng chính sách và cơ chế quản lý phù hợp hơn để thúc đẩy sự phát triển của Quảng Ninh và đất nước.

Tại hội nghị, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng dụng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cũng như trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thông qua hội nghị này, tỉnh Quảng Ninh mong muốn sớm xây dựng chiến lược dữ liệu hiệu quả, đồng bộ và có tầm nhìn dài hạn để làm cơ sở rà soát, cập nhật chiến lược dữ liệu quốc gia; triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trọng tâm là ưu tiên hoàn thành các cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng, tài chính, bảo hiểm, doanh nghiệp, lao động việc làm; số hóa quy trình, hồ sơ tài liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng AI trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh và cấp cơ sở; ứng dụng trong lĩnh vực cửa khẩu, du lịch, y tế, giáo dục, tư pháp, đất đai, tài nguyên môi trường, giao thông, nông nghiệp, quản lý đô thị thông minh; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh; xây dựng hệ sinh thái số bền vững, trong đó dữ liệu và trí tuệ nhân tạo là nền tảng trung tâm, hình thành “bộ não đô thị”, “bộ não số” tỉnh Quảng Ninh.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn tỉnh, không phân biệt vị trí, cần ý thức được trách nhiệm tự học, tự nâng cao năng lực số. Nếu không làm chủ được dữ liệu, không biết ứng dụng AI vào công việc hằng ngày thì chính chúng ta đang tụt lùi; đồng thời yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai mạnh mẽ chương trình “Bình dân học vụ số”, một chương trình hành động thiết thực để phổ cập hiểu biết về dữ liệu, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo cho mọi cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân. Không để ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số. “Bình dân học vụ số” không chỉ là khẩu hiệu, mà là hành động cụ thể, thực chất để nâng cao dân trí trong kỷ nguyên số.
Tại hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số”.

Ý kiến ()