Giáo dục kỹ năng sống, trang bị hành trang vững vàng cho học sinh
- Thời gian qua, cùng với nhiệm vụ dạy học, ngành giáo dục tỉnh luôn chú trọng trang bị kỹ năng sống cho học sinh, coi đây là nội dung giáo dục cốt lõi và thường xuyên, nhằm giúp học sinh nâng cao ý thức an toàn và sẵn sàng ứng phó với các tình huống trong cuộc sống.

Ngay từ đầu năm học 2024–2025, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch trang bị kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh, phù hợp với từng độ tuổi. Nội dung giáo dục tập trung vào các vấn đề thiết thực như: phòng chống đuối nước, tai nạn giao thông, cháy nổ, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, an toàn trên không gian mạng, ứng xử nơi công cộng… Từ định hướng đó, trong học kỳ I vừa qua, toàn ngành đã tổ chức trên 1.000 buổi tuyên truyền trực tiếp, thu hút hơn 400.000 lượt học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia. Các hoạt động truyền thông gián tiếp thông qua loa truyền thanh, mạng xã hội, nhóm zalo lớp cũng được triển khai hơn 2.000 lượt, với tổng số lượt tiếp cận học sinh ước đạt trên 750.000 người.
Điểm nổi bật trong triển khai giáo dục kỹ năng sống là việc đổi mới phương pháp tổ chức, chuyển từ hình thức tuyên truyền thụ động sang các hoạt động tương tác, trải nghiệm thực tế. Nhiều trường đã tổ chức các tiết học thực hành mô phỏng tình huống giả định; hoạt động nhóm; diễn đàn “Học sinh nói về kỹ năng sống”; sinh hoạt dưới cờ theo chủ đề; thành lập câu lạc bộ kỹ năng sống, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích.
Tại Trường THPT Việt Bắc (thành phố Lạng Sơn), công tác giáo dục kỹ năng sống được thực hiện xuyên suốt trong các tiết học và hoạt động ngoại khóa. Nhà trường đã lồng ghép các chuyên đề phòng chống bạo lực học đường, kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội, phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứu… giúp học sinh không chỉ hiểu mà còn biết làm, biết ứng phó trong các tình huống thực tế. Tương tự, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS – THPT Cao Lộc, các tiết học kỹ năng được tổ chức định kỳ, với nội dung phong phú, gần gũi. Em Đàm Minh Khánh, học sinh lớp 9A1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS – THPT Cao Lộc cho biết: “Những giờ học như vậy giúp chúng em hiểu rõ hơn về những tình huống nguy hiểm trong cuộc sống và cách xử lý. Em thấy tự tin hơn khi biết cách bảo vệ mình và giúp đỡ bạn bè.”
Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đã chủ động phối hợp với công an, đoàn thanh niên, tòa án, hội phụ huynh… tổ chức nhiều hoạt động lồng ghép như hội thi, tọa đàm, sân khấu hóa, tham quan thực tế tại trại giam, phiên tòa giả định... Một trong những điểm nhấn đáng ghi nhận là việc triển khai hiệu quả hoạt động tư vấn tâm lý học đường. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đã thành lập tổ tư vấn tâm lý – công tác xã hội; mỗi trường đều có ít nhất một cán bộ quản lý hoặc giáo viên đã được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ tư vấn tâm lý học đường. Các tổ tư vấn hoạt động tích cực, kịp thời hỗ trợ học sinh gặp khó khăn về tâm lý, mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè, áp lực học tập hoặc gia đình.
Song song với đó, hơn 1.300 câu lạc bộ kỹ năng, văn hóa, thể thao đang hoạt động sôi nổi trong các nhà trường. Đây là môi trường giúp học sinh phát huy sở trường, trau dồi kỹ năng sống, rèn luyện thể chất, tinh thần và khả năng thích nghi xã hội. Bên cạnh các hoạt động trong trường học, toàn tỉnh hiện có 5 trung tâm kỹ năng sống ngoài công lập được cấp phép hoạt động, góp phần đa dạng hóa môi trường giáo dục kỹ năng ngoài giờ .
Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: “Thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm trang bị kỹ năng sống cho học sinh, từ việc lồng ghép trong nội dung giảng dạy, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế đến xây dựng đội ngũ tư vấn tâm lý học đường và phát huy hiệu quả các câu lạc bộ kỹ năng tại trường học. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì thường xuyên hoạt động này, tích hợp sâu hơn vào chương trình giáo dục.”
Với sự chỉ đạo quyết liệt của ngành, sự phối hợp chặt chẽ của gia đình và cộng đồng, môi trường học đường an toàn, thân thiện, hiện đại tại Lạng Sơn đang từng bước được hình thành. Những kiến thức và kỹ năng mà học sinh tích lũy được chính là hành trang vững chắc để các em trưởng thành, bước vào cuộc sống với tâm thế tự tin và chủ động.

Ý kiến ()