“Triệu phú bình dân” trỗi dậy
Nếu cách đây vài thập niên, các triệu phú USD thường gắn liền với những chiếc xe sang, những biệt thự ven biển hay những chuyến du thuyền dát vàng, thì nay, hình ảnh đó đang dần đổi khác.
Một người bạn ngồi cùng quán cà phê, một đồng nghiệp ở văn phòng, hay thậm chí chính người hàng xóm tưởng là “bình thường” có thể đã gia nhập nhóm “triệu phú bình dân” một cách âm thầm không phải ai cũng biết.
Khái niệm “triệu phú bình dân” khá mới mẻ nhưng đã âm thầm làm thay đổi cấu trúc tài sản toàn cầu. Theo Báo cáo Tài sản toàn cầu 2025 của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), đến cuối năm 2024, thế giới đã có gần 52 triệu “triệu phú bình dân”-nhóm người sở hữu tài sản ròng từ 1 đến 5 triệu USD.

Không chỉ gia tăng về số lượng, nhóm triệu phú mới nổi này còn nắm giữ một sức mạnh kinh tế đáng kể khi sở hữu tổng tài sản xấp xỉ 107.000 tỷ USD. Điều đáng nói là con số này gần ngang ngửa với khối tài sản 119.000 tỷ USD của toàn bộ nhóm siêu giàu (những người có trên 5 triệu USD) cộng lại.
“Các triệu phú” bình dân trỗi dậy không phải mang tính nhất thời hay chỉ diễn ra ở vài nước trên thế giới mà đã trở thành làn sóng toàn cầu. Ông Paul Donovan, nhà Kinh tế trưởng Ngân hàng UBS nhận định: “Sự trỗi dậy của tầng lớp triệu phú bình dân không phải là hiện tượng nhất thời, mà là kết quả của một chuỗi biến đổi kinh tế-xã hội bền bỉ suốt hai thập kỷ qua”.
Trong đó, Mỹ tiếp tục là “chiếc lò sản sinh” triệu phú hàng đầu thế giới. Chỉ riêng năm 2024, nước Mỹ có thêm hơn 379.000 triệu phú mới, tức trung bình mỗi ngày tại nước này có hơn 1.000 người gia nhập “câu lạc bộ triệu phú USD”. Con số này còn cao hơn tổng số triệu phú mới của cả Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản và Canada cộng lại.
Câu hỏi được đặt ra là điều gì đã làm xuất hiện làn sóng “triệu phú bình dân” trên thế giới? Tại Mỹ, đa số “triệu phú bình dân” không làm giàu nhờ đầu cơ mạo hiểm hay đầu tư siêu rủi ro, mà bắt đầu từ chính căn nhà họ đang ở. Giá nhà trung bình tại Mỹ đã tăng hơn 150% kể từ đầu thế kỷ 21 và được dự báo sẽ tăng tiếp gần 40% trong thập kỷ này. Một căn nhà bình thường, nhờ thời gian và vị trí đắc địa, có thể đưa gia chủ vượt mốc triệu USD về giá trị tài sản ròng mà đôi khi chính họ cũng không để ý. Bà Mary Thompson, 52 tuổi, giáo viên về hưu sống tại Seattle (Mỹ) là một trong những trường hợp như vậy. Ngôi nhà bà mua năm 1998 với giá 230.000USD nay đã trị giá hơn 1,2 triệu USD, cộng với khoản quỹ hưu trí vợ chồng bà đều đặn đóng suốt 30 năm, đưa tổng tài sản gia đình vượt mốc triệu USD một cách gần như không thể ngờ. Theo giáo sư David Laibson, chuyên gia nghiên cứu hành vi tích lũy tài sản tại Đại học Harvard, thị trường bất động sản chính là bệ đỡ an toàn, đóng góp âm thầm nhưng bền bỉ cho hành trình "trở thành triệu phú" của nhiều gia đình trung lưu tại Mỹ.
Đầu tư tài chính thông qua mua cổ phiếu của các tập đoàn lớn hay tích lũy bằng cách đóng quỹ hưu trí cũng là cách để mở ra cơ hội trở thành triệu phú. Nếu như trước đây, đầu tư tài chính đòi hỏi kiến thức chuyên sâu và số vốn lớn thì ngày nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, một công nhân hay một nhân viên văn phòng cũng có thể đầu tư vào những công ty hàng đầu thế giới, đa dạng hóa danh mục và tích lũy tài sản dài hạn. Cuộc cách mạng công nghệ đã thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. Sự ra đời của các ứng dụng giao dịch trực tuyến, các quỹ tương hỗ và các quỹ hoán đổi danh mục (ETFs) đã mở toang cánh cửa Phố Wall cho hàng triệu người bình thường. Sự dễ dàng tiếp cận này đã biến thị trường tài chính từ sân chơi của giới tinh hoa thành một công cụ làm giàu cho đại chúng.
Anh Daniel Lee, 35 tuổi, chuyên viên công nghệ thông tin ở Austin, Texas là một ví dụ. Từ năm 2014, anh đều đặn trích 20% lương để mua cổ phiếu công nghệ và góp quỹ hưu trí. Nhờ thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh, danh mục đầu tư của Daniel hiện trị giá hơn 800.000USD, cộng thêm căn nhà nhỏ mua từ năm 2017, đưa tổng tài sản ròng của anh chạm mốc 1,3 triệu USD khi mới ngoài 35 tuổi.
Tinh thần khởi nghiệp, chủ động tạo nguồn thu nhập đa dạng, tránh phụ thuộc duy nhất vào lương hưu cũng là cách để làm giàu. Ông Andy Smith, Giám đốc hoạch định tài chính tại Edelman Financial Engines nhận xét: “Điểm chung của các triệu phú ngày nay là tư duy tích lũy dài hạn, kỷ luật tài chính và lựa chọn đầu tư có chiến lược-thay vì chạy theo lối sống phô trương”. Theo giới phân tích, những cá nhân này trở nên giàu có nhưng thay vì sống phô trương, họ kiên trì tiết kiệm, tái đầu tư, tránh chi tiêu xa xỉ, biến việc làm giàu thành “cuộc chạy marathon” chứ không phải “chạy nước rút”.
Không thể phủ nhận rằng, sự gia tăng của tầng lớp triệu phú bình dân phản ánh một thay đổi quan trọng, đó là con đường làm giàu đang trở nên “dân chủ” hơn, ít nhất về cơ hội tiếp cận. Tuy nhiên, dù thế giới vẫn đang có thêm triệu phú mỗi ngày, nhưng không đồng nghĩa với việc mọi người đều dễ dàng chạm tay tới sự thịnh vượng. Cuộc đua tài sản vẫn cần kỷ luật, hiểu biết tài chính và may mắn-điều mà không phải ai cũng có cơ hội như nhau để bắt đầu.
Và cũng cần phải biết rằng, Báo cáo của Ngân hàng UBS cũng chỉ ra rằng hơn 80% dân số trưởng thành toàn cầu vẫn sở hữu tài sản dưới 100.000USD. Điều này cho thấy, “triệu phú bình dân” vẫn chỉ là nhóm nhỏ, dù đang lớn mạnh nhưng vẫn chưa thể đủ để thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo vốn đang ngày một nới rộng ở nhiều quốc gia.

Ý kiến ()