Tôn trọng, minh bạch tác quyền âm nhạc
Khi Video “Đoàn vệ quốc quân” trên nền tảng Youtube bị chặn, thì khán giả chỉ còn nhìn thấy tiêu đề video chứ không thể xem và nghe được nội dung, khiến vấn đề tác quyền âm nhạc lại gây băn khoăn cho các đơn vị sản xuất, phổ biến phát hành.
Điều đáng nói, tác phẩm “Đoàn vệ quốc quân” thuộc album “Bài ca người lính Vol.2” do Hãng phim Trẻ đầu tư sản xuất và phát hành hơn 20 năm trước, đã hoàn thành công tác nộp phí tác quyền âm nhạc, nhưng được cho là đã bị Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) ngăn chặn trên nền tảng YouTube, mặc dù Trung tâm này đã được YouTube trả tiền tác quyền.
Theo đơn vị sản xuất tác phẩm và Youtube, VCPMC không hề thông báo trước, cũng như không nêu lý do vì sao họ “block” những video nói trên.
Hàng loạt tác phẩm bị thu tác quyền tới hai lần
Theo phản ánh của đơn vị quản lý sản phẩm âm nhạc gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền tác giả, Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an và nhiều cơ quan báo chí, VCPMC đã có hành vi cản trở việc phổ biến các tác phẩm âm nhạc cách mạng trên nền tảng số.

Đơn vị quản lý sản phẩm âm nhạc “Bài ca người lính Vol.2” cho biết, mặc dù đã nhiều lần trao đổi với VCPMC về việc họ ngăn chặn phổ biến các bài hát - trong khi Youtube đã có cơ chế Content ID và Youtube Music, thì thông qua đó Youtube luôn có cơ chế trả phí bản quyền, đảm bảo quyền lợi cho chủ sở hữu quyền tác giả do VCPMC đại diện. Với chính sách này của Youtube, tiền phí bản quyền luôn được chi trả, nhưng VCPMC vẫn tiếp tục chặn các video mà không đưa ra bất kỳ lý do hợp pháp nào.
Đại diện ủy quyền sản phẩm nhạc của Hãng phim Trẻ trên Youtube cho biết, nhìn vào hệ thống quản lý nội dung của Youtube thấy VCPMC_CS (tức VCPMC) đã nhận 100% quyền “Biểu diễn” (PR - performance right) và 100% quyền “Sao chép” (MR - Mechanical Right) tại Việt Nam từ Youtube bằng cách gắn/nhúng các quyền của mình vào bản ghi âm liên kết với video trên Youtube. Từ đó YouTube sẽ trả lại tiền bản quyền về cho VCPMC đối với các bài hát, các video mà VCPMC gắn quyền. Đơn vị khẳng định việc, VCPMC đã nhận tiền tác quyền do Youtube trả từ những video nói trên rồi, nhưng VCPMC vẫn tiếp tục “block” video để thu tiền tác quyền lần hai là hành vi lạm dụng công cụ của Youtube để tận thu tác quyền.
Hầu hết các sản phẩm của Hãng phim Trẻ đều được sản xuất từ hàng chục năm trước. Hiện giờ những video này không còn giá trị thương mại, chỉ còn giá trị văn hóa, lịch sử và nhiệm vụ phục vụ chính trị. Việc phát hành lại trên nền tảng Youtube là nỗ lực của các hãng băng đĩa truyền thống nhằm tiếp tục nối dài đời sống cho những sản phẩm văn hóa. Mặt khác, công chúng cũng được hưởng lợi từ việc tiếp cận các sản phẩm văn hóa này, mà không phải mất phí.

Vào năm 2021, vụ việc nhiều kênh Youtube tự tắt tiếng Quốc ca khi phát sóng một trận bóng đá trên Youtube, đã khiến Quốc hội sau đó phải bàn về việc không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến Quốc ca. Điều 10 của Luật Sở hữu trí tuệ 50/2005/QH11 (được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12, Luật số 07/2022/QH15) quy định: "Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và không được vi phạm quy định khác của pháp luật có liên quan".
Ngăn chặn phổ biến âm nhạc, người bị thiệt đầu tiên là nhạc sĩ
Một số chuyên gia Youtube cũng cho rằng việc làm dụng công cụ bảo vệ sở hữu trí tuệ không những làm cản trở hoạt động kinh doanh, phổ biến âm nhạc của các đơn vị sản xuất, nhà phân phối mà còn gây thiệt hại cho chính tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả. Bởi lẽ, một tác phẩm âm nhạc chỉ thật sự thành công và có ý nghĩa khi được phổ biến và lan rộng tới công chúng, đặc biệt khi tác phẩm đó càng được phổ biến rộng rãi trên nền tảng Youtube thì quyền lợi bản quyền của tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả càng được đảm bảo quyền lợi bản quyền do Youtube có chính sách trả tiền bản quyền thông qua các đơn vị đại diện quyền tác giả có hợp đồng hợp tác với Youtube, đơn cử ở Việt Nam có VCPMC.
Bà Nguyễn Thanh Thư, chuyên gia pháp lý về vấn đề bản quyền cho biết: Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định: “Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
Tuy nhiên Khoản 5 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ cũng có nhấn mạnh tổ chức, cá nhân lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên lạm dụng thủ tục đó phải bồi thường cho những thiệt hại do việc lạm dụng gây ra, trong đó bao gồm chi phí hợp lý để thuê luật sư”.

Theo thông lệ quốc tế, chẳng hạn tại Mỹ, Songtrust là một dịch vụ đại diện tác giả thu tiền bản quyền bài hát. Songtrust cùng với các công ty/CMO về quyền biểu diễn (như ASCAP và BMI) và quyền sao chép (như The Harry Fox Agency và The MLC) tại Hoa Kỳ đều thu tiền bản quyền bài hát trên Youtube thông qua những hợp đồng ký với Youtube.
Qua đó, các CMO/công ty đại diện tác giả sẽ thu tiền bằng hệ thống CMS và Content ID được YouTube cấp mà không liên hệ với từng chủ video cụ thể để yêu cầu đóng tiền. Tất nhiên, họ cũng sẽ không có những hành vi đe dọa block, ngăn chặn xóa bỏ để yêu cầu chủ video trên Youtube phải đóng tiền riêng. Đây là cách quản lý quyền tác giả đúng đắn, văn minh và hợp pháp.
Bà Nguyễn Thanh Thư nêu ví dụ và bày tỏ mong muốn các bên liên quan, đơn vị, tổ chức được các tác giả, gia đình tác giả ủy quyền thực thi quyền sở hữu tác quyền cần hoạt động một cách công khai, minh bạch, tránh vi phạm pháp luật; đồng thời rất mong trong thời gian tới các cơ quan có thẩm quyền cùng phối hợp với các đơn vị, tổ chức có liên quan hoàn thiện thêm quy định của pháp luật về chính sách phí bản quyền, cách thức thu, biểu giá phí bản quyền cần cụ thể, rõ ràng hơn để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực âm nhạc trên nền tảng số và cân bằng đảm bảo quyền lợi của các bên như tác giả, nhà sản xuất.

Ý kiến ()