Trồng hồi, hướng làm giàu ở Điềm He
- Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Điềm He, huyện Văn Quan đã chủ động đẩy mạnh trồng, chăm sóc gắn với sơ chế lâm sản ngoài gỗ. Từ đó góp phần tăng giá trị sản phẩm.

Xã Điềm He có tổng diện tích tự nhiên 3.327 ha, trong đó, tổng diện tích đất lâm nghiệp có 2.081,13 ha. Xã có 13 thôn và 2 khu phố, có 1.227 hộ gia đình với 5.367 nhân khẩu.
Những năm qua, thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025, xã Điềm He đã thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển lâm nghiệp, trong đó chú trọng phát triển lâm sản ngoài gỗ, trọng tâm là cây hồi. Đến nay, diện tích hồi toàn xã có hơn 785 ha, trong đó 767 ha đã cho thu hoạch. Sản lượng hoa hồi tươi trong 5 năm (2020 - 2024) đạt khoảng 6.800 tấn, giá trị ước đạt 130 tỷ đồng.
Bà Hoàng Thị Hiếu, Chủ tịch UBND xã Điềm He cho biết: Để phát triển lâm sản ngoài gỗ, trọng tâm là cây hồi theo hướng bền vững, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc gắn với sơ chế, chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
Cùng đó, các hộ dân trên địa bàn xã đã chủ động đầu tư xây dựng lò sấy hồi để sơ chế, bảo quản sản phẩm. Bà Chu Thị Hạnh, phố Điềm He 2, xã Điềm He cho biết: Gia đình tôi xây dựng cơ sở sơ chế và chưng cất tinh dầu hồi đã nhiều năm, tuy nhiên, trước đây, gia đình tôi sơ chế bằng phương pháp thủ công. Năm 2017, gia đình đã đầu tư 100 triệu đồng xây dựng hệ thống lò hơi để sơ chế, tăng công suất lên hơn 10 lần so với phơi sấy thủ công. Theo đó, hồi sau khi thu mua về, tôi sẽ cho vào lò hơi ủ, sấy khoảng 2 tiếng và đem ra phơi nắng. Loại lò hơi này công suất lớn, rất thuận lợi cho việc sấy hồi, đặc biệt là vào mùa mưa. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu mua khoảng 200 – 300 tấn hồi tươi của bà con trên địa bàn xã, các huyện có hồi và xuất bán ra thị trường khoảng 70 tấn hồi khô, tạo việc làm thời vụ cho 10 - 15 người. Ngoài ra, tôi còn chế biến tinh dầu hồi, mỗi năm bán cho người tiêu dùng 20 – 30 lít tinh dầu, đem lại tổng thu nhập cho gia đình từ 200 – 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Đến nay, toàn xã có hơn 100 hộ thu mua, sơ chế hồi, tập trung tại phố Điềm He 1, phố Điềm He 2, thôn Phú Nhuận. Nhờ đó, xã Điềm He là một trong những địa điểm giao thương giữa các hộ trồng hồi với các tiểu thương, cơ sở sơ chế, buôn bán hồi trong và ngoài tỉnh với sản lượng khoảng 1.500 – 2.000 tấn hồi khô/năm, trung bình, mỗi hộ sơ chế hồi thu nhập đạt 200 - 500 triệu đồng/năm.
Từ việc sơ chế hồi đảm bảo chất lượng, thị trường tiêu thụ sản phẩm hoa hồi khô được mở rộng khắp các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt, các hộ tiểu thương trên địa bàn xã đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty để xuất khẩu hoa hồi khô sang các nước như: Trung Quốc, Ấn Độ....
Ông Lý Văn Đàm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Văn Quan đánh giá: Hiện nay, Điềm He là xã có hoạt động thu mua và sơ chế hồi nhộn nhịp nhất trên địa bàn huyện. Các hộ dân trên địa bàn xã đã chủ động, đầu tư mặt bằng, kho chứa, lò sấy hồi, lò sấy hơi để nâng cao công suất sấy...
Việc phát triển trồng, chăm sóc gắn với sơ chế hồi là hướng phát triển lâm nghiệp bền vững, qua đó không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động mà còn nâng cao giá trị và tăng thu nhập cho người dân.

Ý kiến ()