Trí tuệ nhân tạo trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Trong thời đại chuyển đổi số mạnh mẽ, không gian mạng trở thành môi trường đấu tranh tư tưởng phức tạp, nơi các luồng thông tin thật-giả đan xen, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước những thách thức mới, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao hiệu quả, kịp thời phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng trong môi trường số.
Thách thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Trong thời đại công nghệ số, không gian mạng trở thành một “không gian công cộng” đặc biệt-nơi giao thoa giữa thông tin, tư tưởng và quyền tự do biểu đạt. Điều này mở ra cơ hội lớn cho việc truyền bá chủ trương, đường lối của Đảng một cách nhanh chóng, sâu rộng. Tuy nhiên, không gian mạng cũng đồng thời là “mặt trận nóng” đầy thách thức trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong đó, có thể kể đến một số thách thức như:
Tính phức tạp, phi biên giới và khó kiểm soát của không gian mạng: Khác với các phương tiện truyền thông truyền thống vốn chịu sự kiểm duyệt và định hướng, mạng xã hội và các nền tảng số toàn cầu (Facebook, YouTube, TikTok...) cho phép cá nhân, tổ chức tự do đăng tải nội dung, tạo ra một môi trường thông tin hỗn hợp, nhiều chiều. Thông tin sai trái, xuyên tạc có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, lan truyền với tốc độ chóng mặt và không dễ dàng kiểm soát, đặc biệt khi xuất phát từ các máy chủ ở nước ngoài.

Chiến lược “diễn biến hòa bình” mới của các thế lực thù địch: Các thế lực phản động, cơ hội chính trị hiện nay không chỉ sử dụng ngôn từ công kích công khai mà chuyển sang thủ đoạn tinh vi hơn: “Mềm hóa”, “phi chính trị hóa”, “đa nguyên hóa”, “phi đảng hóa” đời sống tư tưởng. Những nội dung được ngụy trang dưới hình thức “góp ý”, “tranh luận học thuật”, “phê phán mang tính xây dựng”, nhưng thực chất là gieo rắc hoài nghi về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặt lại vấn đề vai trò lãnh đạo của Đảng, kêu gọi “xã hội dân sự” đối lập, thúc đẩy tư tưởng tự do cá nhân cực đoan, kích động chống đối thể chế.
Tác động sâu rộng đến giới trẻ và cán bộ trẻ: Giới trẻ-lực lượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất-thường dễ bị tác động bởi các thông tin giật gân, phiến diện, thiếu cơ sở lý luận. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên trẻ chưa được trang bị đầy đủ bản lĩnh chính trị, tư duy phản biện và kỹ năng nhận diện thông tin sai lệch. Điều này dẫn đến sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, thờ ơ chính trị, thậm chí bị lôi kéo theo các trào lưu tư tưởng sai lệch.
Điều nguy hại nữa là từ các công nghệ mới-“AI phản tuyên truyền”: Chính các công cụ trí tuệ nhân tạo-nếu rơi vào tay các tổ chức phản động-có thể bị lợi dụng để sản xuất nội dung xuyên tạc có độ chính xác ngôn ngữ cao, tạo ra video deepfake, Chatbot phản động, hoặc sử dụng bot mạng để thao túng dư luận. Điều này làm cho việc nhận diện thông tin sai sự thật ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi các lực lượng bảo vệ tư tưởng cũng phải nâng cấp công nghệ và năng lực.
"Lá chắn tư tưởng" hiệu quả
Trí tuệ nhân tạo có thể đóng vai trò quan trọng trong 3 lĩnh vực chính của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng:
Phát hiện và phân loại thông tin xấu độc: Thông qua các thuật toán học máy và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, AI không chỉ phát hiện nội dung sai lệch, xuyên tạc mà còn phân loại mức độ nguy hại, chủ thể tán phát và xu hướng lan truyền. Điều này giúp các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo sớm và kịp thời xử lý, ngăn chặn nguy cơ lan rộng. AI giúp tăng cường khả năng giám sát, phản ứng nhanh và giảm áp lực cho lực lượng làm công tác tư tưởng. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, cần kết hợp giữa công nghệ hiện đại và con người có tư duy chính trị vững vàng, am hiểu công nghệ và có khả năng xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh.
Phản bác thông tin sai lệch: Với khả năng truy xuất và xử lý lượng lớn dữ liệu trong thời gian ngắn, AI có khả năng xử lý và phân tích khối lượng lớn dữ liệu, giúp nhanh chóng nhận diện các luận điệu thù địch, thông tin sai sự thật. Không chỉ vậy, AI còn có thể tự động tổng hợp, đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn để phát hiện mâu thuẫn trong luận điệu thù địch, từ đó “vạch trần” sự sai lệch một cách thuyết phục. Trong bối cảnh thông tin độc hại ngày càng tinh vi, được ngụy trang dưới dạng “phản biện xã hội”, AI góp phần giúp lực lượng đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận giữ thế chủ động, phản ứng nhanh và nâng cao hiệu quả đấu tranh lý luận trên không gian mạng.
Tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức: AI có thể giúp tạo ra nội dung tuyên truyền chính thống, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng công chúng. Nhờ khả năng phân tích dữ liệu hành vi người dùng, AI có thể cá nhân hóa thông tin, xây dựng các chiến lược truyền thông hiệu quả cho từng nhóm đối tượng, từ cán bộ, đảng viên đến người dân, thanh niên, học sinh, sinh viên. AI cũng hỗ trợ tạo ra các tài liệu giáo dục sinh động, từ video, bài giảng trực tuyến đến các hình thức tương tác như chatbot tư vấn, giúp nâng cao nhận thức của người dân về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Điều này giúp lan tỏa thông tin chính thống nhanh chóng và chính xác, đồng thời góp phần xây dựng niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội.
Cần kíp có các giải pháp đồng bộ, cụ thể
Việc ứng dụng AI trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một giải pháp hiện đại, mang tính đột phá, giúp nâng cao hiệu quả trong công tác tư tưởng, lý luận và đấu tranh chống thông tin sai lệch. Để ứng dụng AI đạt hiệu quả cao, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể:
Xây dựng hệ thống dữ liệu và kho tri thức chuẩn hóa: Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của AI trong bảo vệ nền tảng tư tưởng là xây dựng hệ thống dữ liệu chính trị-tư tưởng chuẩn hóa. Các cơ quan chức năng cần xây dựng một kho tri thức số hóa bao gồm các tài liệu lý luận, chủ trương, đường lối của Đảng, các văn bản pháp lý và những thông tin chính thống. Hệ thống này sẽ giúp AI có cơ sở dữ liệu vững chắc để phân tích và đối chiếu các thông tin trên mạng.
Phát triển các công cụ AI hỗ trợ giám sát và phân tích dư luận xã hội: AI có thể giúp phân tích dư luận xã hội thông qua các nền tảng mạng xã hội, diễn đàn, blog và các phương tiện truyền thông khác. Các công cụ AI sẽ tự động rà quét, phát hiện các bài viết, hình ảnh, video có nội dung sai trái, xuyên tạc hoặc kích động. Hệ thống AI có thể phân loại thông tin theo mức độ nguy hại và độ lan truyền, giúp cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời.
Ứng dụng AI trong phản biện và tuyên truyền chính thống: AI có thể hỗ trợ trong việc xây dựng và tạo ra nội dung tuyên truyền chính thống, từ bài viết, video đến các bài giảng trực tuyến với khả năng cá nhân hóa thông tin cho từng nhóm đối tượng. Các công cụ AI cũng có thể hỗ trợ tạo ra các phản biện sắc bén đối với những quan điểm sai trái hoặc xuyên tạc, giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đào tạo và nâng cao năng lực sử dụng AI cho cán bộ, đảng viên: Một giải pháp quan trọng là đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các cán bộ làm công tác tuyên giáo, lý luận chính trị, có khả năng vận hành và sử dụng các công cụ AI. Việc nâng cao nhận thức về AI và ứng dụng công nghệ trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng sẽ giúp cán bộ, đảng viên chủ động hơn trong việc sử dụng công nghệ, đồng thời nhận diện và ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa từ thông tin sai lệch.
Tăng cường hợp tác quốc tế và nghiên cứu, phát triển công nghệ AI trong lĩnh vực chính trị: AI không chỉ phát triển trong phạm vi quốc gia mà còn là xu hướng toàn cầu. Để ứng dụng AI hiệu quả, Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ AI. Đồng thời, cần chú trọng nghiên cứu các ứng dụng AI trong lĩnh vực bảo vệ nền tảng tư tưởng, xây dựng các mô hình, thuật toán phù hợp với đặc thù chính trị-xã hội của đất nước.
AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà còn là chìa khóa giúp nâng cao hiệu quả đấu tranh với thông tin sai lệch trong thời đại số. AI cho phép nhận diện, phản bác và tuyên truyền chính xác, kịp thời, từ đó bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trước những thách thức mới. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa công nghệ và bản lĩnh chính trị của con người sẽ là yếu tố quyết định để AI thực sự trở thành “lá chắn tư tưởng” hiệu quả, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng niềm tin vững chắc trong xã hội.
- Cảnh giác âm mưu chuyển hoá đoàn viên, thanh niên bằng thủ đoạn “truyền thông đen”, trí tuệ nhân tạo
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong hoạt động của Quốc hội
- Trí tuệ nhân tạo AI có thể giống nhau, nhưng người dùng tạo ra khác biệt
- Trí tuệ nhân tạo không thay thế được sự dấn thân vì cộng đồng của báo chí

Ý kiến ()