Tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước còn dưới 4%

Một ngôi làng nhỏ trong thung lũng xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, Lào Cai
Đây là thông tin vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,3% so với cuối năm 2018. Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm gần 5%, góp phần đưa con số trên ở những địa bàn này còn dưới 29%. Con số hộ nghèo dưới 4% đã giúp hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội giao với chất lượng được nâng lên rõ rệt.
Trong năm 2019, cả nước đã tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, khuyến nông và khuyến lâm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình giảm nghèo, trợ giúp pháp lý…
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp, tham gia xây dựng Đề án phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp tục thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 – 2020. Nhận thức về giảm nghèo có sự thay đổi, chuyển biến tích cực. Ngày càng có nhiều tấm gương cá nhân làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, nhiều địa phương xin thoát nghèo, tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước.
Nhìn lại một năm, lĩnh vực giảm nghèo đã đạt được những kết quả tích cực, có những mặt tiến bộ hơn so với cùng kỳ năm 2018. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế. Cụ thể như, kết quả giảm nghèo chưa thực sự mang tính bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao. Việc giảm tỷ lệ hộ nghèo ở năm cuối giai đoạn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do đối tượng hộ nghèo còn lại tập trung nhiều ở nhóm hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, không có điều kiện và khả năng thoát nghèo. Chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Trong năm tới, giải pháp chính cần tập trung thực hiện là thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo bền vững đến năm 2020; các chính sách giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Song song với các giải pháp này, cần tạo điều kiện để người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là tại các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản.
Theo Nhandan

Ý kiến ()