Trao đổi ý kiến về chế định pháp lý của Tập đoàn kinh tế Nhà nước
Có một thực tế nhận thức hiện nay cho rằng Tập đoàn kinh tế là “to” hơn Tổng công ty, TCT lại “to” hơn công ty. Đó là những sai lầm khi đặt vấn đề mang nặng tính chất hành chính hóa các mô hình kinh tế. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp về bản chất hoạt động theo mô hình tập đoàn nhưng vẫn đang mang danh là TCT hay công ty. Vấn đề sở hữu, tư cách pháp nhân, cơ chế quản lý các Tập đoàn đang đặt ra câu hỏi lớn cả về lý luận và thực tiễn nhằm tìm ra một tiêu thức chung cho sự phát triển của Tập đoàn kinh tế Nhà nước.Tập đoàn là ‘to’ hay ‘bé’Phát biểu tại Hội thảo “Mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước ở Việt Nam” do Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương Đảng tổ chức mới đây, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhận định nghiên cứu tập đoàn kinh tế nhà nước ở nước ta đang nổi lên những vấn đề cốt yếu lý luận. Như vấn đề sở hữu trong tập đoàn kinh tế Nhà nước đang đặt ra câu hỏi ai là...
Có một thực tế nhận thức hiện nay cho rằng Tập đoàn kinh tế là “to” hơn Tổng công ty, TCT lại “to” hơn công ty. Đó là những sai lầm khi đặt vấn đề mang nặng tính chất hành chính hóa các mô hình kinh tế. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp về bản chất hoạt động theo mô hình tập đoàn nhưng vẫn đang mang danh là TCT hay công ty. Vấn đề sở hữu, tư cách pháp nhân, cơ chế quản lý các Tập đoàn đang đặt ra câu hỏi lớn cả về lý luận và thực tiễn nhằm tìm ra một tiêu thức chung cho sự phát triển của Tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Tập đoàn là ‘to’ hay ‘bé’
Phát biểu tại Hội thảo “Mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước ở Việt Nam” do Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương Đảng tổ chức mới đây, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhận định nghiên cứu tập đoàn kinh tế nhà nước ở nước ta đang nổi lên những vấn đề cốt yếu lý luận. Như vấn đề sở hữu trong tập đoàn kinh tế Nhà nước đang đặt ra câu hỏi ai là chủ sở hữu đích thực, ai là đại diện chủ sở hữu liên quan đến mối quan hệ giữa Nhà nước, chính phủ với Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tập đoàn. Không ít ý kiến cho rằng, có quá nhiều “ông chủ” trong quan hệ với tập đoàn từ Nhà nước Trung ương đến các cơ quan chính quyền địa phương, các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương. Việc quản lý, kiểm tra lại không diễn ra theo đúng những yêu cầu của tất yếu kinh tế mà thường là những tác động hành chính, sự phân định và phân biệt thẩm quyền, trách nhiệm không rõ ràng giữa các chủ thể, lại thiếu vắng và yếu kém về chế độ trách nhiệm, tính không rõ ràng minh bạch của các báo cáo kinh tế, kiểm soát tài chính… đã dẫn đến tình trạng “vô chủ”.
Hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều về tính pháp lý của hình thức tổ chức tập đoàn kinh tế. Ở Việt Nam, tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập nhằm những mục tiêu cụ thể, trong đó có hai mục tiêu liên quan đến ngành nghề kinh doanh, gồm: tập trung đầu tư và huy động nguồn lực hình thành những nhóm công ty quy mô lớn trong các ngành, lĩnh vực then chốt; giữ vai trò bảo đảm các cân đối lớn trong nền kinh tế, ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế. Thế nhưng qua cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế thế giới năm 2008 vừa qua, hai đợt nền kinh tế phải “gồng mình” chống lạm phát và ổn định vĩ mô mới thấy, các tập đoàn chưa phải đã là “con át chủ bài”, hay “quả đấm thép” hoàn hảo bên cạnh Chính phủ.
TS. Lê Xuân Định – Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng trong quan hệ giữa các tập đoàn với hệ thống quản lý nhà nước về mặt công tác Đảng, đã nhiều năm nay, từ khi có các TCT 90 và 91 các mối quan hệ này đã nảy sinh nhiều vấn đề. Một mặt, quyền lực của Bí thứ ban cán sự là “rất to”, nhưng lợi ích lại gắn chặt với lợi ích của doanh nghiệp và thường là những lợi ích ngắn hạn sẽ chi phối quyết định của họ. Bởi vậy, khó giám sát được những biểu hiện cục bộ, nguy hiểm hơn là khi các mối quan hệ lợi ích đó có thể làm thao túng chính sách. Việc này sẽ có ảnh hưởng lớn đến khả năng thực hiện những mục tiêu chiến lược dài hạn và trong nhiều trường hợp là xung đột với lợi ích của chủ sở hữu, chưa nói tới sự phối kết hợp giữa các ngành và nội bộ ngành vì lợi ích đại cục quốc gia. Trong thành phần hội đồng quản trị của những tập đoàn quan trọng có một số thành viên từ các bộ ngành. Các nghiên cứu cũng đã đưa ra nhận định rằng, sự tham gia của các thành viên này cũng dẫn đến hai hệ lụy: xung đột lợi ích giữa chủ sở hữu và lợi ích của chính doanh nghiệp; thiên vị doanh nghiệp, làm méo mó chính sách quản lý.
Xuất phát từ một đơn vị kinh doanh, Tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Petrolimex Bùi Ngọc Bảo cũng nhận xét mô hình tập đoàn không xuất phát từ nó to hay nó bé. Hiện nay trong giới doanh nghiệp và xã hội đang lúng túng về vấn đề Tập đoàn là như thế nào, mô hình ra làm sao, quản trị như thế nào. “Tập đoàn không phải to hơn TCT, không phải to hơn công ty, mà tập đoàn là cấu trúc ở đó cần quản trị như thế nào, có những mô hình kèm theo ra sao”- Ông Bảo nói.
Hiện nay, những khái niệm này đang bị hành chính hóa, xắp đặt theo một trật tự về hành chính và đi vào tiềm thức do đó dẫn đến một cuộc chay đua để trở thành Tập đoàn lớn hơn TCT. Định hướng chiến lược phát triển của Petrolimex trở thành một tập đoàn của Nhà nước không phải là để khẳng định độ lớn của mình mà là do vấn đề quản trị. Petrolimex hoạt động đa ngành trên cơ sở lấy xăng dầu làm trục chính, đa dạng hoá có chọn lọc các mặt hàng và loại hình kinh doanh khác như vận tải viễn dương, hóa dầu, gas, xây lắp, cơ khí, công trình xăng dầu và các định chế về tài chính, do đó phải có bộ máy quán xuyến, quản trị nhằm bảo đảm hiệu quả đầu tư, trong khi các tiêu thức quản trị trong “cái áo” Tổng công ty đã trở nên trật trội.
Vấn đề “ Đa sở hữu”
Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân Phạm Quang Trung nhận xét nếu các tập đoàn duy trì sở hữu 100% Nhà nước kéo dài thì sớm hay muộn sẽ làm suy yếu tập đoàn đó. Như trường hợp hai ngân hàng Vietinbank và Vietcombank về bản chất là tập đoàn kinh tế với vốn sở hữu nhà nước tại hai ngân hàng này vẫn chiếm hơn 90%. Trong thời gian vừa qua, các vấn đề điều hành, tăng vốn, niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán đối với hai ngân hàng này là rất rắc rối cả về mặt kỹ thuật cũng như chủ trương. Xu hướng phổ quát hiện nay trên toàn thế giới đặc biệt là các nước công nghiệp phát triển, đa sở hữu là vấn đề sống còn đối với các tập đoàn, nhất là các tập đoàn đa quốc gia. Dựa vào sở hữu của các thành phần kinh tế khác nhau, các tập đoàn thu hút được nguồn vốn lớn trong xã hội. Như PetroVietnam và TCT Sông Đà thời gian vừa qua thành công nhờ đa dạng hóa sở hữu, tích cực cổ phần hóa và đưa niêm yết một loạt công ty con trên sàn chứng khoán giúp khai thác nguồn vốn huy động từ xã hội.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam Nguyễn Xuân Sơn chia sẻ kinh nghiệm khi hoạt động dưới mô hình Tập đoàn cho biết xây dựng và quản lý tập đoàn trên cơ sở đa sở hữu, riêng công ty mẹ là 100% vốn nhà nước, các công ty con được cổ phần hóa, từ đó bổ sung vốn từ một đồng vốn thu về 2,3 đồng do đó tạo ra nguồn lực phát triển cả Tập đoàn. Theo Phó TGĐ Nguyễn Xuân Sơn thất bại của Vinashin là không quyết liệt cổ phần hóa.
Có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu có cơ chế tăng cường hơn nữa sự phối hợp chung giữa các Tập đoàn do Nhà nước làm chủ sở hữu. Về quy mô các đơn vị trong Tập đoàn rất khác nhau: có Tập đoàn có hàng trăm công ty con, nhiều đơn vị công nghiệp phụ trợ rất nhỏ mà nhiệm vụ cơ bản như nhau. Vì vậy, cần xem xét nếu trong Tập đoàn có nhiều đơn vị phục vụ, phụ trợ giống nhau thì cần nghiên cứu nhóm lại một đầu mối (Tổng công ty) chỉ huy nhằm chuyên môn hoá, tập trung đầu tư chuyên sâu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, hiệu quả đầu tư.
Kết luận của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế – xã hội năm 2011 cũng yêu cầu tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước theo hướng cổ phần hóa các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước; tập trung phát triển ngành sản xuất chính của doanh nghiệp; không khuyến khích phát triển những ngành không liên quan đến ngành sản xuất chính. Đồng thời, sớm xác định cơ quan nhà nước đóng vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp, khắc phục tình trạng không rõ ràng như hiện nay; sớm ban hành thể chế về quyền và trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân sử dụng vốn nhà nước trong sản xuất, kinh doanh. Đây là những định hướng đúng đắn nhằm giúp giới nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách xác định các giải pháp đổi mới tập đoàn về mô hình, chính sách, thể chế và cơ chế.
* Trong vòng 5 năm, kể từ ngày đề án thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên được Thủ tướng phê duyệt, Việt Nam đã nhanh chóng cho ra đời được 12 tập đoàn và 87 tổng công ty nhà nước hoạt động trong các ngành quan trọng của nền kinh tế. Các doanh nghiệp này đang nắm lượng tài sản lớn của quốc gia và đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện một số chính sách về phát triển.
Đến nay, 12 tập đoàn kinh tế nhà nước được thành lập theo hai mô hình. Đó là tổ chức lại các Tổng công ty nhà nước (các TCT 90 và 91) bao gồm 10 tập đoàn: Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. Tổ hợp các doanh nghiệp độc lập có cùng lĩnh vực hoạt động có hai tập đoàn là: Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam.
Theo Nhandan

Ý kiến ()