Từ chi bộ đầu tiên đến các kỳ đại hội
LSO-86 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam, nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã chung sức, chung lòng vượt qua mọi gian lao thử thách, lập nên bao thành tích vẻ vang, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân giành thắng lợi to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
![]() |
Bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI – Ảnh: LÊ MINH |
Chi bộ đầu tiên – bước trưởng thành phong trào cách mạng
Trước sự chuyển biến khẩn trương của phong trào cách mạng cả nước, một đòi hỏi cấp bách đặt ra là phải có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất để hướng cho phong trào cách mạng có được những bước đi vững chắc. Giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới Thụy Hùng trực tiếp giác ngộ, bồi dưỡng quần chúng tích cực, kết nạp đảng viên, lập chi bộ ĐCS do chính đồng chí làm bí thư. Đây là chi bộ ĐCS đầu tiên ở Văn Uyên và cũng là chi bộ ĐCS đầu tiên của Đảng bộ Lạng Sơn. Chi bộ Thụy Hùng có 5 đảng viên là Đoàn Viết Bứng, Đoàn Viết Cảnh, Đồng Viết Đại, Nông Viết Bảo và Mã Khánh Phương. Đây là mốc đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn. Trên cơ sở phát triển của phong trào quần chúng cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã đến huyện Bắc Sơn để xúc tiến việc thành lập chi bộ ĐCS để làm nòng cốt cho phong trào. Ngày 25/9/1936, chi bộ ĐCS đầu tiên của huyện ra đời tại thôn Mỏ Tát, xã Vũ Lăng có 4 đảng viên: Đường Kỳ Tân (bí thư), Hoàng Doãn Tạo, Đường Quang Long và Nguyễn Văn Phòng. Đầu năm 1938, được sự ủy nhiệm của Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Văn Thụ lại tới Phi Mỹ tiếp tục giác ngộ, bồi dưỡng quần chúng tích cực, kết nạp đảng viên. Ngày 11/4/1938, tại thôn Nà Han, xã Phi Mỹ (nay là xã Tri Phương, huyện Tràng Định), chi bộ ĐCS được thành lập. Chi bộ gồm có Bế Văn Bính (bí thư), Hoàng Kim Sơn, Hoàng Văn Cường, Hoàng Văn Bản, Mã Văn Ngân, Hoàng Váy Thao và Triệu Dín Nè. Cùng với sự ra đời của chi bộ ở Bắc Sơn, việc chi bộ Đảng được thành lập tại Tràng Định đã đánh dấu một cách vững chắc sự phục hồi và phát triển nhanh chóng của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn.
Qua các kỳ đại hội
Giữa năm 1934, được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Ban Cán sự (Tỉnh ủy lâm thời) tỉnh Lạng Sơn được thành lập. Giữa tháng 5/1945, Tỉnh ủy Lạng Sơn lâm thời được kiện toàn gồm có các đồng chí: Lô Quang Nam, Bảo Anh, Phan Mạnh Cư, Hoàng Văn Kiểu. Giữa lúc cuộc kháng chiến đang trên đà thắng lợi, từ ngày 15 đến 19/6/1948, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất được tổ chức trọng thể tại Bản Đao, xã Tân Văn, huyện Bình Gia. Đại hội đã tập trung thảo luận, đề ra nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục tiến hành kháng chiến của quân và dân trong tỉnh. Đại hội bầu 13 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành do đồng chí Hoàng Văn Kiểu làm bí thư.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất về tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến, toàn tỉnh đã giành được thành tích vẻ vang trong chiến đấu, củng cố hậu phương, chi viện tích cực sức người, sức của cho mặt trận đường số 4, không ngừng tạo thế chủ động, bao vây, tiến công địch ở khắp nơi trong tỉnh. Trước bối cảnh đó, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ hai được tổ chức tại thôn Nà Đồng, huyện Bình Gia. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 16 đồng chí, đồng chí Hoàng Văn Kiểu được bầu lại làm bí thư.
Tháng 4/1976, thực hiện quyết định của Quốc hội, 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng sáp nhập thành tỉnh Cao Lạng. Từ ngày 31/3 đến ngày 8/4/1977. Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Lạng tiến hành Đại hội, bầu ra 35 đồng chí ủy viên chính thức và 5 ủy viên dự khuyết, đồng chí Hoàng Trường Minh được bầu làm Bí thư. Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc, ngày 29/12/1978, Quốc hội quyết định tách tỉnh Cao Lạng thành tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng. Vừa tách tỉnh thì chiến tranh biên giới xảy ra, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã kịp thời ra Quyết định số 672/NQ-NS-TW về việc chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 21 đồng chí và cử đồng chí Hoàng Trường Minh làm Bí thư.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã lập nên những chiến công xuất sắc trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sau đó cứ đúng 5 năm một nhiệm kỳ Đại hội được tiến hành. Cuối năm 2015, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI được tổ chức, Đại hội bầu ra 53 Ủy viên Ban Chấp hành và bầu 13 Ủy viên Ban thường vụ. Tại Đại hội, Bộ Chính trị điều động, phân công đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và làm Bí thư Tỉnh ủy. Thắng lợi của Đại hội XVI là nguồn sức mạnh cổ vũ lớn lao, tạo động lực thúc đẩy toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh ra sức thi đua hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới.
Từ khi thành lập các chi bộ đầu tiên và tiến hành 16 lần đại hội. Qua các lần đại hội Đảng bộ tỉnh đã ra nghị quyết, từng bước xác định rõ hơn về chiến lược, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Từ chi bộ đầu tiên ra đời đến nay, Đảng bộ Lạng Sơn đã trải qua 83 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, mà 16 kỳ đại hội là những mốc son chói lọi thể hiện trí tuệ, sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của toàn thể cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
MAI TÙNG

Ý kiến ()